Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSự thận trọng của Ấn Độ sẽ phá sản liên minh "tứ...

Sự thận trọng của Ấn Độ sẽ phá sản liên minh “tứ cực”?

Thái độ của Ấn Độ đối với vấn đề chia sẻ thông tin sẽ có ý nghĩa quyết định cho việc đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ về an ninh trong liên minh “tứ cực”.

Trong chuyến thăm 5 nước châu Á và tham dự các hội nghị thượng đỉnh APEC, ASEAN vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhiều lần đề cập đến ý tưởng của nước này về một khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở cửa” và kêu gọi các đồng minh cũng như các đối tác trong khu vực tích cực hưởng ứng tham gia.

Ý tưởng về một khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở cửa” bao hàm trên nhiều lĩnh vực, từ các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh khu vực, tự do hàng hải, đến hợp tác quốc phòng….

Trong đó, trục liên minh “tứ cực” giữa Hoa Kỳ – Nhật Bản – Ấn Độ – Australia được cho là “xương sống” cho việc thực hiện ý tưởng này.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Malina (Philippines) vừa qua, các quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao của liên minh “tứ cực” đã có cuộc hội đàm để bàn về tầm nhìn và hệ giá trị của mỗi nước nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng chung trong một khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở cửa”.

Hiện tại, trong các lĩnh vực hợp tác để thực hiện ý tưởng này về cơ bản đều được các nước trong “tứ cực” đồng thuận và hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ, tuy nhiên, vấn đề hợp tác quân sự lại đang có một rào cản đến từ Ấn Độ.

Ý tưởng về một “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở cửa” được giới chuyên gia nhận định, về bản chất là nhằm cân bằng sức mạnh cả về kinh tế và quân sự đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực này.

Trong đó, hợp tác quân sự trong liên minh giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia được coi là khâu then chốt nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Thế nhưng hiện nay, Ấn Độ lại đang cho thấy một sự bất cập trong hệ thống, cũng như sự thận trọng trong hợp tác với các nước thuộc “tứ cực” ở lĩnh vực này.

Theo đó, sự bất cập được thấy rõ là bởi hầu hết các tàu chiến và máy bay chiến đấu của Ấn Độ hiện nay đều được mua từ Nga.

Trong khi, Hoa Kỳ lại muốn nhiều hơn việc Ấn Độ mua các thiết bị quân sự và phương tiện chiến đấu của nước này.

Mặt khác, chính phủ và quân đội Ấn Độ lại không muốn chia sẻ các dữ liệu về kỹ – chiến thuật cũng như các hệ thống liên kết dữ liệu tình báo nhạy cảm cho Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia.

Trong khi đó, hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia có thể dễ dàng hoạt động cùng nhau, dựa trên hệ thống tàu chiến và máy bay chiến đấu do Hoa Kỳ thiết kế, chế tạo, và sẵn sàng chia sẻ thông tin quân sự cho nhau, thì Ấn Độ lại đang tỏ ra thiếu thích nghi với hệ thống này.

Máy bay chiến đấu Hornet và E-2D Hawkeye trên tàu sân bay John C. Stennis của Mỹ trong cuộc tập trận Malabar-2016 (Ảnh: Reuters)

Theo thống kê của giới chuyên gia, hiện nay Hoa Kỳ và Ấn Độ đã tiến hành các cuộc tập trận chung thường niên cả trên bộ và trên biển nhiều hơn với bất kỳ quốc gia nào khác kể từ năm 1992 đến nay.

Riêng tập trận hải quân, bắt đầu từ năm 2014 đến nay đã có thêm Nhật Bản tham gia, góp phần mở rộng quy mô của các cuộc tập trận.

Tuy nhiên, các nguồn tin của hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng như của các chuyên gia đều cho rằng, các cuộc tập trận hải quân giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản hiện nay chỉ như là một sự “làm quen văn hoá”, chứ chưa phải là nhằm nâng cao khả năng tác chiến cho hải quân ba nước.

Lý do là bởi Ấn Độ hiện vẫn nhất quyết không chịu ký vào một thoả thuận hợp tác với Hoa Kỳ và Nhật Bản về chia sẻ các dữ liệu kỹ – chiến thuật và thông tin tình báo.

