Ông Imad Moustapha, Đại sứ Syria tại Trung Quốc, cho biết nước này đang cố thu hút đầu tư từ Trung Quốc bằng hình thức đổi dầu mỏ lấy những khoản vay và xem xét cho phép giao dịch bằng Nhân dân tệ.
Ngoại trưởng Vương Nghị (phải) gặp bà Bouthaina Shaaban, cố vấn cao cấp của ông Assad, tại Bắc Kinh hôm 24.11 – Ảnh: SCMP
Theo Đại sứ Moustapha: “Chúng tôi mong những nước như Nga, Trung Quốc và Iran sẽ đến và tham gia vào công việc tái thiết. Tuy nhiên chúng tôi sẽ không chào đón những nước tham gia vào cuộc chiến Syria rồi quay lại và nói muốn tham gia (ám chỉ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ)”.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã bị các cường quốc phương Tây phản đối nhiều lần kể từ khi cuộc chiến Syria nổ ra 6 năm trước. Các nước này còn từng cáo buộc Syria dùng vũ khí hóa học với dân thường.
Trước tình hình đó, Syria quay sang tìm kiếm sự ủng hộ từ các đồng minh, trong đó có Nga. Hôm 22.11, ông Assad vừa ngỏ lời cám ơn Tổng thống Nga Vladimir Putin vì “cứu đất nước” ông.
Trung Quốc tuy không đưa quân tới Syria, nhưng nước này cùng với Moscow đã nhiều lần phủ quyết những nghị quyết bất lợi cho Syria ở Liên hiệp quốc. Ngày 24.11, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thậm chí còn ngỏ lời với bà Bouthaina Shaaban, cố vấn cao cấp của ông Assad, rằng Bắc Kinh sẽ hỗ trợ kế hoạch tái thiết đất nước của quốc gia Trung Đông này.
Đại sứ Moustapha cho biết doanh nghiệp Trung Quốc đã thể hiện “mối quan tâm lớn” trong tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Syria và hiện tại ông Moustapha “hằng ngày” đều nhận các đoàn và doanh nghiệp Trung Quốc lớn sang Syria khảo sát.
Theo Đại sứ: “Hầu hết họ đang trong giai đoạn mở văn phòng đại diện ở Damascus lẫn nhiều thành phố khác. Nhiều đoàn khảo sát thị trường đã sang gặp cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước Syria rồi trở về báo cáo cho cấp trên của mình. Một số đã ký được hợp đồng làm ăn, một số khác đang trong quá trình thương thảo hợp đồng”.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Syria sẽ phải cần khoảng 200 tỉ USD để tái thiết đất nước. Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ sẵn sàng bỏ ra khoản tiền khổng lồ này khi chính quyền Assad vẫn đang bị Mỹ và châu Âu cấm vận.
Để có tiền tái thiết, Đại sứ Moustapha cho hay Syria sẵn sàng đón nhận mọi lời đề nghị, kể cả các thỏa thuận đổi dầu mỏ lấy những khoản vay từ doanh nghiệp Trung Quốc và cho phép giao dịch và đầu tư bằng đồng Nhân dân tệ.
Ông Moustapha cho biết: “Chúng tôi rất cởi mở với những thỏa thuận này (đổi dầu lấy khoản vay) của doanh nghiệp Trung Quốc. Họ đang bàn bạc xem liệu có thể cùng hợp tác liên doanh hay không, kiểu như một số công ty cùng làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau”.
Theo Đại sứ Syria: “Nếu người Trung Quốc có ý định giúp đỡ người tị nạn Syria, hãy giúp họ sửa sang lại nhà cửa thay vì chi tiền đưa họ sang Trung Quốc. Hãy chi một khoản tiền tương tự để người tị nạn trở về và sống hạnh phúc trên đất nước của mình. Tôi nghĩ điều này hợp lý và nhân đạo hơn”.
Cuộc chiến kéo dài 6 năm ở Syria đã lấy đi sinh mạng của 465.000 người và khiến hơn 12 triệu người khác phải lâm vào cảnh chạy nạn, SCMP cho hay.
Ông Raffaello Pantucci, giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế của Viện nghiên cứu Royal United (Anh) không cho rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc ở Syria, và đầu tư của Trung Quốc tại đây sẽ gặp nhiều thách thức.
Theo ông Pantucci, trước khi nổ ra xung đột Trung Quốc đã có những hợp đồng làm ăn nhỏ trong lĩnh vực viễn thông và năng lượng ở Syria, và trong hiện tại thì mối quan tâm với Syria của doanh nghiệp Bắc Kinh cũng có hạn, vì đầu tư ở Syria là động thái lãng phí tiền bạc tiềm năng và có nguy cơ cao về an ninh.
Còn theo ông Kamal Alam, một thành viên khác của Viện nghiên cứu Royal United, mối quan tâm của Trung Quốc dành cho Syria có chịu sự chi phối của yếu tố an ninh.
Ông Alam cho biết: “Nếu Trung Quốc có thể ổn định Syria, các khoản đầu tư của Bắc Kinh trong khu vực ở các nước khác, như Iraq, cũng sẽ được hưởng lợi”.