Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTrump nói 'Ấn Độ-Thái Bình Dương' có nghĩa gì?

Trump nói ‘Ấn Độ-Thái Bình Dương’ có nghĩa gì?

Qua việc nhấn mạnh khái niệm địa chính trị ‘Ấn Độ – Thái Bình Dương’, Mỹ muốn kéo Ấn Độ, vào cuộc trong khu vực, một nhà phân tích nói với BBC.

Bình luận về thuật ngữ “Indo-Pacific” được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, nhấn mạnh khi thăm châu Á vừa qua, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Đại học George Mason nói với BBC Tiếng Việt hôm 12/11:

“Cái tên đó là tên mới, mà khái niệm thì không mới… Khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương (Indo-Pacific), Indonesia đã nêu ra mấy năm trước, thì vừa rồi đó không phải là điều mới.

“Nhưng ở đây với Mỹ là mới, bởi vì căn bản Nhật Bản từ lâu đề nghị rằng nên có một liên minh hay liên động các quốc gia dân chủ ở Á Châu với Mỹ, tức là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc. Đó là những nước lớn và dân chủ, thành ra cái này chỉ khơi lại thôi.”

Giải thích vì sao đây được cho là điểm ‘mới’ với nước Mỹ, Giáo sư Hùng nói:

“Đối với nước Mỹ, thay vì chỉ ghi đến Thái Bình Dương, thì đây nói đến Ấn Độ, bởi vì Ấn Độ là nước như Mỹ nói là một quốc gia dân chủ và cũng rộng lớn chẳng kém gì Trung Quốc.

Bản quyền hình ảnh Win McNamee/Getty Images Image caption Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có chuyến thăm Mỹ hồi tháng 6/2017.

“Và nếu so sánh hai nước, thì hai nước đều lớn, đều đông dân, đều phát triển kinh tế và nước Mỹ thoải mái hơn với Ấn Độ, bởi vì Ấn độ là một nước dân chủ, hơn nữa, [với] Ấn Độ dù chính sách ngoại giao còn lờ mờ lắm, nhưng ít nhất cũng hy vọng rằng đó cũng là một đối lực đối với Trung Quốc ở vùng đó.”

Đưa ra giải thích chi tiết hơn về mục đích chính của Hoa Kỳ khi ‘tung ra’ khái niệm địa chính trị nói trên vào thời điểm hiện nay, người cũng là nhà nghiên cứu cao cấp, khách mời tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Mỹ nói:

“Họ muốn mang Ấn Độ vào trong khối của các quốc gia dân chủ, để thứ nhất phát triển kinh tế, thương mại, bởi vì thị trường Ấn Độ cũng là thị trường lớn và thứ hai nữa là để quân bình với Trung Quốc, trong khi Mỹ dần dần mất hết khả năng đi.”

Khả thi đến đâu?

Bản quyền hình ảnh KHAM/AFP/Getty Images Image caption Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trần Đại Quang tại Phủ Chủ tịch hôm 12/11

Bàn về tính khả thi của động thái có tính chiến thuật và có thể là đổi mới chiến lược này, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm với BBC:

“Gần đây, nếu chúng ta nghĩ về Ấn Độ, chính sách tương đối thay đổi. Trước kia, họ chỉ ‘Look East’, tức là chỉ nhìn về phía Đông thôi.

“Bây giờ Ấn Độ cụ thể là ‘Act East’ tức hành động phía Đông. Ấn Độ cũng đã tích cực giúp Việt Nam nâng khả năng phòng thủ của mình, có nghĩa là cũng quan tâm tới sự bành trướng của Trung Quốc, cái đó là quan tâm chiến lược chung của Ấn Độ và Mỹ.

“Ấn Độ từ lâu vẫn theo chính sách trung lập, không dính dáng gì đến ai, muốn đứng giữa…, nhưng gần đây, chúng ta thấy với chính quyền của Thủ tướng Modi đã rời xa chính sách đó.

“Chúng ta phải chờ xem Ấn Độ vẫn giữ được cam kết đó tới mức độ nào. Nhưng từ hồi có ông Modi, chiến tranh ngoại giao có tính cân bằng với Trung Quốc, rõ nét hơn.”

Trước câu hỏi, các động thái mà Tổng thống Mỹ đã cho thấy và bày tỏ trong suốt chuyến thăm châu Á của ông vào hạ tuần tháng 11/2017 có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam, đặc biệt liên quan hồ sơ tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đáp:

“Ông Trump mong muốn một cách tuyệt vọng có một chiến thắng ngoại giao, bởi vì ông chưa có chiến thắng gì cả. Ở trong nội bộ ông chưa chiến thắng gì.

