Nhật Bản đã rất tức giận khi phát hiện một tàu khu trục của Trung Quốc lượn lờ ở khu vực lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp giữa hai nước ở biển Hoa Đông. Điều đáng chú ý là đây là lần đầu tiên xảy ra chuyện này trong vòng hơn một năm qua.
Nhật Bản hôm nay (11/1) đã bày tỏ sự phản đối chính thức đối với Trung Quốc sau khi phát hiện một tàu khu trục của Trung Quốc lượn lờ ở vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp giữa hai nước ở biển Hoa Đông.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo – ông Cheng Yonghua đến để bày tỏ sự lo ngại và phản đối của Tokyo. Vụ việc xảy ra vào thời điểm hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đang tìm cách hạ nhiệt mối quan hệ căng thẳng song phương gây ra từ cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông và bị làm trầm trọng hơn bởi cuộc khủng hoảng hạt nhân, tên lửa trên bán đảo Triều Tiên.
Thứ trưởng Sugiyama “đã đưa ra tuyên bố phản đối trong đó bày tỏ sự quan ngại sâu sắc cũng như quyết liệt yêu cầu Trung Quốc không gây trở ngại cho tiến trình cải thiện quan hệ Trung-Nhật”, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã nói như vậy trong một tuyên bố.
Hải quân Nhật Bản đã phát hiện tàu khu trục 4.000 tấn thuộc lớp Jiangkai II của Hải quân Trung Quốc lượn lờ ở vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông vào lúc 11h sáng nay theo giờ địa phương.
Trong khi đó, ở thủ đô Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang nói tại cuộc họp báo định kỳ rằng, “các tàu của Hải quân Trung Quốc đã tiến hành giám sát các hoạt động của phía Nhật Bản” và liên tiếp khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản Go Yamaguchi cho biết thêm, ngoài tàu chiến của Trung Quốc, họ còn phát hiện một tàu ngầm không rõ của nước nào ở vùng lãnh hải ngoài khơi quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông.
“Chúng tôi đang giám sát các tàu và phát đi thông điệp cho họ khi họ đi vào vùng lãnh hải gần lãnh thổ Nhật Bản”, ông Yamaguchi cho hay.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6 năm 2016, Nhật Bản và Trung Quốc lại căng thẳng với nhau về một vụ xâm nhập của tàu chiến vào khu vực tranh chấp.
Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều này. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung-Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng.
Cuộc tranh chấp trên đã leo thang nguy hiểm cả trên biển lẫn trên không vào năm 2012 sau khi Tokyo quyết định “quốc hữu hóa” một vài hòn đảo nằm trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Kể từ thời điểm nói trên, lực lượng tàu chiến và máy bay chiến đấu của Nhật Bản và Trung Quốc liên tiếp đối đầu ở vùng tranh chấp. Diễn biến này gây lo ngại về khả năng một tính toán sai lầm hay một hành động rất nhỏ vô tình cũng có thể khiến tình hình leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang đáng sợ.
Ngoài tranh chấp nói trên, Nhật Bản và Trung Quốc còn tranh giành ảnh hưởng trong khu vực nói riêng và trên trường quốc tế nói chung. Tokyo đang tập hợp một liên minh gồm nhiều nước trong khu vực Châu Á để làm đối trọng với một Trung Quốc đang ngày một nổi lên theo hướng gây lo ngại cho các nước xung quanh.
Sau một thời gian leo thang cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai cường quốc Trung-Nhật, hai nền kinh tế hàng đầu Châu Á trong thời gian gần đây đã có những bước đi giúp tháo gỡ dần cuộc khủng hoảng giữa họ và khôi phục dần quan hệ hợp tác song phương.
Vụ xâm nhập mới nhất của tàu chiến Trung Quốc vào khu vực tranh chấp diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ba bên với lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc. Tokyo cũng đang kêu gọi Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn trong việc tháo “ngòi nổ” căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.