Tuesday, November 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiPhi công VN học lái Su-30MKI ở Ấn Độ: Thời cơ đã...

Phi công VN học lái Su-30MKI ở Ấn Độ: Thời cơ đã chín muồi?

Su-30MKI liên tiếp giành những chiến thắng ấn tượng trước các chiến đấu cơ hiện đại bậc nhất thế giới như F-15, Typhoon, Rafale. Liệu Ấn Độ sẽ truyền kinh nghiệm cho Việt Nam?

Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam.

Liên tiếp 2 lãnh đạo QĐ Ấn Độ sang Việt Nam

Đưa tin về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Đô đốc Sunil Lamba – Chủ tịch Ủy ban Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, báo India Times (Ấn Độ) cho biết với quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, Việt Nam – Ấn Độ kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1972 – 2017), 10 năm Ngày thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2007 – 2017).

India Times cũng cho biết công tác đào tạo phi công tiêm kích Su-30 Việt Nam tại Ấn Độ đang bắt đầu.

Tiếp đó, ngày 01/11/2017, Đại tướng Briender Singh Dhanoa – Tư lệnh Không quân Ấn Độ và đoàn công tác đã đến thăm Quân chủng PK-KQ.

Tại buổi tiếp, Trung tướng Lê Huy Vịnh – Tư lệnh Quân chủng PK-KQ cho biết ông đánh giá tích cực kết quả hợp tác giữa không quân hai nước, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, quân y, kỹ thuật hàng không, đào tạo phi công lái máy bay quân sự.

… đi một ngày đàng học một sàng khôn

Như vậy, có thể thấy việc các phi công quân sự Việt Nam sang Ấn Độ học lái máy bay tiêm kích thế hệ mới (Su-30MKI) sẽ không còn xa nữa, khi mà những điều kiện cần và đủ đều đã hội tụ gần như hoàn hảo.

Thứ nhất, quan hệ truyền thống tốt đẹp về nhiều mặt trong đó có hợp tác quốc phòng giữa 2 nước đang được duy trì một cách bền vững, hiệu quả. Phía bạn (Ấn Độ) nhiều lần bày tỏ mong muốn hỗ trợ và sẵn sàng tạo điều kiện để đón phi công quân sự Việt Nam sang học bay.

Trong khi đó, với Không quân Việt Nam, đây là một cơ hội tốt để nâng cao trình độ tổng hợp cả về chỉ huy tham mưu, nghệ thuật tác chiến không quân, hoàn thiện công tác đảm bảo kỹ thuật và đảm bảo an toàn bay. Và Ấn Độ là một địa chỉ tin cậy.

Thứ hai, Không quân Ấn Độ gần đây trở thành khách mời danh dự và thường xuyên của Không quân các quốc gia được đánh giá là hùng mạnh bậc nhất thế giới như Anh, Pháp, Mỹ để tham dự các cuộc tập trận chung, trong đó có các bài bay không chiến bằng các loại tiêm kích hiện đại.

Dù là khách mời, nhưng Không quân Ấn Độ với “gà nòi” là tiêm kích Su-30MKI chẳng hề nể nang gì các quốc gia chủ nhà, liên tiếp giành những chiến thắng ấn tượng. Điều đó thể hiện đẳng cấp của phi công và khả năng tác chiến thực sự của những “ông ba mươi” mà Tập đoàn Sukhoi chế tạo riêng cho quốc gia Nam Á này, bất chấp đối thủ đều là những loại tiêm kích sừng sỏ.

Không quân Hoàng gia Anh choáng váng. Tại sứ sở sương mù, 4 chiếc tiêm kích Su-30MKI xuất hiện làm bầu không khí nóng lên từng ngày. Đối thủ của chúng là những chiếc Eurofighter Typhoon – niềm tự hào của công nghiệp hàng không quân sự châu Âu.

Trong cận chiến 1 đấu 1, các phi công lão luyện của Ấn Độ đã dùng tiêm kích Su-30MKI giành thắng lợi tuyệt đối 12-0 trước chiến đấu cơ Typhoon được điều khiển bởi các phi công Anh. Thậm chí, 1 Su-30MKI đơn thương độc mã đấu với 2 Typhoon thì người Anh cũng ngậm ngùi chuốc lấy thất bại, không có bất cứ cơ hội chiến thắng nào.

Mặc dù sau đó người Anh có lên tiếng giải thích này nọ rằng họ đã chiến đấu “chấp một tay” trước đối thủ Su-30MKI vì có một số giới hạn trong kịch bản không chiến khiến cho Typhoon không phát huy được sức mạnh tổng hợp. Dĩ nhiên, bị thua trắng bụng là một cảm giác khó mà “nuốt trôi”.

Không quân Mỹ nhiều lần bẽ bàng. Trong các cuộc tập trận Cope India 04, Ấn Độ cũng tuyên bố Su-30 giành thắng lợi vang rền, với tỷ lệ bắn hạ 9:1 trước các chiến đấu cơ F-15C của Không quân Mỹ. Sau đó, còn nhiều cuộc đấu khác giữa các tiêm kích Ấn Độ và Mỹ đã diễn ra với phần thắng nghiêng về Ấn Độ nhiều hơn.

Chính Tướng Matt Molloy, Tư lệnh Không đoàn 18 của Mỹ nhận xét: “Chúng tôi bay chiến đấu cùng với Su-30MKI trong không chiến một đối một với các điều kiện đối phương ở trong giới hạn tầm nhìn và ngoài giới hạn quan sát được.

Như đã thấy, các máy bay chiến đấu Su đã thể hiện rất tốt khả năng cơ động linh hoạt khi thực hiện các bài tập chiến đấu cơ bản. Ngay cả trong điều kiện thực hiện nhiệm vụ ngoài trường nhìn, máy bay tiêm kích Su-30MKI vẫn làm chủ tình thế trên bầu trời”.

Như đã nói ở trên, qua các lần tập trận chung và giao lưu không quân các phi công tiêm kích Ấn Độ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm rất quý khi họ liên tiếp được “chiến đấu” với các phi công phương Tây sừng sỏ bay trên những loại máy bay tiêm kích hiện đại hàng đầu thế giới.

Đặc biệt được bay trên Su-30MKI – trụ cột quan trọng của KQ Ấn Độ sẽ là một trải nghiệm mới đối phi công Việt Nam bởi lẽ đây là một trong những loại tiêm kích đa năng uy lực nhất thế giới, mặc dù có một số khác biệt lớn (về hệ thống điện tử hàng không, động cơ, kết cấu khí động học) nhưng ít nhiều, các phi công Việt Nam đang bay trên Su-30MK2 cũng sẽ không quá bỡ ngỡ.

Nếu phi công Việt Nam được truyền thụ và tiếp thu trọn vẹn những kinh nghiệm này có thể giúp nâng cao đáng kể trình độ nhằm ứng phó với các tình huống trên không có thể xảy ra trong tương lai.

Thứ ba, kinh nghiệm chỉ huy hiệp đồng tác chiến liên quân chủng không quân – hải quân của Ấn Độ cũng là những kiến thức hết sức quý giá đối với Việt Nam, bởi cả ta và bạn đều không biên chế máy bay tiêm kích Su-30 cho hải quân.

Bên cạnh đó, học bay tại Ấn Độ phi công Việt Nam cũng sẽ có điều kiện làm quen với nhiều loại khí hậu và địa hình giống và không giống ở trong nước, mở ra thêm những những kiến thức mới, bổ ích.

Hy vọng trong tương lai gần, những phi công quân sự Việt Nam sang học bay ở Ấn Độ sẽ tốt nghiệp về nước, mang theo hành trang là những kinh nghiệm quý báu do phía bạn truyền thụ để tiếp tục xây chắc truyền thống anh hùng của KQ Việt Nam, quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ bởi những tinh huống từ trên không.

RELATED ARTICLES

Tin mới