Trung Quốc có thể sẽ được dọn đường để đầu tư và gây ảnh hưởng ở Zimbabwe khi lãnh đạo “cá sấu” Mnangagwa lên nắm quyền tại quốc gia này.
Trung Quốc đã mở rộng đáng kể ảnh hưởng ở Zimbabwe trong suốt gần 4 thập kỷ tổng thống Robert Mugabe nắm quyền, trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Zimbabwe. Khi ông Mugabe từ chức, những lợi ích mà Bắc Kinh có được thậm chí còn gia tăng hơn nữa, theo Bloomberg.
Gương mặt mới
Cựu phó tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa, người sẽ thay thế ông Mugabe hoàn thành hết nhiệm kỳ tổng thống cho đến khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9/2018, có xu hướng cởi mở hơn trước các khoản đầu tư từ Trung Quốc và các quốc gia khác nếu so sánh với ông Mugabe, theo các nhà nghiên cứu cố vấn cho chính quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về chính sách châu Phi.
Mnangagwa từng được huấn luyện quân sự ở Trung Quốc trong quãng thời gian Zimbabwe đấu tranh giành độc lập từ Anh. Năm 2015, ông từng đề xuất lấy nhân dân tệ, cùng một số đồng ngoại tệ khác, làm đồng tiền tiêu thụ chính ở Zimbabwe nhằm hạn chế tình trạng lạm phát.
“Mnangagwa có cách tiếp cận cởi mở và ôn hòa hơn trên khía cạnh chính sách kinh tế và ông ấy cũng là một người bạn với Trung Quốc”, Shen Xiaolei, chuyên gia về châu Phi tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận xét.
Bất chấp mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước, luật bản địa hóa mà ông Mugabe đưa ra lâu nay đã trở thành nguồn cơn gây căng thẳng giữa Bắc Kinh và Harare. Luật trên yêu cầu các công ty nước ngoài tại Zimbabwe phải có đa số cổ phần do người Zimbabwe da đen nắm giữ. Điều này không khỏi khiến các nhà đầu tư Trung Quốc phật ý.
“Chính sách đó quá cực đoan, khiến các công ty Trung Quốc tại Zimbabwe phải lao đao”, Wang Hongyi, nhà nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc – Châu Phi tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc bình luận. “Mnangagwa được cho là sẽ đóng vai trò như bàn tay hỗ trợ. Ông ấy sẽ hạn chế hoặc thậm chí bãi bỏ luật bản địa hóa”.
Tổng thống tương lai của Zimbabwe Emmerson Mnangagwa. Ảnh: CNN. |
Xóa bỏ rào cản
Bàn về những tác động mà Bắc Kinh có thể gặp phải sau khi tổng thống Mugabe từ chức và người mới lên nắm quyền, Ding Yifan, chuyên gia cấp cao về chiến lược đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển, trụ sở ở Bắc Kinh, cho rằng “Trung Quốc hiện đang ở thế không thể thua”.
Theo ông, Bắc Kinh có “mối quan hệ tốt” với tất cả các bên trong cuộc hỗn loạn ở Zimbabwe. “Tất cả đều cần những khoản đầu tư từ Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.
Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Zimbabwe sau khi quốc gia này giành độc lập từ Anh vào năm 1980. Trung Quốc vẫn tiếp tục cung cấp viện trợ tài chính cho Zimbabwe suốt những năm qua trong nỗ lực nhằm gây dựng ảnh hưởng, thu phục ủng hộ tại đây.
Hồi tháng 12/2015, tới dự Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi, Chủ tịch Tập đã tuyên bố đầu tư trực tiếp vào Zimbabwe 4 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018.
Dù các khoản đầu tư từ Trung Quốc vẫn liên tục rót vào Zimbabwe, giới chức ở Bắc Kinh lại đang phải đối diện với những thách thức ngày càng tăng liên quan đến việc bảo vệ lợi ích kinh doanh của Trung Quốc tại Zimbabwe, theo ông Derek Matyszak, chuyên gia thuộc Viện Nghiện cứu An ninh, trụ sở ở Harare.
“Một trong những lĩnh vực đầu tư quan trọng của Trung Quốc ở Zimbabwe là khai thác kim cương”, Sputnik dẫn lời ông Matyszak nói. “Nhưng năm ngoái, chính phủ Zimbabwe thông báo họ sẽ không gia hạn giấy phép khai thác mỏ cho các công ty lớn của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu tất cả các công ty khai mỏ phải sáp nhập làm một để xây dựng liên doanh với chính phủ. Điều này dẫn tới tổn thất về tài chính cho những công ty Trung Quốc và khiến người Trung Quốc thực sự tức giận”.
Matyszak nhận định việc tổng thống Mugabe từ chức và ông Mnangagwa lên thay thế sẽ mang đến cho Trung Quốc cơ hội tuyệt vời để giải quyết vấn đề trên. “Mnangagwa có mối quan hệ rất tốt với Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV hồi năm 2015, Mnangagwa khẳng định đầu tư chỉ có thể đổ vào những nơi giúp mang về lợi nhuận, đồng thời quả quyết rằng Zimbabwe và Trung Quốc “phải xây dựng một môi trường nơi các nhà đầu tư cảm thấy vui khi bỏ tiền của mình vào vì họ sẽ nhận được lợi nhuận”.
Ông Matyszak tin rằng giới lãnh đạo Trung Quốc thực tế không có gì phải băn khoăn trước cuộc khủng hoảng chính trị tại Zimbabwe. “Chắc chắn Mnangagwa là gương mặt mà Trung Quốc ủng hộ” ở Zimbabwe.
Trước những ngờ vực cho rằng Trung Quốc có liên quan tới cuộc khủng hoảng hiện nay ở Zimbabwe, một số nhà phân tích chính trị cho rằng Bắc Kinh sẽ không liều lĩnh nhúng tay vào tình hình để gây tổn hại đến danh tiếng của mình tại châu Phi.
“Tôi nghĩ việc ông Mugabe từ chức không liên quan gì tới Trung Quốc”, Yen Chenshen, nhà nghiên cứu tại Đài Loan, cho biết. “Bởi nếu có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc hậu thuẫn cuộc binh biến, nó sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới vị thế chính trị của Trung Quốc ở ‘Thế giới thứ ba’, đặc biệt tại châu Phi”.
Theo Yen, Bắc Kinh chỉ cần vận dụng sức mạnh kinh tế là có thể đánh bật mọi chính trị gia châu Phi có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc bởi “họ rất cần hỗ trợ cũng như các khoản đầu tư từ Trung Quốc vào những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng”.