Ông Trọng đã lên đường sang thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ. Nếu không có gì đột biến xảy ra thì ngày 07/07, ông sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Obama.
Đây thực sự là một cuộc gặp lịch sử, bởi lần đầu tiên nước Mỹ tiếp Tổng bí thư của một Đảng Cộng sản – mà Đảng này đã làm cho Mỹ thảm bại trên chiến trường Việt Nam 40 năm trước.
Nhân sự kiện này, mới thấy rằng câu nói của một triết gia là “Không có liên minh vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, mà chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn” đúng làm sao!
Trước đây, ngay cả những người lạc quan cũng không bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày Hoa Kỳ mời một Tổng bí thư Đảng Cộng sản đến tòa Bạch ốc. Người ta cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng một đất nước đã chịu nhiều đau thương, mất mát vì Hoa Kỳ lại có ngày hợp tác với Hoa Kỳ.
Người ta nghĩ nhiều đến một vấn đề quan trọng là trong bối cảnh biển Đông đang bị Trung Quốc bành trướng, xâm chiếm, dựng đảo trái phép và có nhiều hành động ngông cuồng khác thì Việt Nam liệu có tìm kiếm chỗ dựa là Hoa Kỳ hay không?
Nếu chuyến đi này của ông Trọng sang Hoa Kỳ không giải đáp được vấn đề đó, thì ông Trọng sang Hoa Kỳ để làm gì?
Như sự thông báo của lãnh đạo Việt Nam, ông Trọng sang Hoa Kỳ để bàn về các phương cách củng cố quan hệ hợp tác toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam, cùng những vấn đề được quan tâm khác như TPP, hợp tác quốc phòng và giải thích với nhau về các vấn đề nhân quyền, đồng thời để hiểu nhau hơn.
Trong lịch sử, suốt từ năm 1945 trở lại đây, Việt Nam luôn là con cờ trong tay các nước lớn, là tâm điểm của những cuộc đấu tranh về ý thức hệ. Số phận của một dân tộc đau thương là như vậy đó. Chính Việt Nam cũng không làm chủ được bản thân mình.
Lúc thì Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của phe XHCN và phe Tư bản trong thời kỳ chiến tranh lạnh, lúc là nạn nhân của sự mặc cả, bắt tay Hoa Kỳ – Trung Quốc, lúc khác lại là nạn nhân của Trung Quốc…
Chắc chắn, Việt Nam chẳng trông đợi gì ở sự ra tay cứu giúp của Hoa Kỳ khi xảy ra xung đột ở Biển Đông – mà điều này thế nào cũng sẽ xảy ra, chỉ là không biết trong năm nay hay sang năm, ngày mai hay ngày kia. Bởi sự ngông cuồng, tham vọng của Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm.
Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, điều duy nhất Việt Nam có thể mong được ở Hoa Kỳ là sự lên tiếng phản đối Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam về mặt dư luận, hoặc Hoa Kỳ gây một thứ sức ép nho nhỏ nào đó về mặt ngoại giao với Trung Quốc. Còn trông chờ Hoa Kỳ sử dụng biện pháp quân sự thì là điều không tưởng. Việt Nam không cần thế và cũng không muốn thế.
Vậy chuyến đi này của ông Trọng chỉ có duy nhất một ý nghĩa là Hoa Kỳ chấp nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, độc lập, chủ quyền của nước Việt Nam. Tuy nhiên, sự chấp nhận này có thể có hôm nay, nhưng chưa biết chừng ngay ngày mai lại bị xóa bỏ. Đối với Hoa Kỳ, việc ép một quốc gia khác phải thay đổi đường lối chính trị theo kiểu của mình là điều Hoa Kỳ đã làm từ xưa đến nay, đang làm và sẽ làm.