Thursday, November 14, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 06/12/2017

Bản tin Biển Đông ngày 06/12/2017

Bản tin Biển Đông ngày 06/12/2017.

Đại sứ Philippines tại Trung Quốc: Trung Quốc vẫn ngang ngược yêu sách toàn bộ Trường Sa

Ngày 5/12, ABS- CBN đưa tin, phát biểu bên lề Hội nghị Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines tổ chức tại thành phố Mandaluyong ngày 2/12, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Santiago “Chito” Sta. Romana khẳng định Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa chỉ đạo rút các tàu Hải cảnh Trung Quốc ra khỏi bãi cạn Scarborough và đưa nguyên trạng trở lại như trước ngày 8/4/2012 khi khu vực này vẫn thuộc quyền kiểm soát của Philippines. Ông cho hay “Trung Quốc vẫn đang yêu sách toàn bộ Trường Sa”, lo ngại rằng sẽ khó có thể khiến Chính phủ Trung Quốc rút các tàu ra khỏi khu vực bãi cạn Scarborough vì điều đó sẽ khiến nước này mất mặt, trong các cuộc đàm phán Chủ tịch Tập cũng sẽ cương quyết khẳng định rằng bãi cạn Scarborough thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Ông Romana cũng nói thêm rằng: “nếu Philippines muốn trở lại nguyên trạng như trước năm 2012, Trung Quốc sẽ đặt ra điều kiện là Philippines phải từ bỏ Phán quyết Trọng tài, một điều với Philippines là “bất khả thi””. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, ông cho hay để giải quyết tranh chấp Biển Đông và những thách thức trước mắt, Philippines đã tìm ra được một giải pháp mới mà mấu chốt nằm ở việc “tránh không đặt tranh chấp Biển Đông vào trọng tâm của chính sách đối ngoại”. Hiện nay, chính quyền Philippines đang đi theo hướng tận dụng mọi cách tiếp cận thân thiện và hợp tác, từ song phương đến đa phương để giải quyết ổn thoả vấn đề Biển Đông.

Phân tích của ANI: Biển Đông đã êm ả?

Ngày 5/12, hãng thông tấn ANI (Asian News Internatinal) đăng bài viết “Phân tích của ANI: Biển Đông đã êm ả?”. ANI cho hay, theo như những gì các học giả tham dự một hội thảo được tổ chức bởi hãng tin Bloomberg, Viện nghiên cứu Chatham House và Đại học Lingnan của Hồng Kông tổ chức tại Hồng Kông ngày 1/12, những động thái trong vài tháng gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông được cho là đã “lắng dịu” kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh “củng cố những thành quả ông đã có” và tình hình có thể sẽ tiếp tục yên ả trong thời gian tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, Biển Đông vẫn là một điểm nóng tiềm tàng, trong bối cảnh Châu Á đang trải qua chặng cuối của “kỷ nguyên đơn cực kéo dài 25 năm”, Trung Quốc đang “trỗi dậy” và Mỹ thì đang “tái cân bằng”. ANI cho rằng nguyên trạng này có thể tiếp tục, song vẫn có thể bị biến đổi nhanh chóng nếu có một bên tranh chấp đơn phương quyết định tham gia hợp tác phát triển tài nguyên chung với Trung Quốc hoặc có sự cố xảy ra khi tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP). Thêm vào đó, vấn đề tiềm lực quân sự, cụ thể là hoạt động ráo riết tăng cường sức mạnh quân sự hiện nay của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cũng có vai trò quyết định lớn đối với ý định chiến lược của các bên.

Bill Hayton, chuyên gia nghiên cứu đến từ Viện Chatham House dự đoán Trung Quốc sẽ tăng cường áp lực đối với các bên tranh chấp khác, chẳng hạn như Philippines, trên các vùng biển hợp tác phát triển chung. Ông cho rằng những hành động gần đây của Trung Quốc xuất phát từ “một số lý do chiến lược” và mục tiêu “thâu tóm tài nguyên” (bao gồm dầu khí, nguồn cá và tài nguyên đáy biển). Bên cạnh đó, ông Hayton cũng chỉ ra 3 nguy cơ đe doạ đối với nguyên trạng ở Biển Đông: (i) các bên tranh chấp không chấp nhận thoả hiệp về các yêu sách lãnh thổ”, (ii) các bên tranh chấp không ghi nhận vai trò của UNCLOS ở Biển Đông và (iii) các yêu sách đối với quyền lịch sử.

