Với những khu vực vỉa hè không nên lát đá vì chịu các sức nặng khác nhau, hơn nữa yêu cầu kỹ thuật lát cực kỳ cao.
Vỉa hè lát đá 180 tỷ đồng phải lật lên làm lại
Lật lên rồi lại lấp xuống
Hàng loạt viên đá lát trên vỉa hè phố Mỗ Lao, Trần Phú (Hà Đông) bị gãy, vỡ đã được lật lên để chuẩn bị làm lại. Theo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận Hà Đông, toàn tuyến lát đá vỉa hè dọc đường Trần Phú – Quang Trung dài hơn 5km có giá 180 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2015.
Để phục vụ chung bộ mặt cải tạo tuyến đường, quận cũng tiến hành lát đá vuốt nối vào một số tuyến đường xương cá dọc trục đường này như Nguyễn Khuyến, Mỗ Lao, Phùng Hưng, Chu Văn An, Lê Trọng Tấn…
Trước thông tin trên, ngày 1/12, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Đình Thám – Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: “Ở đây điểm quan trọng nhất là đá có độ cứng phù hợp hay không, vấn đề chất lượng vật liệu vô cùng quan trọng.
Sau đó đến, cách lát không đúng kỹ thuật, phù hợp, vì nền không êm, đá không đúng độ cứng sẽ dẫn đến hiện tượng như vậy, nguyên nhân chỉ có 2 điểm này.
Tôi chắc chắn, do cả vật liệu và nền lát, vật liệu không cứng đá không đủ cường độ, khi lát nền không phẳng êm, thì tất yếu sẽ gẫy Qua những hình ảnh được phản ánh thì đá lát với nền đường không hề có sự kết dính với nhau, như vậy thì không có độ chịu lực.
Với những khu vực này thì dùng lát dạng gạch bê tông chèn là hợp lý nhất, tôi cũng không hiểu vì sao lại sử dụng đá này, chỉ tốn tiền của dân không giải quyết vấn đề gì”.
Bên cạnh đó, theo ông Thám, gạch bê tông lát có tính chất không bao giờ nứt, khi mưa thấm nước, lượng nước mà ngấm thì tăng lượng nước ngầm, đỡ ngập lụt, nếu hỏng rất dễ sửa, chứ cho gạch đá vào không hiểu để làm gì, nhìn chung không nên lát lên vỉa hè vừa trơn lại dễ gẫy.
Bởi vì viên gạch đá to, không dày lắm, đi tác dụng không đều, nên đá đó trước sau cũng gãy.
Nếu lật lên làm lại mà vẫn với đá đó, vẫn vật liệu đó thì lại như cũ, một thời gian lại gẫy, lại đứt, một hai lần bỏ qua, đi vào quên lãng, Hà Nội có chuyện hài cái gì cũng thích đào lên rồi lấp xuống.
Trong khi đó bao nhiêu đường cần phải sửa chữa, cái cấp bách nơi không có đường thì không lo, nơi đã có đường thì lo vứt tiền đi.
Trách nhiệm lớn của chủ đầu tư
Ở góc độ khác, theo ông Thám, nếu muốn sửa dứt điểm thì phải lát gạch như trong nhà, dưới nền là nền chắc, sau đó có lớp vữa cứng, lát xong cứng lại như nền nhà thì mới chịu được.
Còn nếu chỉ lát, chát không ở vỉa hè thì trước sau cũng nứt vì đi lại dịch chuyển nhiều, bản thân tự nó sẽ bị bẻ gẫy. Độ nặng tác động hàng ngày lên đá khác nhau, người đi, xe cộ trèo lên, sinh ra nhiều thứ, nên hiếm có nơi nào lát đá viên to lên vỉa hè.
Đoạn vỉa hè lát đá trên phố Mỗ Lao (Hà Đông) được lật lên để chuẩn bị làm lại
Thường ở vỉa hè họ sẽ dùng đá có độ dày lớn mới chịu được, còn đây lát chỉ 3-4 phân, kích thước này là nền cát không chịu được.
“Trách nhiệm lớn nhất là do chủ đầu tư, chọn vật liệu không kiểm nghiệm qua thực tế, phần lớn gạch đá chỉ được lát trong công viên, các nơi có người đi bộ nhẹ nhàng không có phương tiện nặng đi qua, nền dưới là nền cứng chắc, chứ còn nền thường không chịu được.
5km mà 180 tỷ đồng là con số khá lớn, tính ra 36 tỷ đồng cho 1km, mà chỉ có 2 vỉa hè, tính ra m2 vô cùng đắt, một con số đầu tư nhiều chứ không hề nhỏ, mà chất lượng kém như vậy rất đáng quan ngại, hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi chuyện ăn bớt nguyên vật liệu đằng sau.
Nhưng theo tôi cái quan trọng nhất là đưa thiết kế vào có phù hợp với nền đường, vật liệu, thi công có phù hợp, về giá thành tôi không quan tâm, nếu thiết kế đúng, vật liệu đúng, thi công đúng thì không vấn đề gì, còn thiết kế sai thì làm gì cũng hỏng”, ông Thám khẳng định.
Ngày 30/11, khi được đề nghị cung cấp hồ sơ về chủ trương đầu tư lát đá vỉa hè, đơn giá đá lát vỉa hè, văn bản phê duyệt kết quả đấu thầu, nguồn gốc đá của dự án… lãnh đạo Ban quản lý dự án quận Hà Đông xin lùi thời hạn sang sáng 1/12, do cần thời gian xin ý kiến của lãnh đạo quận và chuẩn bị tư liệu.