Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóngCuộc đua tàu sân bay mini ở Thái Bình Dương

Cuộc đua tàu sân bay mini ở Thái Bình Dương

Hải quân một số nước trong khu vực đang theo đuổi mô hình cải biến tàu đổ bộ thành hàng không mẫu hạm cỡ nhỏ để triển khai chiến đấu cơ hiện đại.

Đến nay, tàu sân bay vẫn được xem là một trong những khí tài uy lực nhất trên biển, nhất là trong các sứ mệnh biểu dương sức mạnh và phát đi thông điệp răn đe. Tuy nhiên, hiệu quả tác chiến thật sự của những con tàu to lớn, nặng nề cũng đang bị đặt dấu hỏi khi môi trường tác chiến hiện đại đề cao độ linh hoạt và đa nhiệm, đặc biệt là ở các vùng biển tương đối nông và hẹp tại Tây Thái Bình Dương. Vì thế, mẫu tàu sân bay cỡ nhỏ, được cải tiến từ tàu đổ bộ tấn công hoặc tàu khu trục chở trực thăng, đang được nhiều nước đặc biệt quan tâm.

Theo CNN, Mỹ đang triển khai tàu đổ bộ tấn công USS Wasp đến đồn trú tại căn cứ Sasebo (Nhật Bản). Tàu này được đưa vào hoạt động từ thập niên 1980 nhưng vừa trải qua đợt nâng cấp lớn để chiến đấu cơ tàng hình F-35B có thể hoạt động. Với lượng choán nước hơn 40.000 tấn và chiều dài 257 m, USS Wasp lâu nay chở được nhiều loại trực thăng và máy bay vận tải cánh quạt MV-22. Sau khi cải tiến, tàu có thể chở tối đa 20 máy bay F-35B.

Tuy nhiên, hạn chế là do F-35B phải cất cánh trên đường băng ngắn hoặc thẳng đứng nên cần nhiều nhiên liệu và phải giảm lượng vũ khí mang theo.

Dù vậy, theo kế hoạch của hải quân Mỹ, USS Wasp hoàn toàn có thể hoạt động như một tàu sân bay cỡ nhỏ và sẽ đóng vai trò chủ lực trong Nhóm tàu tấn công viễn chinh hỏa lực được tăng cường (ESG). Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift cho biết nhóm tàu này bao gồm tàu USS Wasp là chủ lực, được hộ tống bởi tàu khu trục, tàu ngầm, kết hợp với máy bay tuần tra săn ngầm và hoạt động tương tự mô hình nhóm tác chiến tàu sân bay thông thường. “Với ESG, có thể xem như chúng ta sở hữu thêm nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay đáp ứng nhu cầu của các chỉ huy”, ông Swift nhấn mạnh với trang tin USNI News.

 Bên cạnh đó, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang cân nhắc mua F-35B để triển khai trên các tàu đổ bộ tấn công lớp Dokdo (Hàn Quốc) và tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo (Nhật Bản). Ngoài ra, Singapore và Úc cũng được cho là sẽ sớm gia nhập cuộc đua, theo chuyên san The National Interest. Singapore đang phát triển tàu đổ bộ tấn công mới có thể chở F-35B, còn Úc đang sở hữu 2 tàu đổ bộ tấn công lớp Canberra có thể nhanh chóng cải tiến cho máy bay chiến đấu cất/hạ cánh.

Giới chuyên gia nhận định để cải biến tàu đổ bộ và tàu khu trục thành tàu sân bay mini, các nước cần vượt qua những thách thức kỹ thuật như thiết kế lại sàn tàu để chịu được nhiệt lượng và sức ép lớn của chiến đấu cơ, cải tiến khả năng kiểm soát không lưu…

 Bù lại, khả năng điều động chiến đấu cơ một cách nhanh chóng và linh hoạt sẽ tạo ưu thế lớn tại những vùng đảo tranh chấp ở xa căn cứ hoặc thọc sâu vào vùng phòng không của đối phương. Những “tiểu hàng không mẫu hạm” còn có thể giúp đảm bảo khả năng tấn công đáp trả nếu căn cứ trên bộ bị tên lửa đối phương hủy diệt trong thời điểm đầu của cuộc chiến. The National Interest còn dẫn lời một số chuyên gia nhận định việc các nước bất ngờ tỏ ra quan tâm đến tàu sân bay mini còn nhằm phản ứng trong bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị biên chế tàu sân bay tự đóng đầu tiên cũng như phát triển tàu sân bay mới.

RELATED ARTICLES

Tin mới