Mỹ dường như đổi cách gọi khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khi giới chức Washington gần đây thường dùng Ấn Độ-Thái Bình Dương để chỉ khu vực này.
Trong nhiều thập kỷ qua, khu vực đại dương và lục địa trải dài từ Australia đến Ấn Độ được Mỹ gọi là “châu Á – Thái Bình Dương”, AP đưa tin ngày 4/11. Tuy nhiên, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị công du 5 quốc gia châu Á, giới chức Nhà Trắng, thậm chí chính ông Trump, lại không sử dụng cụm từ đó mà gọi khu vực là “Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster nhắc “Ấn Độ – Thái Bình Dương” nhiều lần khi mô tả chuyến công du của ông Trump với báo giới hôm 2/11. Ông nói Tổng thống Trump “đã có 43 cuộc điện đàm với các lãnh đạo Ấn Độ – Thái Bình Dương kể từ khi nhậm chức”. Ông Trump cũng dùng cụm từ này khi phát biểu trước nội các hôm 1/11.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, khi nói về quan hệ chiến lược với Ấn Độ hồi tháng 10, dùng “Ấn Độ – Thái Bình Dương” 15 lần trong bài phát biểu. Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó từ chối trả lời câu hỏi có phải Mỹ có thay đổi trong chính sách hay không.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ lại có cách gọi riêng với khu vực. Đó là “Ấn Độ – châu Á – Thái Bình Dương”.
“Ấn Độ – Thái Bình Dương” không phải một cái tên mới xuất hiện. Một số chuyên gia chính sách đối ngoại tại Ấn Độ, Indonesia và Australia đã sử dụng nó suốt vài năm qua.
Theo AP, ông Trump có thể đang muốn tách biệt với người tiền nhiệm Barack Obama, người đưa ra chính sách “xoay trục” sang châu Á. “Mỹ tập trung vào châu Á – Thái Bình Dương trong thế kỷ 21”, ông Obama phát biểu tại Australia tháng 11/2011.
Chính quyền Mỹ hiện tại dường như cũng có thông điệp tương tự nhưng chỉnh sửa một chút. Bằng cách dùng “Ấn Độ – Thái Bình Dương”, Washington muốn nêu ý tưởng về một khu vực trải rộng hơn chỉ là Trung Quốc và các nền kinh tế đang lên ở Đông Á.