“Tự sướng” với Phán quyết Trọng tài mà không điều chỉnh chiến lược lẫn sách lược như Tổng thống Duterte, tình hình Biển Đông bây giờ có thể còn xấu hơn nhiều.
Người tiên phong trong chính sách “xoay trục”
Khác với những người tiền nhiệm, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã luôn tìm cách xoa dịu những căng thẳng, bất đồng trong quan hệ với Trung Quốc và dần tách Philippines ra khỏi sự lệ thuộc vào ảnh hưởng của Hoa Kỳ và các nước phương Tây.
Để có được quyết định đầy táo bạo và được coi là “chính sách xoay trục” này, Tổng thống Duterte chắc chắn đã có những trăn trở khi đặt chính sách đối ngoại của Philippines vào trong bối cảnh lịch sử mới, mà sự ổn định và lợi ích của đất nước vẫn được ông đặt lên hàng đầu.
Trên thực tế, trong nhiều thập kỷ qua, liên minh Philippines – Hoa Kỳ đã trở thành một trong những nền tảng để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Các cuộc tập trận thường niên giữa quân đội Philippines và Hoa Kỳ được diễn ra đều đặn hàng năm.
Mục tiêu Washington đặt ra không có gì khác ngoài kiềm chế Trung Quốc.
Còn Philippines thì mong muốn giữ vững quyền tài phán trên các vùng biển Philippines xác lập trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và một số cấu trúc địa lý nước này đang đóng giữ ở Biển Đông, trước những thách thức của siêu cường Trung Quốc.
Đồng thời, sự bảo trợ về kinh tế cũng đã được phía Hoa Kỳ cam kết thực hiện. Khi đó, Philippines đã đặt rất nhiều niềm tin và sự kỳ vọng vào Hoa Kỳ sẽ là chỗ dựa vững chắc cho đất nước của họ.
Điều này đã được thể hiện qua chỉ số khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Pew vào năm 2013, khi có tới 85% người dân Philippines được hỏi đã ủng hộ cho chính sách liên minh với Hoa Kỳ.
Con số này còn tăng vọt lên tới 92% trong đợt khảo sát vào năm 2015.
Tuy nhiên, Philippines đã trải qua những biến động chính trị cả trong đối nội lẫn đối ngoại, dẫn đến chiến lược xoay trục của Manila, làm thay đổi căn bản cấu trúc địa chính trị khu vực lâu nay ở Đông Nam Á.
Về đối nội, sau chiến thắng của ông Rodrigo Duterte trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016 là sự chỉ trích của các nước phương Tây về cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi mà ông phát động;
Về đối ngoại, tác nhân chính dẫn đến sự thay đổi chính sách của Manacanang liên quan đến vấn đề xử lý các tranh chấp trên Biển Đông, kể từ khi bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát mà không được đồng minh Hoa Kỳ bảo vệ.
Khủng hoảng Scarborough tháng 4/2012 dẫn đến việc Philippines mất quyền kiểm soát bãi cạn sau khi Washington làm trung gian rút tàu. Philippines rút tàu, tàu Trung Quốc chỉ rút nghi binh, và lập tức quay trở lại sau đó.
Động thái này đã đẩy Philippines đi đến quyết định khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước vào đầu năm 2013.
Sau đó Hoa Kỳ tiếp tục khoanh tay ngồi nhìn Trung Quốc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp và quân sự hóa trên các cấu trúc địa lý mà Bắc Kinh chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Philippines cũng có yêu sách với một phần quần đảo này), đe dọa an ninh khu vực.
Sau gần 4 năm kiên trì đấu tranh bằng con đường pháp lý, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ra phán quyết cuối cùng.
Đây không chỉ là thắng lợi của Philippines, mà còn là thắng lợi của các nước ven Biển Đông và bản thân Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Tuy nhiên ngay khi có phán quyết, Hoa Kỳ đã chuyển thông điệp đến Manila và các nước khác trong khu vực: đừng khiêu khích Trung Quốc!
Khi đó, người Philippines đã chợt hiểu ra một điều rằng, không thể trông đợi vào một liên minh quân sự với Hoa Kỳ để đối phó với những thách thức từ Trung Quốc, hoặc trông đợi vào Hoa Kỳ như một bên trung gian hòa giải.
Trong 4 năm theo đuổi vụ kiện, quan hệ Philippines – Trung Quốc trở nên căng thẳng. Những đòn trừng phạt kinh tế không công bố từ Bắc Kinh đã khiến quốc gia này thiệt hại khá nhiều.
