Hàng tỷ USD đổ vào dự án bauxite, cần đánh giá toàn diện để có quyết định mới mang lại hiệu quả kinh tế, không để hệ lụy môi trường mai sau.
Tỉnh táo, cân nhắc
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, 11 bộ, 2 địa phương và 2 tập đoàn, tổng công ty phải báo cáo Chính phủ về hiệu quả của dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ tại Tây Nguyên.
Ông Trần Sơn Lâm, Hội viên Tổng hội Địa chất Việt Nam, nguyên chuyên viên cao cấp, nguyên Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ cho rằng, yêu cầu đánh giá toàn diện lại hai dự án bauxite Tây Nguyên là chính xác và cần tập trung xem xét 3 vấn đề chính: hiệu quả kinh tế, môi trường và an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, với việc Bộ Công thương được giao nhiệm vụ xây dựng đề cương tổng kết, và chủ trì nhận báo cáo, tổng hợp đánh giá, theo ông Trần Sơn Lâm, Chính phủ sẽ nhận được một báo cáo mà dư luận cho rằng sẽ không hoàn toàn khách quan.
Song song với việc giao nhiệm vụ trên cần giao cho một cơ quan phản biện độc lập khác như Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cùng Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), hay một cơ quan phản biện độc lập nào đó xem xét, đánh giá lại dự án bauxite để đảm bảo tính khách quan và khoa học. Trên cơ sở của những đánh giá này, Chính phủ sẽ có quyết định đúng đắn về dự án bauxite Tây Nguyên.
“Đối với dự án bauxite Tây Nguyên cần phải có cái nhìn tỉnh táo, cân nhắc cái được và cái mất, giữa quy mô đầu tư và hiệu quả kinh tế. Việt Nam đã đổ hàng tỷ USD vào dự án bauxite, đó là tiền của dân, bởi vậy phải tìm cách giải quyết thế nào cho hợp lý”, vị chuyên gia lưu ý.
Hồi tưởng lại những ngày đầu của hai dự án bauxite Tây Nguyên, ông Lâm nhắc rằng, việc triển khai dự án bauxite Tây Nguyên là mong muốn cháy bỏng của nhiều lãnh đạo khi đó muốn làm một dự án lớn, hoành tráng đem lại cho vùng Tây Nguyên sự đổi đời, người dân có thu nhập cao, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng, đồng thời để lại một dấu ấn nhiệm kỳ.
“Thế nhưng thực tế, những người tham mưu chưa nhìn dự án này với cái đầu lạnh. Có vị bộ trưởng khi ấy đã nói trước Quốc hội rằng trữ lượng bauxite của Việt Nam là hơn 11 tỷ tấn. Người ta cứ nghĩ rằng, với trữ lượng bauxite lớn như thế, nếu khai thác được và đem bán sẽ tạo đòn bẩy kinh tế vùng Tây Nguyên.
Tuy nhiên, vấn đề này đã được PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam làm rõ trong các báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền trong đó nêu rõ con số 11 tỷ tấn chỉ là con số dự báo tài nguyên, không phải trữ lượng được tính toán, nghiên cứu, đánh giá cẩn thận.
Mặt khác, xét về tiềm lực kinh tế, các doanh nghiệp chủ yếu phải đi vay tiền nước ngoài, trong đó có Trung Quốc và chủ yếu lại nhập công nghệ máy móc, thiết bị của Trung Quốc.
Làm một dự án lớn mà chủ yếu dùng tiền đi vay và công nghệ lại chưa được kiểm nghiệm và đánh giá một cách thận trọng thì rất phức tạp, không cân đo, đong đếm được hậu quả của nó.
Thực tế trong nhiều năm qua, ngành kinh tế khai thác khoáng sản cũng có những đóng góp nhất định nhưng trong việc liên doanh liên kết với nước ngoài đã có những sơ hở, lúng túng trong tổ chức quản lý, ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài. Điều đó khiến việc thác vàng ở mỏ Bồng Miêu (Quảng Nam), khai thác đá quý ở Lục Yên (Yên Bái), ở Quỳ Hợp (Nghệ An),… gặp nhiều lúng túng, dẫn đến thua lỗ.
Rõ ràng, lòng ham muốn và khả năng thực thi không dựa trên một cơ sở khoa học được đánh giá cẩn thận, khách quan”, ông Trần Sơn Lâm nhận xét.
Theo vị nguyên Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ, ở thời điểm hiện tại vẫn tồn tại hai luồng ý kiến liên quan đến hai dự án bauxite:
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng cần dừng hẳn dự án với lý do bảo vệ mội trường, dẫu đau đớn nhưng môi trường ở Tây Nguyên mãi mãi bền vững, luôn là mái nhà của vùng đồng bằng. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế khai thác thấp, khả năng thua lỗ kéo dài do giá thành quặng ngày càng thấp, sản lượng kim loại nhôm đang trở nên bão hòa khiến càng làm càng lỗ, góp phần đẩy nợ công tăng cao.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng cần tiếp tục đầu tư triển khai đề án vì vượt qua những khó khăn ban đầu, dự án đã đi vào sản xuất và đã thu được những kết quả khả quan trong sản xuất kinh doanh, đã xuất khẩu được quặng và đang dần thu hồi được một phần vốn. Việc dừng dự án sẽ kéo theo hàng nghìn công nhân thất nghiệp, việc hoàn nguyên môi trường, tháo dỡ trang thiết bị sản xuất sẽ phải chi một khoản tiền rất lớn. Số tiền đã đầu tư vào dự án coi như mất trắng, đó là chưa kể chi phí hoàn nguyên môi trường và thu dọn nhà xưởng nói trên.
