Vấn đề Biển Đông sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp giữa các lãnh đạo tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam, và cũng không nằm trong các cuộc thảo luận xung quanh cuộc họp thượng định này, Tân Hoa Xã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông khẳng định hôm thứ Sáu (3/11).
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Biển Đông sẽ không nằm trong nghị trình chính thức lẫn các cuộc họp bên lề hội nghị APEC ở Đà Nẵng.
“Các bên khác nhau có sự nhất trí về vấn đề này”, ông Lý Bảo Đông cho biết tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh về chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới tham dự APEC ở Đà Nẵng, sau đó thăm cấp nhà nước tới Hà Nội và kết thúc chuyến đi tại Lào.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước này hy vọng hội nghị APEC sẽ tập trung vào vấn đề hợp tác kinh tế của khu vực châu Á Thái-Bình Dương.
Trong khi đó, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Hiểu Đông nhận định căng thẳng ở Biển Đông đã hạ nhiệt và có những tiến triển tích cực. Ông cho biết Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông.
“Hai bên sẽ giữ vững nguyên tắc tham vấn và đối thoại thân thiện để cùng quản lý và kiểm soát các tranh chấp hàng hải, bảo vệ bức tranh lớn về mối quan hệ đang phát triển Việt-Trung”, tờ Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lời ông Trần.
Trong khi đó, tại một cuộc họp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hà Nội một ngày trước đó (2/11), Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đề nghị hai bên nên giải quyết tranh chấp dựa trên sự đồng thuận và luật pháp quốc tế, tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình.
Trước đó vào tháng 8, một cuộc họp đã lên lịch giữ hai ngoại trưởng Việt-Trung đã bị hoãn vào phút chót do bất đồng giữa hai bên về vấn đề Biển Đông. Mặc dù lý do hoãn họp không được nêu chính thức, nhưng các hãng tin quốc tế cho biết ông Vương Nghị đã bỏ họp với ông Phạm Bình Minh vì một thông cáo chung của ASEAN đưa ra ngay trước đó, với nội dung bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc bồi đắp các đảo tranh chấp và quân sự hóa Biển Đông. Bắc Kinh đổ lỗi cho Việt Nam đã vận động để đưa vấn đề này vào thông cáo chung của ASEAN.
Hoa Nam Buổi Sáng nhận định mặc dù Hà Nội có những nghi ngờ sâu sắc đối với Bắc Kinh về vấn đề an ninh, song họ vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ. Ngoài ra, quyết định rút khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của chính quyền Trump cũng là một yếu tố thúc đẩy Hà Nội tăng cường trao đổi thương mại với Trung Quốc.
Cũng trong ngày 3/11, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết Bắc Kinh mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước. Ông cho biết thêm rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã đạt 150 tỷ đôla trong năm nay.