Bởi vậy, ngay từ khi lên nắm quyền, với phong cách lãnh đạo cứng rắn và quyết đoán, Tổng thống Duterte đã đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt đối với Philippines:
Lập tức cân bằng lại quan hệ với các nước lớn, giảm bớt phụ thuộc vào Hoa Kỳ và tăng cường hợp tác với Trung Quốc, Nga.
Tháng 10 năm ngoái khi thăm chính thức Bắc Kinh, ông Rodrigo Duterte nói thẳng với báo giới:
“Tôi không chống lại Washington. Tổng thống Donald Trump với tôi là bạn. Nhưng chính sách đối ngoại của tôi đã thay đổi.
Tôi muốn hợp tác với Trung Quốc và Nga, bởi trong thế giới phương Tây, họ chỉ nói chuyện nước đôi.
Phương Tây đối xử như thể Philippines vẫn là thuộc địa. Chúng tôi là một quốc gia độc lập.
Tôi muốn đất nước tôi được đối xử với phẩm giá”, ông Duterte nói.
Quyết định này của Tổng thống Duterte có thể được coi là một cuộc cách mạng trong chính sách đối ngoại của Philippines.
Đồng thời, quyết định này cũng khiến các quốc gia trong khu vực phải đánh giá lại một cách thực sự nghiêm túc về về vai trò và chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện nay.
Trung Quốc trỗi dậy trở thành siêu cường mới nổi cả về kinh tế, quân sự lẫn chính trị, ngoại giao là thực tế không thể đảo ngược. Washington cũng đang phải học cách thích nghi và cùng tồn tại với Bắc Kinh.
Vậy các quốc gia đồng minh, đối tác mà Hoa Kỳ xem là “phên dậu” hoặc “tiền tuyến” bảo vệ lợi ích địa chính trị của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương sau Chiến tranh Thế giới II không thể không thay đổi nhận thức và chiến lược.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã đưa Philippines từ vị thế phụ thuộc vào Hoa Kỳ về an ninh, phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế, trở thành đối tác ngày một cân bằng hơn với cả 2 siêu cường, tối đa hóa lợi ích cho quốc gia mình.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AP) |
Những thành quả từ sự khéo léo của Tổng thống Duterte
Trước khi đưa ra quyết định thực hiện chính sách “xoay trục” của mình, Tổng thống Duterte đã nhận thấy một điều rằng:
Mỗi quốc gia cần phải tự lo lấy vận mệnh của mình, đừng trông chờ vào bất kỳ thế lực nào bên ngoài. Phải hiểu rõ các nước lớn cần gì và muốn gì, để tìm cách ứng xử phù hợp, tránh bị đẩy vào thế kẹt dẫn đến đối đầu.
Nếu như nội các tiền nhiệm của Tổng thống Benigno Aquino III đã hoàn thành sứ mệnh mang về thắng lợi pháp lý và tinh thần cho Philippines trong vụ kiện trọng tài Biển Đông, thì ông Rodrigo Duterte đã bảo vệ tốt nhất thành quả ấy.
Lấy lại Scarborough lúc này là điều không tưởng với Philippines, kể cả về thực lực lẫn bối cảnh.
Nhưng không để Trung Quốc có cớ quân sự hóa bãi cạn này và giúp ngư dân Philippines quay trở lại đánh bắt mà không ảnh hưởng đến yêu sách của mỗi bên, đó là cái Manila có thể làm và ông Rodrigo Duterte đã làm được.
Hợp tác quân sự và an ninh Philippines – Hoa Kỳ vẫn được giữ nguyên, nhưng vị thế của Philippines đã không còn ở “chiếu dưới” như trước.
Quan hệ hợp tác với Trung Quốc được cải thiện, mang lại nhiều cơ hội về đầu tư xây dựng hạ tầng lẫn mở cửa thị trường cho nông sản Philippines, đồng thời đón lượng khách du lịch Trung Quốc khá lớn quay trở lại.
Nếu không có sự thay đổi về tư duy, chiến lược lẫn những bước đi táo bạo của ông Rodrigo Duterte, Philippines có thể không có được môi trường ổn định như bây giờ, để tập trung phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề đối nội.
ASEAN tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte. Phát biểu tại Campuchia, ông nói:
“Philippines là quốc gia ở Đông Nam châu Á, bởi vậy tương lai của Philippines là trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và châu Á”.