Do đó, các cuộc tập trận hải quân giữa ba nước và trong tương lai là đầy đủ liên minh “tứ cực” sẽ vẫn chỉ được thực hiện thông qua các lệnh thoại và các văn bản điện tử với sự trao đổi dữ liệu thô sơ theo kiểu tin nhắn SMS. [1]

Cuộc tập trận hải quân gần đây nhất giữa ba nước là vào hồi tháng 7, với tên gọi Malabar-2017, đã quy tụ một lực lượng quân sự hùng hậu chưa từng có, với sự tham gia của tàu sân bay USS Nimitz của Hoa Kỳ, tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ và tàu sân bay trực thăng JS Izumo của Nhật Bản, cùng 18 tàu chiến mặt nước, 2 tàu ngầm và 95 máy bay các loại. [2]

Thế nhưng, các hoạt động chỉ huy, hiệp đồng tác chiến trong quá trình tập trận chỉ được thực hiện chủ yếu thông qua các lệnh thoại mà không có liên kết vệ tinh để cho hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản truy cập thông tin và chia sẻ các hình ảnh, dữ liệu trên màn hình trong các trung tâm chỉ huy tác chiến trên tàu.

Do đó, đã dẫn đến những khó khăn trong chỉ huy, hiệp đồng tác chiến và ảnh hưởng đến hiệu quả thực chất của cuộc tập trận, bởi thông tin liên lạc và chia sẻ dữ liệu luôn là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong bất kỳ cuộc tập trận cũng như tác chiến nào trên thực tế.

Trong thời gian tới, đặc biệt khi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã hình thành liên minh “tứ cực” để hướng tới sự hợp tác mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ an ninh trong khuôn khổ của một khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở cửa”, thì quy mô của các cuộc tập trận “Malabar” hàng năm của liên minh “tứ cực” này chắc chắn sẽ được mở rộng hơn rất nhiều.

Khi đó, yêu cầu về việc chia sẻ các dữ liệu thông tin kỹ – chiến thuật và tình báo cũng như chỉ huy, hiệp đồng tác chiến sẽ càng trở thành vấn đề đòi hỏi bức thiết hơn bao giờ hết.

Lúc đó, thái độ của Ấn Độ đối với vấn đề chia sẻ thông tin sẽ có ý nghĩa quyết định cho việc đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ về an ninh trong liên minh “tứ cực”.

Hoa Kỳ là nước hiểu rõ nhất vai trò quan trọng của Ấn Độ trong hợp tác an ninh để thực thi ý tưởng về một khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở cửa”.

Bởi vậy, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã từng mô tả về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là một “vùng chiến lược đơn lẻ” mà trong đó, Ấn Độ và Hoa Kỳ như là những cuốn “sổ ghi chép” của khu vực.

“Nói một cách cụ thể, ý tưởng về một khu vực ‘Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở cửa’ sẽ dẫn tới sự phối hợp tuyệt vời giữa quân đội Ấn Độ, Nhật, Australia và Hoa Kỳ, bao gồm nhận thức về chiến lược biển, tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến đổ bộ, trợ giúp nhân đạo, cứu trợ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Các cuộc tập trận nhằm tạo ra nền tảng cho các đợt tuần tra chung mà Hoa Kỳ mong muốn tiến hành với Ấn Độ và các đồng minh trên khắp Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương có ý nghĩa cực kỳ quan trọng”, ông Tillerson nói.

Cùng quan điểm nhấn mạnh về vai trò quan trọng của Ấn Độ trong liên minh quân sự cũng như hợp tác quốc phòng, ông Christopher Logan – một sĩ quan thủy quân lục chiến và là phát ngôn viên của Lầu Năm Góc nói rằng:

Khả năng tương tác tốt hơn giữa các bên là một mục tiêu đặt ra cho các cuộc tập trận chung trong liên minh quân sự.

3 sĩ quan chỉ huy hải quân Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ tại cuộc tập trận chung Malabar-2016, ảnh: dvidshub.net.

Trong đó, vai trò ngày càng tăng của Ấn Độ sẽ là “đòn bẩy” để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quân sự quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ.

“Việc xác định Ấn Độ là một đối tác quân sự quốc phòng quan trọng sẽ có ý nghĩa thúc đẩy mục đích thương mại và chia sẻ công nghệ quân sự quốc phòng với Ấn Độ, nhằm đạt đến mức độ hợp tác tương xứng với các đồng minh và đối tác lâu năm của Hoa Kỳ”, ông Logan nói.

