Wednesday, November 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChứng khoán Việt Nam trước “cơn bão” từ Trung Quốc

Chứng khoán Việt Nam trước “cơn bão” từ Trung Quốc

Bất chấp sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong thời gian vừa qua, hoạt động mua bán cổ phiếu của các nhà đầu tư trong nước vẫn giữ ở mức khá điềm tĩnh và đi lên đầy ấn tượng.



Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì đà tăng điểm. Ảnh minh họa

Bằng chứng trong ngày làm việc 8/7 sàn giao dịch tại thị trường Trung Quốc đã giảm tới hơn 8%. Đáng chú ý hơn, đến thời điểm này đã có ít nhất 1.249 công ty, chiếm 43% tổng số công ty niêm yết, đã ngừng giao dịch trên các thị trường chứng khoán Trung Quốc. Chỉ số CSI300 của Trung Quốc đã mất tới 1/3 giá trị kể từ tháng 6 vừa qua, mức giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Việc thị trường chứng khoán trượt giảm mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, đã khiến khá nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ “điên loạn” khi rơi vào tình cảnh trắng tay. Không những thế, ngay cả những tỷ phú Trung Quốc cũng phải chứng kiến tài sản của mình “bốc hơi” chóng mặt. Bằng chứng, theo Bloomberg Billionaires Index, hai tỷ phú hàng đầu Trung Quốc là Wang Jianlin, Chủ tịch của Wanda Group và Jack Ma, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành của Alibaba Group Holdings, đã mất lần lượt 661 và 123 triệu USD hôm 7/7.

Mặc dù thị trường chứng khoán nước láng giềng rơi vào khủng hoảng, nhưng tại Việt Nam kênh đầu tư này vẫn thu hút các nhà đầu tư và có mức tăng trưởng ổn định. Theo đó, giao dịch tiếp tục phát đi tín hiệu tích cực khi mà các cổ phiếu chủ chốt vẫn tăng giá.

Giao dịch diễn ra trong sự hào hứng của các nhà đầu tư, giúp dòng tiền được đổ mạnh vào sàn. Tuần qua ( từ 6 – 10/7) thị trường chứng khoán trong nước đã ghi nhận nhiều ngành tăng giá mạnh. Trong đó đáng chú ý là ngành Bảo hiểm với mức tăng lên tới 16,5% so với tuần trước đó. Cùng với đó, các ngành được “hot” như ngân hàng, xây dựng… cũng duy trì đà tăng trưởng.

Riêng về từng cổ phiếu, tại sàn TP.HCM, trong tuần qua, cổ phiếu BIC của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã dẫn đầu Top tăng giá khi tăng thêm đến gần 38%, từ mức 16.900 đồng/cổ phiếu hôm 3/7 lên mức 23.300 đồng/cổ phiếu hôm 10/7.

Trong tuần qua, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt cũng có mức tăng vô cùng ấn tượng, với mức gần 28% (từ mức 45.500 đồng/cổ phiếu hôm 3/7 lên mức 58.000 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên cuối tuần hôm 10/7).

Trong khi đó, bên sàn Hà Nội, cổ phiếu DLR của Công ty cổ phần địa ốc Đà Lạt đã dẫn đầu Top tăng giá với mức gần 31%, từ 10.800 đồng/cổ phiếu hôm 3/7 lên mức 14.100 đồng/cổ phiếu hôm 10/7. Đứng sau là cổ phiếu CCM của Công ty cổ phần khoáng sản và xi măng Cần  Thơ, với mức tăng gần 24% (từ mức 9.300 đồng/cổ phiếu hôm 3/7 lên mức 11.500 đồng/cổ phiếu hôm 10/7).

Như vậy, với sự hỗ trợ tích cực của các cổ phiếu, cả hai chỉ số Vn-Index trên sàn TP.HCM và HNX-Index trên sàn Hà Nội đã ghi được những điểm số khá tốt. Theo đó, trong tuần qua, chỉ số Vn-Index đã tăng tổng cộng thêm 1,76%, lên mức 627,28 điểm khi chốt phiên ngày 10/7, cùng với đó chỉ số HNX-Index cũng tăng thêm 0,62%, lên 88,24 điểm.

Chứng khoán trong nước vẫn có thể đi lên

Trải qua một tuần giao dịch thành công, thị trường chứng khoán trong nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục tiến triển khả qua. Tuy nhiên, khả năng tăng mạnh lại khó có thể xảy ra trong bối cảnh hiện tại.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán FPT – FPTS, phiên đầu tuần 13/7 sẽ được thử thách bởi khối lượng giao dịch, nên nhiều khả năng những rung lắc trong phiên sẽ xuất hiện với cường độ mạnh hơn.

Cũng theo nhận định của FPT, trong tuần tới, nhà đầu tư tiếp tục đón nhận các thông tin tiếp theo về kết quả kinh doanh quý II/2015 của các doanh nghiệp niêm yết. Theo đó, khả năng thay đổi nhóm ngành dẫn dắt xu thế, sẽ cần được chú ý với mục tiêu hướng đến tiếp theo của dòng tiền lớn, có thể là nhóm cổ phiếu cơ bản chưa tăng nhiều.

Liên quan đến chiến lược đầu tư phù hợp trong giai đoạn này, FPTS cũng nhận định, hiện vẫn là hạn chế mở các trạng thái mua mới, chờ đợi tín hiệu tin cậy xác nhận khả năng vượt đỉnh của Vn-Index. Tuy nhiên, nhà đầu tư với mức chịu rủi ro cao có thể tranh thủ những phiên rung lắc mạnh, để tìm cơ hội tại các cổ phiếu có dấu hiệu bứt phá lên khỏi giai đoạn tích lũy và có khối lượng giao dịch bình quân tăng dần.

Trong khi đó, theo nhận định của Công ty chứng khoán Sài Gòn Hà Nội – SHS, nhìn một cách tích cực, yếu tố dòng tiền hiện đang duy trì xung lực khá mạnh mẽ giúp thị trường không chịu áp lực điều chỉnh giảm điểm sâu. Tuy vậy, khả năng thị trường tiếp tục bật tăng trong ngắn hạn cũng không được đảm bảo. Sự phân hóa mạnh trong tuần này sẽ tiếp tục diễn ra.

Công ty chứng khoán Sài Gòn Hà Nội nhận định, trong tuần này, nhà đầu tư chỉ nên duy trì trạng thái nắm giữ các cổ phiếu tốt, có thông tin hỗ trợ tích cực, thu hút được dòng tiền. Đặc biệt, không nên vội vã mua đuổi các phiên thị trường tăng điểm và hạn chế sử dụng đòn bẩy.

RELATED ARTICLES

Tin mới