Trung Quốc đã chính thức thừa nhận hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, Việt Nam phải mạnh mẽ lên tiếng.
Đường băng dài 3.250 m và rộng 55 m mà Trung Quốc xây trái phép trên đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS
Thạc sỹ Luật Hoàng Việt, thành viên Quỹ nghiên cứu biển Đông và Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam lo lắng trước thái độ công khai tuyên bố các hoạt động nhằm mục đích quân sự trên Biển Đông của Trung Quốc mới đây.
Theo ông Việt, lời tuyên bố của Trung Quốc cho thấy, quan sát của một số cơ quan nghiên cứu Mỹ đưa ra thời gian qua là hoàn toàn trùng khớp. Cụ thể, tại báo cáo của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) đưa ra hồi tháng trước, cho biết, Trung Quốc bồi đắp và xây dựng 29 hecta tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên Biển Đông.
Ngoài ra, báo cáo của CSIS còn khẳng định, Trung Quốc đã hoàn thiện nhiều hạng mục xây dựng kiên cố như, kho ngầm trữ đạn, nhà chứa máy bay, bệ đặt tên lửa và dàn radar… nhằm tăng cường khả năng tác chiến quân sự cho Trung Quốc tại khu vực này.
Như vậy, thay vì nhiều lần phủ nhận, đây lần đầu tiên Trung Quốc lên tiếng thừa nhận đang thực hiện các hoạt động quân sự hóa trên các đảo, đá, bãi cạn ở Biển Đông.
“Vấn đề tôi quan tâm nhiều hơn là sau khi Trung Quốc đã công khai thừa nhận hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông thì động thái tiếp theo của Trung Quốc sẽ là gì? Trước động thái ngang ngược đó, Việt Nam phải làm gì?”, ông Việt lo lắng.
Theo ông Việt, trong bối cảnh hiện nay, việc thống nhất cho ra được một một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà có thể đáp ứng được kỳ vọng của tất cả các bên có quyền lợi liên quan trên Biển Đông lại trở thành vấn đề khác cần phải cân nhắc.
“Với Trung Quốc, COC chỉ có thể là một công cụ không mang tính ràng buộc về pháp lý, được sử dụng để cải thiện lòng tin khu vực hơn là giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Đây là lý do, Trung Quốc nhiều lần từ chối không ngồi vào bàn đàm phán.
Nhưng mới đây Trung Quốc đã nhất trí bắt đầu quá trình tham vấn chính thức về bộ quy tắc ứng xử, động thái này chỉ xảy ra sau khi nước này đã thực hiện cơ bản xong các hoạt động bồi, lấp, xây dựng căn cứ điểm quân sự trên Biển Đông.
Mục đích của nước này là muốn lái COC theo hướng có lợi cho mình. Lợi dụng những quy định của Công ước Luật biển năm 1982 và những thỏa thuận tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC), trong đó quy định các nước phải giữ nguyên hiện trạng, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống, không thực hiện các hoạt động quan sự hóa trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những thực thể địa lý khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng…
Có thể, Trung Quốc muốn tận dụng điểm này để tuyên bố quyền sở hữu trên các đảo đã tôn tạo, chiếm đóng trái phép, đồng thời cũng phát đi tín hiệu cảnh báo, ngăn chặn những quốc gia khác đang có ý định nhòm ngó tới các khu vực Trung Quốc đang chiếm đóng. Do đó, các nước ASEAN cần phải rất thận trọng trong việc thống nhất, đưa ra tuyên bố chung trên Biển Đông. COC phải hình thành, nhưng hình thành trên những hiện trạng của DOC”, ông Việt cảnh báo.
Vì vậy, ông Việt cho rằng, với những động thái mới của Trung Quốc, trước mắt Việt Nam vẫn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục lên tiếng phản đối, kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán của Việt Nam trên các khu vực mà Việt Nam đang được hưởng theo Công ước Luật biển năm 1982.