Điều này phải được đánh giá một cách khách quan và khoa học, vì vậy phải có một Hội đồng gồm các nhà khoa học am hiểu về công nghệ, kinh tế, tự nhiên, xã hội, quân sự xem xét đánh giá lại toàn bộ hồ sơ của dự án thì mới có thể cho các kết luận chính xác về cái giá phải trả nếu tiếp tục khai thác”, ông Trần Sơn Lâm nhấn mạnh.
Nhớ bài học Thủy điện Sơn La
Trong câu chuyện của mình, ông Trần Sơn Lâm đã nhắc tới một dự án khác, đó là dự án Thủy điện Sơn La. Theo đó, đầu năm 2000, Hội đồng Chính phủ đã thông qua Đề án xây dựng Thủy điện Sơn La với cao trình của đập lên tới trên 300m.
Biết được thông tin này, nhiều nhà khoa học hàng đầu đã viết chung một kiến nghị gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong đó phân tích rõ những khiếm khuyết trong quá trình khảo sát đánh giá nền móng và hang động ở các vùng núi là nơi dự kiến xây đập.
Sau khi nhận được kiến nghị, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Phan Văn Khải. Thủ tướng đã chỉ thị dừng việc báo cáo trình Quốc hội đề án này và giao Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng giao cho các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan xem xét kỹ ý kiến của các nhà khoa học trong kiến nghị.
Sau khi có ý kiến của các bộ ngành, cơ quan nói trên, Vụ Khoa giáo Văn xã đã tổng hợp báo cáo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng. Với tác phong thận trọng, Thường trực Chính phủ đã họp và quyết định giao cho Cục Địa Chất và Khoáng sản Việt Nam thành lập Hội đồng khoa học do nhà địa chất hàng đầu, anh hùng lao động Nguyễn Xuân Bao làm Chủ tịch Hội đồng.
Sau gần một năm làm việc với tinh thần khách quan, thận trọng, Hội đồng đã nghiên cứu lại toàn bộ các hồ sơ khảo sát thiết kế do Tổng Công ty khảo sát thiết kế điện cung cấp. Tiếp theo, các nhà khoa học của Hội đồng đã tiến hành nhiều đợt khảo sát trên thực địa để đối chiếu so sánh.
Kết luận của Hội đồng đã chỉ ra các yếu tố về địa chất công trình và các hang động nằm ở các vùng núi này dễ gây tình trạng mất nước khi hồ tích nước và từ đó có thể gây ra hiệu ứng động đất kích thích ảnh hưởng đến an toàn của đập thủy điện.
Sau khi nhận được kết quả báo cáo của Hội đồng, Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ thị Văn phòng Chính phủ một lần nữa xin ý kiến của các bộ, ngành và cơ quan liên quan về kết quả trong báo cáo của Hội đồng.
Sau khi nhận được ý kiến của các cơ quan nói trên, do bám sát từng bước làm việc của Hội đồng, Vụ Khoa giáo Văn xã đã tổng hợp ý kiến của các cơ quan trong đó có ý kiến vẫn đề nghị tiếp tục xây ở cao trình cao trên 300m với lý do cho hiệu quả kinh tế cao, có thể xử lý các khiếm khuyết mà Hội đồng khoa học chỉ ra bằng các biện pháp kỹ thuật. Ý kiến khác đề nghị chỉ xây ở độ cao trên 200m để bảo đảm an toàn cho đập và an toàn cho nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và an ninh quốc gia vì nếu xây đập có độ cao trên 300m, vùng diện tích hồ chứa có nơi chỉ cách biên giới Trung Quốc vài ba chục km theo đường chim bay.
Bám sát hoạt động của Hội đồng Khoa học, Vụ Khoa giáo Văn xã đã báo cáo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ để Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng xây đập có độ cao trên 200m.
Hội đồng Chinh phủ đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải. Các thành viên Chính phủ đã thảo luận rất kỹ, cuối cùng nhất trí thông qua Đề án xây dựng nhà máy Thủy điện Sơn La với cao trình đập có độ cao hơn 200m. Đề án đã trình sang Quốc hội và được phê duyệt theo phương án này.
“Thái độ thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học của Chính phủ khi đó đã tránh cho người dân các hệ lụy khủng khiếp có thể xảy ra do tình hình biến đổi khí hậu khôn lường.
Mới đây, khi bão đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc gây sạt lở đất nghiêm trọng, những trận mưa, lũ quét cường độ lớn, nước tràn về các hồ thủy điện với tốc độ khổng lồ. Nếu xây dựng đập ở cao trình trên 300m, tạo ra một hồ chứa nước mênh mang chỉ cách biên giới Trung Quốc vài chục km đường chim bay, không hiểu điều gì sẽ xảy ra?
Nhắc lại câu chuyện cách đây gần 20 năm, tôi thấy vẫn chưa quá muộn khi xem xét, đánh giá và cân nhắc lại việc đầu tư vào dự án bauxite Tây Nguyên”, ông Trần Sơn Lâm nói.