Trung Quốc ngày 3/1 lên tiếng bác bỏ thông tin liên quan đến một “tài liệu nội bộ” của nước này bị rò rỉ, do trang Washington Free Beacon (WFB) của Mỹ đăng tải hôm 2/1.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng nói về thông tin này: “Chỉ có một câu thôi, đó là fake news (tin tức giả mạo)”. Và: “Những người có kiến thức cơ bản đều dễ nhận thấy văn kiện đó là ngụy tạo,” ông Cảnh khẳng định.
“Tài liệu nội bộ” là một văn bản mà trang Washington Free Beacon khẳng định có liên hệ với cộng đồng tình báo và an ninh Trung Quốc. Đây là một văn kiện dài 4 trang, đóng dấu “tuyệt mật”. Nội dung nêu rõ thể kế hoạch của Ban lãnh đạo Trung ương Trung Quốc được thông qua vào tháng 9/2017 nhằm tăng cường hỗ trợ và viện trợ quân sự cho chính phủTriều Tiên, với yêu cầu Bình Nhưỡng chấp nhận ngưng các vụ thử hạt nhân trong tương lai.
Văn kiện mà WFB có được nói rằng Trung Quốc đề nghị sẵn sàng cung cấp cho Triều Tiên “cơ sở hạ tầng phòng thủ quân sự” và “công nghệ, khoa học quân sự cấp độ cao”. Các loại vũ khí do Trung Quốc đề xuất bao gồm cả “các tên lửa tầm ngắn và tầm trung hiện đại hơn”.
Tài liệu rò rỉ này được đề ngày 15/9/2017, sau 12 ngày Triều Tiên tiến hành vụ thử bom nhiệt hạch (bom H). Theo tài liệu này – đã kết luận rằng sức ép quốc tế không thể buộc Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, hiện được ước tính có ít nhất 20 đầu đạn. Nội dung tài liệu khẳng định: Bắc Kinh chấp thuận Bình Nhưỡng giữ lại kho vũ khí hạt nhân hiện có. Điều này thật là phi lý vì nó trái với lập trường được chính phủ Trung Quốc công khai về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo.
Như vậy khác nào nhà cầm quyền Bắc Kinh đồng ý bảo vệ chính quyền Bình Nhưỡng! Bắc Kinh chỉ áp đặt các lệnh cấm vận “một cách tượng trưng” để né tránh trừng phạt Triều Tiên theo các nghị quyết của Liên hợp quốc, liên quan đến cắt nguồn cung dầu và khí cho quốc gia Đông Bắc Á.
WFB thừa nhận tài liệu nêu trên chưa thể được xác minh. Còn các phát ngôn viên của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) chưa đưa ra phản hồi trước yêu cầu bình luận.
Nhân đây quý độc giả cùng nhớ lại câu chuyện cách đây 3 tháng (10-2017) sau khi trở về từ khu vực Thái Bình Dương, Tướng Joe Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho rằng: Triều Tiên là mối đe dọa tức thì với Mỹ, còn Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài. Vì vậy, quân đội Mỹ cần dành thêm thời gian để bảo đảm chắc chắn rằng họ phải luôn chú ý vấn đề sống còn này. “Chúng ta đã sẵn sàng đối phó với Triều Tiên. Nhưng một cuộc chiến với Trung Quốc vẫn là một thách thức thật sự”, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nhận định.
Còn một quan chức quân sự Mỹ nhận định “Trung Quốc là mối đe dọa cấp bách nhất đối với Mỹ ở Thái Bình Dương, Triều Tiên là một vấn đề “ngắn hạn”. Washington có thể “chiến thắng” trong cuộc chiến với Bình Nhưỡng, song chưa chắc đã giành ưu thế trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh.
Điều mà Mỹ lo ngại nhất là thái độ của Trung Quốc, gồm: các hoạt động xây đảo trái phép trên các vùng biển, đánh cắp công nghệ, thao túng tiền tệ, tấn công mạng và sự gây hấn cả về quân sự lẫn phi quân sự. Nhưng đáng lo nhất là thái độ lập lờ với Triều Tiên, một tay bắt, tay kia nắm quả lựu đạn.
Bằng cách tạo ra những thay đổi dần dần trong trật tự quốc tế, Trung Quốc nhắm tới mục tiêu trở thành quốc gia “thống trị”. Trung Quốc tham vọng giành chiến thắng mà không cần phát động một cuộc chiến.
Cho nên mặc dù Bắc Kinh lớn tiếng bác bỏ cái “tài liệu nội bộ” nêu trên là xuyên tạc, nhưng theo các nhà phân tích thì đó mới thực chất là bản chất của chính sách đối ngoại hai mặt của Trung Nam Hải. Vì Triều Tiên mạnh lên về quân sự, Triều Tiên đe dọa cả Mỹ thì Trung Quốc sẽ không còn lo hở sườn, lạnh lưng.