“Mà chiến thắng ngoại giao nếu có với Bắc Hàn thì ông sẽ nổi tiếng lắm, ông hy vọng rất nhiều vào đó và nếu ông muốn chiến thắng Bắc Hàn thì bây giờ phải nhờ Trung Quốc rất nhiều.

“Và nhờ Trung Quốc nhiều thì ông phải trả giá và cái giá đó, như mối nguy, mà nhiều người quan tâm có thể là Biển Đông, nhân nhượng nhiều hơn ở Biển Đông.

“Bằng chứng chúng ta thấy là cuộc tuần tra của ông đã xuống thang rồi, tháng 5, tháng 7/2017, các cuộc tuần tra đều đi vào bên trong 12 hải lý, cuộc tuần tra gần đây là đi bên ngoài 12 hải lý,” Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng bình luận với BBC Việt ngữ từ Virginia, Hoa Kỳ.

Bản quyền hình ảnh Keystone/Getty Images Image caption Ngày 19/01/1945: Tướng Douglas MacArthur (1880 – 1964), lội nước từ thuyền vào đảo Luzon cùng quân đội Mỹ. Hoa Kỳ tham chiến ở Thái Bình Dương để đánh lại quân Nhật và lập ra trật tự hậu chiến lâu dài tới nay

‘Kẻ thù của kẻ thù là bạn’

Cũng trong dịp này, một nhà phân tích và bình luận chính trị khu vực, nhà báo Đỗ Thông Minh từ Osaka, Nhật Bản chia sẻ quan sát của mình về động thái ‘chiến thuật’ mới của Mỹ khi đề cao khái niệm “Ấn Độ – Thái Bình Dương” trong liên hệ với an ninh khu vực, ông nói:

“Ấn Độ còn có một vị thế đặc biệt nữa là Ấn Độ đang có tranh chấp với Trung Quốc ở vùng biên giới, cho nên là ‘kẻ thù của kẻ thù là bạn’.

“Đặc biệt đối với Hoa Kỳ, từ trước Ấn Độ thân Nga…, nhưng bây giờ tình hình thay đổi, đặc biệt từ thời Tổng thống George W. Bush (Bush con), Ấn Độ không tham gia điều ước hạn chế vũ khí nguyên tử.

“Nhưng chính ông Bush con qua Ấn Độ và tự phá rào đó bằng cách hứa hẹn giúp đỡ Ấn Độ về vấn đề kỹ thuật nguyên tử. Từ đó kéo Ấn Độ về gần với mình và trong thời gian gần đây, Ấn Độ bắt đầu mua vũ khí của Hoa Kỳ. Thành ra chúng ta thấy vai trò của Ấn Độ đặc biệt quan trọng như vậy.”

Từ góc độ của Nhật Bản, nhà báo Đỗ Thông Minh bình luận thêm về một sách lược của Nhật Bản có liên quan địa chính trị khu vực và Ấn Độ, ông nói:

“Trước đây, Thủ tướng Shinzo Abe cũng đưa ra một sách lược ‘Viên kim cương’, hình dáng ở đây không phải là đỉnh, hay đáy, nhưng hình dạng là viên kim cương, thì Nhật Bản ở đỉnh viên kim cương.

Bản quyền hình ảnh SAM PANTHAKY/AFP/Getty Images Image caption Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại lễ khởi công dự án đường sắt cao tốc nối Ahmebadad với Mumbai, Ấn Độ hồi tháng 9/2017.

“Bên trái là Ấn Độ, bên phải là Mỹ và phía Nam là Úc. Chúng tôi nghĩ rằng Ấn Độ tuy không phải là một vai trò quyết định, nhưng có vai trò rất quan trọng trong chiến lược chung của vùng Biển Đông nói chung, thành ra đó là lý do tại sao mà bây giờ lại có từ Ấn Độ – Thái Bình Dương.

“Và Nhật Bản cũng là một quốc gia viện trợ và liên kết với Ấn Độ, cũng trong một thế là đối đầu với sự bành trướng của Trung Quốc, Nhật Bản đang đi tìm đồng minh…”

Trong chuyến công du đầu tiên tới năm quốc gia ở châu Á từ sau khi thắng cử năm trước, Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh khái niệm “Ấn Độ – Thái Bình Dương” để thay thế cho thuật ngữ “Châu Á – Thái Bình Dương” mà các chính quyền tiền nhiệm Mỹ vẫn sử dụng.

RELATED ARTICLES

Tin mới