Sau lần phóng thử tên lửa mới nhất vào rạng sáng 29/11, Mỹ hối thúc cộng đồng quốc tế cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.
Cờ Triều Tiên treo trên đại sứ quán nước này trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ, Bình Nhưỡng có mối quan hệ ngoại giao chính thức với 164 quốc gia và đặt đại sứ quán Triều Tiên tại 47 nước. Trong khi đó, 24 nước cũng có đại sứ quán ở Bình Nhưỡng. Phần lớn các quốc gia không có đại sứ quán ở Triều Tiên sẽ giải quyết các vấn đề ngoại giao với nước này thông qua đại sứ quán ở Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.
Dưới đây là một số quốc gia lớn vẫn đang duy trì quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng.
Trung Quốc từ trước đến nay vẫn được coi là đồng minh thân thiết nhất của Triều Tiên. Hai quốc gia này lần đầu thiết lập quan hệ ngoại giao trong thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh. Trung Quốc ủng hộ quốc phòng Triều Tiên qua một bản hiệp ước đồng minh ký năm 1961 cũng như là đối tác chính trong việc trao đổi hàng hóa với quốc gia cô lập này. Thương mại từ Trung Quốc chiến hơn 90% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên. Đặc biệt Bình Nhưỡng phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhập khẩu thực phẩm và khí đốt từ Bắc Kinh. Hiện quốc gia này đang phải chịu sức ép từ cộng đồng quốc tế về việc áp đặt các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên liên quan đến chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này.
Trong số các nước lên tiếng chỉ trích Mỹ làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và kêu gọi các phương án đối ngoại, phản đối việc kìm hãm kinh tế Triều Tiên, nổi bật có Nga. Mối quan hệ Nga-Triều xuất phát điểm có từ thời kỳ Liên bang Xô viết. Không chỉ có đại sứ quán tại thủ đô Bình Nhưỡng, Moskva còn có một lãnh sự quán đặt ở thành phố đông bắc Chongjin.
Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên trong năm 1973. Vào khoảng thời gian này, Bình Nhưỡng tìm cách tạo dựng quan hệ với các quốc gia như Ấn Độ đã từ chối về phe các nước Phương Tây đang chiếm ưu thế trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. New Delhi cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Bình Nhưỡng song khẳng định vẫn phải duy trì quan hệ ngoại giao. Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj trong tháng 10 từng tuyên bố việc duy trì đại sứ quán Ấn Độ tại Triều Tiên là rất quan trọng, giữ cho một số kênh liên lạc mở.
Không tạo dựng nhiều quan hệ thương mại, song đối với Triều Tiên, Pakistan cũng là một “người bạn” khi góp phần phát triển chương trình hạt nhân của quốc gia này. Bình Nhưỡng và Islamabad thành lập mối quan hệ ngoại giao từ năm 1972. Nhà khoa học dẫn đầu chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan, ông Abdul Qadeer Khan, đã từng chia sẻ công nghệ hạt nhân với Triều Tiên trong năm 2004. Trò chuyện với báo Đức DW, nhà vật lí hạt nhân Pakistan Pervez Hoodbhoy xác nhận chính Islamabad gián tiếp góp phần phát triển chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng sau năm 1989.
Mặc dù không quá “thân” với Triều Tiên như Trung Quốc và Nga, Đức và Anh bày tỏ quan điểm các bên nên kiếm tìm một giải pháp quân sự để giải quyết căng thẳng.
Trong khi đó, Mỹ và các nước đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản gần như đứng ở bên kia chiến tuyến đối đầu với Triều Tiên.
Mỹ và Triều Tiên hiếm khi tương tác với nhau kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc (1953). Xung đột chấm dứt mà không có bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào được ký kết. Ngược lại Mỹ và Hàn Quốc lại ký hiệp ước quốc phòng chung. Washington tìm cách cô lập Bình Nhưỡng nhằm kìm hãm chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này từ đầu những năm 2000. Chiến thắng của Tổng thống Donald Trump trong 2016 lại càng khiến cho tình hình trở nên căng thẳng, khi ông thể hiện rõ quan điểm thành kiến với Triều Tiên qua những lời đe dọa quyết liệt.
Về phần mình, Tokyo luôn về phe Seoul và Washington trong mối quan hệ với Bình Nhưỡng. Nhật Bản công nhận Hàn Quốc là chính quyền hợp pháp duy nhất trên Bán đảo Triều Tiên vào năm 1965 và quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ. Nhật Bản cũng nhiều lần lên tiếng phản đối mạnh mẽ chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, đặc biệt là khi ba vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên đều bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản.