Quân đội Trung Quốc được cho là đã hoán cải hàng nghìn chiếc J-6 thành máy bay tấn công không người lái.
Nguồn ảnh: Sina
Gần đây trên các trang mạng của Trung Quốc xuất hiện hình ảnh số lượng lớn máy bay chiến đấu J-6 được tập kết tới một địa điểm bí mật bằng xe tải chuyên dụng hạng nặng, mục đích đưa những chiếc J-6 này tới đây đang thu hút nhiều sự quan tâm.
Ngoài khả năng sử dụng làm bia bay, mục tiêu tập bắn… thì đáng chú ý nhất là viễn cảnh chúng sẽ được hoán cải trở thành máy bay không người lái cảm tử, hay cũng có thể gọi là tên lửa hành trình đối đất.
Theo Sina, năm 2010, J-6 (phiên bản sao chép MiG-19 Farmer của Liên Xô do Trung Quốc thực hiện theo giấy phép)chính thức bị loại khỏi biên chế của Không quân Trung Quốc nhưng vào năm 2013, Trung tâm nghiên cứu RAND (Mỹ) cho biết, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã hoán cải hàng nghìn chiếc J-6 thành máy bay tấn công không người lái.
Kể từ thời điểm đó đã xuất hiện hàng loạt tin đồn về việc hàng nghìn máy bay không người lái J-6 của PLA tấn công tập thể các mục tiêu. Thông tin nhóm máy bay tấn công không người lái quy mô lớn này vừa có thể tấn công Đài Loan, vừa tấn công tàu sân bay của Mỹ, được đồn đại rất bí ẩn.
Đến nay, ngay cả quân đội Mỹ cũng chưa thể hiện thực hóa việc điều khiển 3.000 máy bay tấn công không người lái xuất kích trong một thời gian ngắn để tấn công mục tiêu. Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây công bố họ đã đạt được một bước ngoặt về công nghệ, mở đường để phương án tác chiến như trên nhanh chóng trở thành hiện thực.
Hãy phân tích xem viễn cảnh trên có khả năng xảy ra hay không?
Cần phải thừa nhận rằng, mặc dù chiến đấu cơ hoán cải khó có khả năng thực hiện đường bay phức tạp, luồn lách bám địa hình để bí mật xâm nhập như tên lửa hành trình thực thụ nhưng chúng vẫn là cơn ác mộng đối với mọi lực lượng phòng không trên thế giới, nhất là khi được tung ra với số lượng lớn.
Ngoài chức năng thu hút hỏa lực đối phương để các tên lửa hành trình hiện đại có nhiều hơn cơ hội tiếp cận mục tiêu, không ai dám bảo đảm rằng có thể đánh chặn toàn bộ số tiêm kích không người lái này. Nếu không may chỉ cần để lọt 1 chiếc duy nhất cũng có thể dẫn đến kết quả là cái giá phải trả rất đắt.
Tuy nhiên, giấc mơ trên cũng bị nhận định là thiếu thực tế. Như đã nêu ở trên, việc huy động, điều khiển và tiến hành phối hợp chừng đó máy bay là quá sức đối với bất cứ một cường quốc quân sự nào, kể cả Mỹ.
Trên thực tế, tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2016, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm, trong đó kiểm soát thành công 67 chiếc UAV đang hoạt động trên không.
Sau đó đến giữa năm 2017, họ đã nâng con số này lên 119 chiếc, vượt kỷ lục của Mỹ là 103 máy bay. Tuy rằng còn xa con số 3.000 triển vọng nhưng đây vẫn được xem là một bước tiến “sáng sủa”, nhất là khi công nghệ trí thông minh nhân tạo đang thu được những bước tiến vượt bậc.
Lúc này, một rào cản nữa lại xuất hiện, đó là mỗi chiếc J-6 hoán cải cần tới 3 phút để cất cánh, nếu diễn ra liên tục thì một giờ chỉ phóng được 20 “quả tên lửa” loại này lên không trung, triển khai hết 3.000 chiếc J-6 cần tới 150 giờ, tức là 6 ngày, nếu phân tán địa điểm cất cánh ra nhiều sân bay khác nhau thì mật độ cũng không đảm bảo tạo ra đòn tấn công ào ạt.
Quân đội Trung Quốc đang có rất nhiều tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo các loại trong biên chế, chúng có thời gian triển khai nhanh và tính năng rất đáng gờm, cho nên, họ có lẽ sẽ không dại gì mất thời gian cho kế hoạch phiêu lưu trên.
Trong hàng nghìn chiếc J-6 loại biên, có lẽ chỉ một lượng rất nhỏ được hoán cải sang UAV, và có lẽ chúng chỉ được dùng làm mục tiêu tập bắn chứ không phải tấn công cảm tử.