Philippines sẽ phản đối theo đường ngoại giao sau khi Manila đặt câu hỏi liệu có phải Bắc Kinh đã ‘nuốt lời’ trong việc cam kết không quân sự hóa tại một bãi đá thuộc Quần đảo Trường Sa.
Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nói hôm 9/01/2018 rằng Manila đang điều tra các tường thuật về hoạt động gần đây của Trung Quốc tại Đá Chữ Thập.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích vùng Biển Đông, và cơi nới bồi đắp các bãi đá tại các Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, xây dựng lắp đặt trên đó các cơ sở, thiết bị quân sự.
Hoa Kỳ chỉ trích hoạt động trên của Trung Quốc và quan ngại Bắc Kinh sẽ dùng chúng để hạn chế việc tự do đi lại trên tuyến đường biển giao thương quan trọng này.
Đá Chữ Thập vốn là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Đài Loan. Trên thực tế, Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát nơi này kể từ 1988.
“Có được giữ nguyên hiện trạng”?
Trong những năm gần đây, Đá Chữ Thập được bồi đắp thành đảo nhân tạo.
Hôm 30/12, một đoạn băng video được kênh truyền hình quốc gia của Trung Quốc CCTV phát đi, cho thấy Đá Chữ Thập đã được biến thành một căn cứ không quân, Reuter tường thuật.
Bản quyền hình ảnh CSIS Image caption Cơ sở xây cất cho phi cơ hạng nặng Y-8 của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa
Ông Lorenzana lớn tiếng phản đối, bất chấp những bước đi gần đây của Tổng thống Rodrigo Duterte vốn nhằm xoa dịu các căng thẳng với Trung Quốc.
“Họ nói rằng họ không quân sự hóa và hoạt động tại nơi đó chỉ nhằm phục vụ các mục đích hòa bình như du lịch,” ông Lorenzana được hãng tin AFP dẫn lời.
“Thế nhưng chúng tôi có thể chứng minh rằng họ đã đưa binh lính và vũ khí, đồ quốc phòng tới, và như vậy là vi phạm chính những lời họ đã nói.”
Ông Lorenzana nói rằng ông cũng nhận được các phúc trình theo đó nói ngư dân Philippines đã bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc “quấy nhiễu”.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng việc xây cất hoàn toàn được thực hiện trên lãnh thổ Trung Quốc, để nhằm hỗ trợ hòa bình trong khu vực, đảm bảo an toàn hàng hải và ngăn ngừa thảm họa, theo Reuters.
“Tất nhiên là Trung Quốc cũng cần xây cất các thiết bị quốc phòng cần thiết để bảo vệ lãnh thổ,” phát ngôn viên Lục Khảng nói. “Các thiết bị đó không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.”
Trên Đá Chữ Thập hiện đã có một bệnh viện với hơn 50 bác sỹ, các tàu thuyền cơ động cao tốc, và một sân bay với đường băng dài 3.160 mét, nhằm phục vụ cơ sở Bắc Kinh gọi là “trạm dự báo thời tiết” có gắn radar, Reuters dẫn nguồn truyền thông chính thống của Trung Quốc nói.
Tiếp tục đẩy mạnh xây cất
Bản quyền hình ảnh CSIS Image caption Trung Quốc xây cất trên Đá Subi
Hồi tháng trước, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ công bố những hình ảnh vệ tinh mới cho thấy hệ thống radar và các thiết bị khác đã được triển khai tại vùng quần đảo có tranh chấp tại Biển Đông.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á châu (Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI) nói rằng Bắc Kinh vẫn tiếp tục xây cất trên các đảo, bất chấp những phản đối từ Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Trong năm 2017, Trung Quốc đã lắp đặt các cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho các căn cứ không quân và hải quân, như “các hệ thống radar và mạng cảm ứng lớn”, AMTI nói.
Đá Chữ Thập là nơi diễn ra nhiều hoạt động xây cất nhất trong năm ngoái. Các công trình được xây trên 27 acres, tức khoảng 110 ngàn mét vuông, phân tích của AMTI đối với các hình ảnh vệ tinh thu đươc cho thấy.
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam cũng là nước có hoạt động nâng cấp ở Biển Đông.
Hồi tháng 12 năm ngoái, tin cho hay Hà Nội đã lắp đặt một số cơ sở mới ở khu vực Đá Tây thuộc Quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, quy mô xây cất của Việt Nam là rất nhỏ so với hoạt động của Bắc Kinh.