Trang Foreign Affairs của Hội đồng quan hệ quốc tế (CFR), Mỹ, đánh giá Trung Quốc đang có những mối lo trong công cuộc thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” của chủ tịch Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)
Bài phân tích tiêu đề “Ông Tập Cận Bình lo ngại điều gì?” của hai học giả chính trị của Mỹ là John Mearsheimer và Graham Allison, đăng trên trang FA đánh giá, căn cứ vào thông điệp mà ông Tập chuyển tải trong báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc (18-24/10/2017), tương lai với Trung Quốc là tươi sáng, nhưng thách thức là nghiêm trọng.
Theo đó, thách thức đầu tiên và nghiêm trọng nhất mà Trung Quốc phải đối mặt chính là nước Mỹ sẽ ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Mỹ sẽ ngăn chặn Trung Quốc
Các nhà phân tích chiến lược của Trung Quốc nói chung đồng thuận với quan điểm của Mearsheimer và Allison, rằng siêu cường hàng đầu thế giới sẽ kiềm chế chế và chống lại một siêu cường đang trỗi dậy khác.
10 năm trước, ông Tập Cận Bình – trong vai trò phó chủ tịch Trung Quốc – đã đưa ra lý thuyết về “quan hệ nước lớn kiểu mới”, với hy vọng thuyết phục các nhà hoạch định chính sách của Mỹ sẽ tôn trọng những gì mà Trung Quốc gọi là lợi ích cốt lõi.
Nhưng dưới sự dẫn dắt của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, Washington đã tìm cách “xoay trục sang châu Á”, trong đó có việc mở rộng các cuộc đàm phán tự do thương mại đa phương và tăng cường liên minh quân sự ở châu Á, nhằm tìm kiếm sự hợp tác với các đồng minh/đối tác phi truyền thống của Mỹ.
Đối với nhà lãnh đạo của Trung Quốc, những chính sách của Mỹ được lý giải là nỗ lực của Washington nhằm làm suy yếu sức mạnh của Bắc Kinh và duy trì vị thế dẫn dắt thế giới của mình.
Khi tổng thống Donald Trump lên nắm quyền vào tháng 1/2017, ông đã xoa dịu những áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc. Ông rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), làm lung lay niềm tin của các nước đồng minh về những cam kết quốc phòng của Mỹ, ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ và phản đối toàn cầu hóa, qua đó làm tăng thêm tiếng nói ở trường quốc tế cho các lãnh đạo Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo trang FA, ông Tập Cận Bình tin rằng lợi ích về cấu trúc quan trọng hơn tính cách cá nhân của tổng thống Mỹ. Dù là ông Trump hay bất kỳ vị tổng thống nào của Mỹ sau này, sớm hay muộn cũng sẽ tiến hành ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong mắt giới chính khách Washington, trong 30 năm sau – khi Trung Quốc thực hiện được nhiệm vụ phục hưng dân tộc, theo mục tiêu ông Tập đề ra là đến năm 2049, thì Bắc Kinh sẽ trở nên “rất nguy hiểm”.
Các tác giả Mearsheimer và Allison tin rằng, Washington có thể lựa chọn giải pháp quân sự trong xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thay vì xoa dịu căng thẳng để hướng tới đàm phán. Người Trung Quốc thì cho rằng đây là sự lệch hướng trong chính sách của Mỹ.
Ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết của “thúc đẩy ngoại giao nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc, xây dựng cộng đồng vận mệnh chung nhân loại” trong bài phát biểu trước Đại hội 19. Theo FA, đây là thông điệp và quyết tâm rõ nhất của ban lãnh đạo Trung Quốc về lộ trình phát triển bền vững để khiến Mỹ chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thời gian càng dài càng tốt.
Cải tổ trong nước để phát triển ổn định
Thách thức thứ hai mà Trung Quốc đối mặt đến từ trong nước. Trong báo cáo Đại hội 19, ông Tập nêu: “Những mâu thuẫn chủ yếu mà chúng ta phải đối mặt là mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn với sự phát triển mất cân đối, không đầy đủ”.
Điều mà ông đề cập là nhu cầu ngày càng tăng, càng lớn của người dân Trung Quốc về một bầu không khí trong lành, giá cả nhà hợp lý, nhu cầu về sản phẩm an toàn và dịch vụ công tốt hơn.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Chính phủ cần thực hiện những cải cách khó khăn như một nhu cầu cấp thiết, cắt giảm nợ của chính quyền địa phương và các ngân hàng, đồng thời kích thích sức sống của các doanh nghiệp nhà nước và định hình lại khu vực kinh tế năng lượng.