Sự thay đổi chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte cũng đã tạo ra sự ngỡ ngàng cho không ít người.
Bởi chỉ mới trước đó thôi, giữa Philippines và Trung Quốc đã xảy ra những cuộc chiến truyền thông ở tầm chính phủ về những tranh chấp trên Biển Đông và bãi cạn Scarborough.
Ở chừng mực nào đó, chính nghĩa thuộc về nước nhỏ, nhưng lợi thế chiến lược lại thuộc về nước lớn. Nếu không thay đổi sách lược và ứng xử mềm dẻo, phần thiệt thòi sẽ luôn thuộc về nước nhỏ.
Nếu tạo cớ cho Trung Quốc quân sự hóa Scarborough, sẽ thêm một mối uy hiếp trực tiếp về an ninh, quân sự mà có lẽ rất lâu, Philippines không thể xóa bỏ.
Chơi với Trung Quốc, không có nghĩa là Manila từ bỏ yêu sách và quyền lợi của mình trên Biển Đông, xác lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Tạm gác không nhắc đến Phán quyết Trọng tài, không có nghĩa là “vô hiệu hóa” thắng lợi quan trọng này. Những lập luận và giải thích Công ước của Tòa trọng tài sẽ được Philippines đưa ra trong các cuộc đàm phán.
Nhưng trước hết, phải ngồi xuống với nhau cái đã.
Không phải Điện Manacanang không thấy được toan tính của Trung Nam Hải.
Những bước tiến rất lớn của Trung Quốc về các nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến Biển Đông, quá trình tăng cường sự hiện diện của Bắc Kinh đang là xu thế không quốc gia nào đảo ngược nổi.
Lúc này chỉ còn cách thích nghi, đối thoại và giữ lấy hiện trạng cùng môi trường hòa bình, ổn định. Đó là lựa chọn cần thiết và khéo léo, thay vì lao theo cuộc chơi có tổng bằng 0 mà phần thiệt luôn thuộc về nước nhỏ.
Quan hệ Philippines đã bước sang một trang mới (Ảnh: AP) |
Thành công này của Tổng thống Duterte cũng đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của người dân Philippines về chính sách đối ngoại, nhất là với hai siêu cường là Hoa Kỳ và Trung Quốc, khi người dân đang ngày càng ủng hộ nhiều hơn đối với chính sách “xoay trục” của Tổng thống Duterte.
Cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Pew cho thấy, số người Philippines ủng hộ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc đã tăng lên 67%.
Thành tựu xoay trục và ứng xử khéo léo của Tổng thống Rodrigo Duterte cũng là một bài học quý cho các nước ven Biển Đông, trong việc đánh giá lại cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa 2 siêu cường và những lựa chọn chiến lược, sách lược mới để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của quốc gia.
Với Washington, ông Rodrigo Duterte vẫn thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương trong một số lĩnh vực như thương mại, chống nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp.
Riêng trong lĩnh vực quân sự, các hoạt động hợp tác an ninh hàng hải Mỹ – Philippines ở Biển Đông có thể khiến Trung Quốc lo ngại rằng “kiềm chế” họ như trước, nay đã được chuyển hướng tập trung vào các hoạt động chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Hợp tác với Hoa Kỳ vẫn được duy trì, mà Bắc Kinh không cảm thấy lo ngại hay phải can thiệp.
Điều này đã cho thấy một sự sáng suốt và khéo léo trong việc hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte nhằm mang lại sự ổn định và lợi ích cao nhất cho đất nước Philippines.
Có thể nói rằng, chính sách “xoay trục” đối ngoại của Tổng thống Philippines Duterte để cân bằng với các nước lớn, nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ, đã tạo ra bước ngoặt mới cho đất nước Philippines.
Đồng thời, chính sách này cũng đã mở ra cơ hội củng cố lòng tin, giữ vững môi trường hòa bình ổn định, tạo nền tảng cho việc giải quyết các tranh chấp bất đồng giữa các quốc gia trong khu vực sau này.
Như vậy có thể thấy rằng, pháp lý chỉ trở thành công cụ thiện xảo và hiệu quả nếu các nước nhỏ biết sử dụng nó một cách thiết thực, đặt trong bối cảnh địa chính trị, cạnh tranh và toan tính của các siêu cường.
Nếu Manila chỉ biết “tự sướng” với Phán quyết Trọng tài mà không điều chỉnh chiến lược lẫn sách lược như Tổng thống Rodrigo Duterte, tình hình Biển Đông bây giờ có thể còn xấu hơn nhiều.