Bản tin Biển Đông ngày 08/01/2018.
Philippines khẳng định duy trì “đối thoại” với Trung Quốc dù Bắc Kinh vẫn cố tình đi ngược lại các thoả thuận và cam kết để hoàn thiện các căn cứ không quân của mình trên Biển Đông
Ngày 05/01, tờ The Philippine Star đưa tin, liên quan đến những thông tin do Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc mới đây công bố về việc Trung Quốc đã hoàn tất quá trình biến đổi Đá Chữ Thập mà 4 bên ở Biển Đông yêu sách, trong đó có Philippines, thành một căn cứ không quân kiên cố, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano đã khẳng định trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines rằng Manila vẫn sẽ duy trì quan điểm đối thoại hữu nghị và thẳng thắn với các bên liên quan trong vấn đề Biển Đông bằng nhiều cơ chế song phương và đa phương khác nhau. Mặt khác, ông khẳng định rõ ràng rằng Philippines sẽ không từ bỏ chủ quyền ở khu vực tranh chấp.
Tuyên bố này cho thấy thiện chí của Philippines khi nước này vẫn duy trì nỗ lực trong việc bảo vệ thắng lợi của Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, trong đó kết luận rõ rằng Đá Gạc Ma, Đá Châu Viên và Đá Chữ Thập là “đá”, Trung Quốc cũng đã vi phạm nghĩa vụ bảo vệ và bảo tồn môi trường biển với việc ngang nhiên tiến hành các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở Đá Chữ Thập.
Đưa robot đến tuần tra các rạn san hô ở Biển Đông – giải pháp bảo vệ môi trường biển hay mưu đồ kiểm soát vùng biển tranh chấp?
Ngày 08/01, tờ Trung Hoa Nhật báo cho biết một robot giám sát ngầm cỡ nhỏ có tên “Vệ sĩ San hô” do Công ty Công nghệ Biển Robotfish Thanh Đảo, Trung Quốc sản xuất đang tiến hành hoạt động tuần tra tại các rạn san hô trên Biển Đông. Bài báo cho hay, với chiều dài chỉ 45 cm, chiều rộng 29 cm và cao 22 cm, nặng chưa đến 10 kg, robot này sẽ có nhiệm vụ phát hiện và tiêu diệt những con sao biển gai tấn công các rạn san hô, thậm chí cả những con nhím biển. Ông Fan Ping, Giám đốc Công ty lý luận rằng “việc bảo vệ các rạn san hô có thể giúp bảo vệ 10/100 các loài sinh vật biển khác”. Ông Fan cho hay robot này đã được thử nghiệm vào tháng 6 và chính thức đưa vào sử dụng vào tháng 9/2017.
Đây có thể được xem là một trong những nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm “gián tiếp” tuân thủ Phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016 sau khi bị chỉ trích rằng với các dự án tôn tạo và các công trình xây dựng các đảo nhân tạo tại 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã “gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị hủy diệt”. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh Trung Quốc gần đây liên tục có những hoạt động tăng cường đưa vào sử dụng các loại thiết bị công nghệ cao trên Biển Đông, động thái mới này dường như chỉ là để “viện cớ” hiện thực hoá tham vọng của nước này nhằm mở rộng kiểm soát Biển Đông, thay vì ngừng các hoạt động bồi đắp trái phép trên các cấu trúc để giải quyết vấn đề bảo vệ các cấu trúc san hô một cách thoả đáng hơn.