Hiện nay, Hoa Kỳ và Ấn Độ đang xúc tiến đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác quân sự quốc phòng, tuy nhiên, quan điểm đưa ra giữa hai bên vẫn còn nhiều sự khác biệt.

Hồi năm ngoái, Ấn Độ mới đồng ký kết một thỏa thuận về hợp tác hậu cần quân sự với Hoa Kỳ sau một thập kỷ đàm phán, nhưng vẫn còn hai thỏa thuận khác vẫn đang bị mắc kẹt khi giữa hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Trong hai thỏa thuận đang còn bị mắc kẹt này, có một thỏa thuận về Bảo mật và Chia sẻ thông tin quốc phòng (CISMOA).

Phía Hoa Kỳ cho biết, thỏa thuận CISMOA nếu được hai bên đồng ý ký kết và thực hiện, sẽ cho phép Hoa Kỳ cung cấp cho Ấn Độ các thiết bị trong hệ thống thông tin mã hoá quân sự;

Đồng thời nó sẽ tạo ra một khuôn khổ mà hai bên có thể chia sẻ các dữ liệu thông tin nhạy cảm để hỗ trợ nhắm mục tiêu và điều hướng trong chỉ huy, hiệp đồng tác chiến.

Tuy nhiên, Ấn Độ lại quan ngại rằng, việc đồng ý với CISMOA sẽ vô hình trung mở đường truyền quân sự của họ tới Hoa Kỳ, và thậm chí Hoa Kỳ có thể nắm bắt được những hoạt động quân sự của Ấn Độ;

Trong đó sẽ có những mặt mà lợi ích của Ấn Độ và Hoa Kỳ có thể không trùng hợp – chẳng hạn như kế hoạch phòng thủ và tấn công của Ấn Độ chống lại đối thủ Pakistan.

Các quan chức quân sự cao cấp của Ấn Độ còn cho biết, mối quan tâm của Ấn Độ là muốn đảm bảo sự tự chủ, tránh bị ràng buộc vào các quy tắc và quy trình hoạt động quân sự của Hoa Kỳ.

Điều này đã trở thành rào cản dẫn đến những hạn chế trong hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ so với các đồng minh khác của Hoa kỳ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương như Nhật Bản và Australia.

Để khắc phục vấn đề này, mới đây Hoa Kỳ đã đề xuất một hệ thống truyền thông “xách tay” được gọi là CENTRIXS có thể truyền dữ liệu hoàn chỉnh về các tình huống chiến đấu cho các tàu chiến của Ấn Độ trong các cuộc tập trận giữa hải quân Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và trong tương lai có thêm cả Australia nữa.

Tuy nhiên, phía Ấn Độ đã từ chối cho phép các thiết bị thông tin “xách tay” CENTRIXS này được vận hành trong suốt thời gian diễn ra các cuộc tập trận chung;

Đồng thời, ngay cả các máy bay chiến đấu Sukhoi-35 mà Ấn Độ mua của Nga sử dụng trong các cuộc tập trận Malabar thường niên cũng được lệnh tắt các radar và thiết bị gây nhiễu, như là một cách để tránh sự thâm nhập của các “siêu virut” từ bên ngoài vào hệ thống máy tính của họ để lấy cắp dữ liệu.

Ông David Shear, người từng giữ chức vụ Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách vấn đề châu Á dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã phải thừa nhận rằng:

“Các lực lượng trong quân đội Hoa Kỳ, đặc biệt là hải quân đã nhận thức rõ ràng rằng, sẽ rất khó để tạo ra các ràng buộc về tương tác thông tin quân sự giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ. 

Đây chính là một trở ngại trong hợp tác quân sự với Ấn Độ, và để khai thông vấn đề này có lẽ sẽ còn phải mất một thời gian khá dài nữa”. [1]

Với quan điểm thận trọng của Ấn Độ trong lĩnh vực hợp tác quân sự, đặc biệt là việc chia sẻ thông tin sẽ là một trở ngại thật sự đối với Hoa Kỳ trong thực hiện ý tưởng về một trục liên minh quân sự “tứ cực” để tạo ra “xương sống” cho việc đưa tầm nhìn về một khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở cửa” vào hiện thực.

RELATED ARTICLES

Tin mới