Tại Hội thảo tại Hồng Kông nói trên, ông Li Mingjiang, Điều phối viên Chương trình Trung Quốc, Đại học Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS), Singapore cũng có ý kiến đáng chú ý về việc ASEAN và Trung Quốc thông qua Khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) ngày 6/8/2017. Ông Mingjang đã đặt ra 2 câu hỏi mà ANI nhận định là “đúng đắn”, đó là: (i) vì sao Trung Quốc lại chịu hợp tác với ASEAN về COC, (ii) COC sẽ có tác động như thế nào tới lối hành xử của Trung Quốc? Với câu hỏi thứ nhất, ông cho rằng có 6 lý do cho sự thoả hiệp đầy bất bất ngờ này của Trung Quốc: (i) COC là văn kiện pháp lý nối tiếp DOC 2002, có giá trị ràng buộc pháp lý với các bên ký kết, (ii) Bắc Kinh nghĩ rằng COC có thể giúp nước này đạt được lợi ích chiến lược tại khu vực, đó là lôi kéo các nước thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ, (iii)quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng nằm trong mục tiêu chính sách rõ ràng của Trung Quốc, (iv) việc tham gia đàm phán COC đem lại nhiều lợi ích chính trị cho Trung Quốc vì nước này có thể tuyên bố rằng họ rất quan tâm đến trật tự dựa trên luật lệ nhưng mặt khác vẫn có thể hợp pháp hoá các yêu sách phi lý và cản bớt sự can dự của bên ngoài vào vấn đề Biển Đông, (v) Bắc Kinh nghĩ rằng COC sẽ không gây tổn hại đến các lợi ích quan trọng của mình vì đó không phài là công cụ pháp lý để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển. Với câu hỏi thứ 2, ông cho rằng có hai khả năng: (i) Trung Quốc có lẽ sẽ tôn trọng các bên và duy trì nguyên trạng hiện nay và (ii) Trung Quốc có thể sẽ chỉ tạm “cho phép” một thời kỳ tương đối ổn định trong vài năm tới, giống như thời điểm DOC được ký kết. Nhưng ông cũng cảnh báo rằng, với cách tiếp cận hoà dịu hơn ở Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ đạt được “ảnh hưởng chiến lược có lợi hơn” cho nước này.

Một câu hỏi khác được đặt ra tại Hội thảo là khả năng Trung Quốc tuyên bố Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Các học giả cho rằng với các công trình hiện nay sẽ không có gì khó khăn PLA triên khai vùng này nhưng chắc chắn “sẽ không đến mức độ giống như ở Biển Hoa Đông” vì vấn đề khoảng cách đối với quần đảo Trường Sa, vấn đề gây tổn hại đến các mối quan hệ với các nước láng giềng, nếu nước này chỉ tuyên bố ADIZ trong ngắn hạn và sẽ khó để có thể xác định được phạm vi của vùng ADIZ này, nếu nó được thiết lập. Tuy nhiên, các học giả cũng phải thừa nhận rằng không thể ngăn chặn việc Trung Quốc đẩy mạnh các yêu sách của họ ở Trường Sa.

Canada cần xây dựng một Chiến lược Biển nhất quán ở Đông Á

Ngày 5/12, trang The News Lens đăng bài viết “Canada cần xây dựng một Chiến lược Biển nhất quán ở Đông Á” của nhà báo Adam P MacDonald. Ông Adam cho rằng, do chỉ tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại, Canada vẫn chưa xây dựng được một chính sách nhất quán và toàn diện về việc sử dụng sức mạnh quân sự trên các vùng biển ở Đông Á. Canada cũng chưa khẳng định được một lập trường rõ ràng về tranh chấp Biển Đông, khiến nước này khó khăn trong việc triển khai lực lượng quân sự tới khu vực này. Thêm vào đó, việc chưa có được lập trường về vấn đề Biển Đông sẽ tạo kẽ hở để Trung Quốc tranh thủ cơ hội để khẳng định lập trường quyết đoán hơn ở Biển Đông, đánh đổi lấy sự chấp nhận đối với lập trường của Canada trong vấn đề yêu sách biển ở Bắc Cực.

Trước tình hình này, tác giả kêu gọi Chính phủ Canada cần xây dựng một chính sách nhất quán đối với khu vực nhằm tạo sự tin cậy với Mỹ và các nước đối tác khu vực, cụ thể là về vấn đề triển khai sức mạnh quân sự. Bên cạnh đó, Canada cần khẳng định rõ quan điểm pháp lý của mình về các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông trước khi quyết định có tham gia vào các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) Canada cũng cần đánh giá xem một lập trường cứng rắn hơn về vấn đề Biển Đông có thể ảnh hưởng ra sao tới quan hệ Trung Quốc – Canada vì chắc chắn việc Canada tham gia vào các FONOP sẽ có tác động trực tiếp đến Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới