Sau gần 3 tháng tham vấn công chúng, chính phủ Canada ngày 10/11 đã công bố những mối quan ngại từ người dân và giới doanh nghiệp Canada về hiệp định tự do thương mại (FTA) với Trung Quốc.
Báo cáo từ chính phủ cho thấy nhiều người Canada không tin rằng một hiệp ước thương mại tự do với Trung Quốc sẽ giải quyết được những mối quan ngại của họ.
Rất nhiều người dân và doanh nghiệp than phiền với chính phủ rằng họ gặp “những thách thức đáng kể” khi làm ăn với Trung Quốc. Những thách thức này bao gồm: luật pháp Trung Quốc không nhất quán; nghi ngại về việc Trung Quốc có sẵn lòng thực hiện các nghĩa vụ theo Hiệp định thương mại tự do hay không; tình trạng cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước; và cần làm sao để tránh những tác động tiêu cực đến nguồn lực và việc làm của Canada.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông David Kilgour, cựu nghị sĩ quốc hội và Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết: “Vấn đề là ở chỗ chính phủ Trung Quốc không tôn trọng các hiệp định thương mại, họ không tôn trọng thỏa thuận của [Tổ chức Thương mại Thế giới] WTO… Khi một thỏa thuận không còn có lợi cho họ, thì họ chỉ việc bỏ qua nó.”
Ông Kilgour nói thêm: “Tôi nghĩ kinh nghiệm của Úc, New Zealand và các nước khác đã thể hiện rõ điều đó”. Trung Quốc có các thoả thuận thương mại tự do với Úc, New Zealand, Hàn Quốc và Chilê.
Chính phủ Canada cho biết họ thấu hiểu những quan ngại của người dân Canada về mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. “Xét về tính nhức nhối của những vấn đề này, rõ ràng là tình trạng hiện nay đang không mang lại kết quả tốt nhất cho doanh nghiệp và người lao động Canada”, chính phủ kết luận trong một bản tóm tắt về phản hồi của công chúng về hiệp định FTA.
Bên cạnh những lý do về thương mại, độ tín nhiệm của Trung Quốc cũng trở nên bấp bênh hơn đối với người Canada trong những năm gần đây, do lo ngại về những vi phạm nhân quyền ở đại lục. Một trong những tình trạng vi phạm nghiêm trọng nhất là hoạt động bức hại những người tập Pháp Luân Công, hay Pháp Luân Đại Pháp, môn khí công được ca ngợi ở Canada nhưng bị chính quyền Trung Quốc đàn áp từ năm 1999.
Nghị sỹ Canada Judy Sgro nói với các học viên Pháp Luân Công trong lễ kỷ niệm ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới năm 2017 ở thủ đô Ottawa: “Các bạn đã dạy cho người Canada làm thế nào để trở nên khỏe mạnh, làm thế nào để tất cả chúng ta ít phải gặp bác sỹ hơn, và thông qua Pháp Luân Đại Pháp, chúng ta trở thành những người Canada khỏe mạnh hơn nhiều, điều này giúp chúng ta xây dựng một đất nước Canada vĩ đại.”
Cũng trong sự kiện này, đồng nghiệp của bà, nghị sỹ Cheryl Hardcastle, khẳng định: “Các giá trị Chân, Thiện, Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp hoàn toàn phù hợp với các giá trị của Canada. Chúng ta hãy cùng hy vọng những giá trị này cũng sẽ sớm được trân quý tại Trung Quốc.”
Gần đây, công chúng Canada đặt biệt bất bình khi chính quyền Trung Quốc bắt giữ một nữ doanh nhân người Canada gốc Hoa tại Bắc Kinh chỉ vì bà là một học viên Pháp Luân Công.
Các nghị sỹ Canada đã kêu gọi Thủ tướng Justin Trudeau lên tiếng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về trường hợp của bà Qian Sun, khi hai nhà lãnh đạo có cơ hội gặp gỡ tại Hội nghị APEC ở Đà Nẵng vào đầu tháng.
Phản hồi từ người dân Canada qua cuộc thăm dò ý kiến về FTA cho thấy những vấn đề của Trung Quốc sẽ khó giải quyết được thông qua các cuộc đàm phán thương mại tự do. Cuối năm nay, Canada dự kiến sẽ đưa ra quyết định về việc có theo đuổi thỏa thuận này hay không.