Trung Quốc vừa cho chạy thử một tàu nạo vét mới, một công cụ sẽ giúp cho nước này tăng cao khả năng bồi đắp đảo nhân tạo, truyền thông nhà nước loan tin hôm Chủ Nhật.
Việc thử nghiệm diễn ra vào lúc nước này đang tiếp tục phát triển các cơ sở ở Biển Đông nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng biển này, và vào ngay trước khi ông Donald Trump bắt đầu chuyến công du Á châu.
Reuters dẫn lời báo Beijing News nói tàu Thiên Côn đã bắt đầu thử hoạt động hôm thứ Sáu.
Tàu nạo vét thường được dùng trong các dự án quy mô lớn nhằm tạo mới hoặc bồi đắp đảo.
Dài 140m, tàu Thiên Côn là tàu nạo vét lớn nhất Á châu, với phần khoan cắt và bơm có công suất lấy lên từ đáy biển và nghiền nát lượng đá tương đương với ba bể bơi tiêu chuẩn Olympic trong vòng một giờ đồng hồ, và phóng lượng đá nghiền này đi xa tới 15km để tạo thành đất đảo, trang Financial Times nói.
Trước đó, tàu nạo vét Tian Jing Hao từng giữ kỷ lục là tàu nạo vét lớn nhất Á châu – tàu này do hãng Vosta của Đức thiết kế, và tập đoàn China Merchant Group của Trung Quốc xây lắp với chi phí 130 triệu đô la.
Trong thời gian từ 2013 đến 2016, Trung Quốc đã xây cất mới và cơi nới được bảy đảo với tổng diện tích 8 triệu m2. Bắc Kinh cũng đã cho xây dựng các bãi đáp máy bay, căn cứ phóng tên lửa và đặt các hệ thống radar tại những nơi đó.
Beijing News trích lời ông Trương Tiểu Phụng, kỹ sư trưởng của tàu, nói Thiên Côn sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ nửa đầu năm 2018.
Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đã âm thầm xây dựng, bồi đắp thêm nhiều ở Biển Đông, nơi có tuyến đường biển tấp nập trị giá khoảng 5 tỷ đô la qua lại mỗi năm.
Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ cho triển khai các chiến đấu cơ đầu tiên đáp xuống các đường băng được xây dựng ở Quần đảo Trường Sa trong những tháng tới.
ác đảo nhân tạo và thiết lập các điểm phục vụ mục tiêu quân sự tại vùng biển này sẽ gây hạn chế quyền tự do đi lại. Tàu thuyền của Mỹ đã tiến hành các hoạt động tuần tra trong khu vực, khiến Trung Quốc tức giận.
Chủ đề này có thể sẽ được nêu lên khi ông Trump tới Bắc Kinh vào tuần tới, trong chặng dừng chân chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày của tổng thống Hoa Kỳ.
Theo kế hoạch, ông Trump sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và hầu như chắc chắn là chủ đề các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn sẽ nằm cao trong nghị trình làm việc của hai nhà lãnh đạo.