Từ vấn đề biển Đông đến triển khai THAAD, một loạt những thay đổi cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc cách tiếp cận ngoại giao mềm mỏng và ôn hòa hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Sau Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 cuối tháng 10, ông Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất từ thời Mao Trạch Đông. Giới phân tích đều cho rằng, chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ trở nên mạnh mẽ và quyết liệt hơn thông qua việc tăng cường quân sự tại nhiều khu vực nóng và phát triển kinh tế như sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trong báo cáo tại Đại hội đảng, ông Tập đã khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục có trách nhiệm hơn với các vấn đề quốc tế trong kỷ nguyên mới và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh đó, sau khi củng cố quyền lực trong Đại hội đảng, ngược với nhiều suy đoán, Tập Cập Bình dường như đã chấp thuận cách tiếp cận mềm mỏng hơn trong chính sách đối ngoại, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) nhận định.
Cụ thể, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến sẽ thăm Trung Quốc vào giữa tháng 12 sau hơn một năm hai nước mâu thuẫn về việc Seoul đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD.
Và ngay mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang ấm dần lên khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lần lượt tại các hội nghị cấp cao ở Việt Nam và Philippines.
Theo SCMP, tất cả những động thái trên khá bất ngờ, đây có thể là động thái cho thấy Bắc Kinh đang điều chỉnh chính sách với các nước châu Á, nhất là với những quốc gia tồn tại bất đồng về ngoại giao hay tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Đặc biệt, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã áp dụng cách tiếp cận ôn hòa hơn khi đang cố gắng thiết lập một trật tự châu Á do Trung Quốc lãnh đạo thông qua những ảnh hưởng kinh tế và chính trị.
Trung Quốc thay đổi đường lối ngoại giao?
Tại Đại hội ĐCSTQ khóa 19, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng trong năm năm qua, Trung Quốc đã nâng cao vị thế trên trường quốc tế, có quyền lực hơn trong định hình thế giới, đặc biệt qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á và là nước chủ nhà cho nhiều hội nghị cấp cao quốc tế quan trọng.
Mặc dù những điều trên là khá ấn tượng nhưng tham vọng của Trung Quốc muốn gia tăng ảnh hưởng trên thế giới bị kiềm chế bởi những căng thẳng trong quan hệ với nhiều nước khu vực trong hai năm qua, SCMP bình luận.
Trước đó, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện quân sự bằng cách cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông thuộc khu vực chủ quyền của Việt Nam và bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế PCA về vụ kiện biển Đông với Philippines.
Cùng với đó, sau quyết định của Hàn Quốc về việc triển khai THAAD, quan hệ Hàn – Trung rơi vào giai đoạn khủng hoảng, gây nên những tổn hại nghiêm trọng về thương mại, đầu tư và du lịch.
Đầu năm nay, Trung Quốc và Ấn Độ đã ở vào thế căng thẳng “giằng co” bên bờ xung đột quân sự suốt một tháng tại cao nguyên Doklam, khiến cả thế giới lo ngại. Quan hệ chính trị giữa Bắc Kinh và Tokyo từ trước đến nay vẫn luôn trong trạng thái căng thẳng.
Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu chú ý và điều chỉnh chính sách ngoại giao trong vài tháng gần đây.
Sự thay đổi bất ngờ lần đầu tiên diễn ra cuối tháng 8 khi Trung Quốc và Ấn Độ đột ngột chấm dứt đối đầu sau khoảng thời gian giằng co ở biên giới.
Sự thay đổi bất ngờ thứ hai là vào tháng 9 khi Bắc Kinh nồng nhiệt tiếp đón Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong một chuyến thăm không báo trước. Chuyến thăm của Thủ tướng Singapore diễn ra sau vài tháng quan hệ căng thẳng giữa hai nước khi Singapore, không phải nước tham gia các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông nhưng lại nỗ lực muốn Trung Quốc chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài PCA.
Trung Quốc cũng bất ngờ thay đổi thái độ và chấm dứt những xung đột từ việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc. Sự khôi phục nhanh chóng quan hệ song phương Trung – Hàn đã được dự đoán trước khi cả hai đang xúc tiến cho chuyến thăm chính thức của Tổng thống Moon đến Bắc Kinh sắp tới.
SCMP nhận định, xét riêng từng trường hợp, những nguyên nhân trực tiếp của những thay đổi trên có thể khác nhau.
Trong quan hệ với Ấn Độ, Trung Quốc đồng ý chấm dứt xung đột chỉ vài ngày trước chuyến đi của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Trung Quốc dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS (gồm các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, và Nam Phi). Với Hàn Quốc, những thay đổi có thể bắt nguồn từ chuyến thăm “marathon” đến châu Á của Tổng thống Donald Trump.
Tờ này cho rằng, khi kết hợp mọi diễn biến lại, những thay đổi đó cho thấy cách tiếp cận mới trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, tự tin hơn nhưng ôn hòa và mềm mỏng nhằm giúp Trung Quốc trở thành nước lãnh đạo châu Á và xa hơn là thế giới trong tương lai.
Trước đó, Forbes cũng nhận định rằng Trung Quốc đã kiềm chế các hoạt động bành trướng trên Biển Đông. Tờ này cho rằng, sức ép từ bên ngoài đã đạt “khối lượng tới hạn” để ngăn Trung Quốc triển khai những dự án xâm lấn mới trong khu vực. Forbes cũng dẫn lời một chuyên gia Singapore, nhận định mục đích của Trung Quốc “vào thời điểm này là thuận theo đà của thiện chí”.