Campuchia ngày càng xa rời nguồn viện trợ từ các nước phương Tây, thay vào đó dần chuyển hướng mạnh mẽ sang nguồn viện trợ từ Trung Quốc.
Hậu quả tiêu cực
Ngày 11/1, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Campuchia. Nhân chuyến thăm, Campuchia và Trung Quốc đã ký 19 thỏa thuận hợp tác song phương.
Ngay sau chuyến thăm, tờ Phnom Penh Post đã có bài phân tích bày tỏ hoài nghi về các khoản viện trợ của Trung Quốc.
Bài viết có tựa đề: “Các nhà phân tích cho rằng viện trợ của Trung Quốc vẫn có những hậu quả tiêu cực”.
Theo đó, trong những năm gần đây, Campuchia ngày càng xa rời nguồn viện trợ từ các nước phương Tây, thay vào đó dần chuyển hướng mạnh mẽ sang nguồn viện trợ từ Trung Quốc bởi viện trợ của Bắc Kinh không đi kèm điều kiện.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cắt nguồn viện trợ dành cho Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC) để phản ứng lại việc bắt giữ lãnh đạo đảng đối lập và giải thể đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP), chính đảng đối lập lớn nhất tại Campuchia.
Mỹ cũng đã ra quy định cấm cấp thị thực đối với gia đình và các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Campuchia.
Trong khi đó, Trung Quốc đã ủng hộ cho những “nỗ lực của Campuchia để bảo vệ sự ổn định chính trị” và công khai tuyên bố về việc cung cấp viện trợ cho NEC và Trung tâm Rà phá Bom mìn Campuchia (CMAC).
Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhanh chóng bày tỏ sự vui mừng và cho rằng Trung Quốc sẽ lấp đầy khoảng trống mà Mỹ đã để lại. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng viện trợ của Trung Quốc có thể là con dao hai lưỡi.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đến thăm một nhà máy mía đường do Trung Quốc đầu tư xây dựng tại Preah Vihear |
Theo giới quan sát, cơ chế Hợp tác Mekong-Lan Thương có thể sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ các dự án thủy điện trong khu vực, trong khi từ chối tham gia Ủy hội sông Mekong.
Tiến sỹ Bill Laurance, một nhà sinh thái có uy tín làm việc tại trường Đại học James Cook (Australia), từng viết trong một bài báo hồi tháng 3/2017 rằng “sự phát triển quốc gia tất nhiên là gắn với việc cải thiện cơ sở hạ tầng, và nhiều quốc gia thực sự đang hưởng lợi từ sự đầu tư của Trung Quốc.
Tuy nhiên, đáng tiếc là hiếm có công ty và nhà đầu tư nào của Trung Quốc thực sự đóng góp vào việc phát triển kinh tế, xã hội, công nghệ song hành với bảo vệ môi trường bền vững, cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế ổn định và lâu dài”.
Ông Laurance và một nhóm nhà khoa học đang tiến hành các nghiên cứu tại hơn 20 quốc gia ở Châu Á, châu Mỹ Latinh và Châu Phi, nơi các nhà đầu tư Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại và tác động to lớn cho môi trường khu vực.
Theo ông Laurance, “hầu hết các doanh nhân Trung Quốc chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của họ. Họ sống và làm việc cùng nhau, và đa phần là họ thuê chính nhân viên người Trung Quốc của họ chứ ít khi thuê người dân địa phương”.
Phụ thuộc quá mức
Từ năm 2006 đến năm 2008, đập thủy điện Kamchay là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia. Theo báo cáo của Quỹ Heinrich Boll Stiftung, Viện Quốc tế về Phát triển và Quỹ Động vật Hoang dã, dự án do công ty nhà nước Trung Quốc là Sinohydro điều hành.
Năm 2006, cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cam kết sẽ cấp 600 triệu USD cho Campuchia. Gần một nửa gói tiền này được cho là chi vào đập thủy điện Kamchay và phần còn lại xây dựng cầu đường và các văn phòng chính phủ.
Nhiều tổ chức đã cảnh báo việc phát triển đập thủy điện của Campuchia có thể khiến hàng nghìn người mất nhà cửa và gây ra những thiệt hại nặng nề cho môi trường.
Trung Quốc đầu tư mạnh vào lĩnh vực thủy điện tại Campuchia |
Có ý kiến cho rằng Campuchia đã tạo ra cơ chế thoáng với các công ty lớn trong các lĩnh vực như năng lượng, xây dựng và khai khoáng, ưu tiên các khoản đầu tư của Trung Quốc.
Trong đó, những khoản tiền khổng lồ phần lớn là các dự án lớn như đập thủy điện, nhượng bộ đất đai, kinh tế và khai thác mỏ.
Chuyên gia Brian Eyler, chuyên về quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Đông Nam Á, hiện là Giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Học viện Stimson, cho rằng viện trợ của Trung Quốc gây ra thiệt hại cả về ngắn và dài hạn.
Bên cạnh yếu tố môi trường, giới phân tích cũng nhấn mạnh vào khía cạnh tác động kinh tế từ các khoản đầu tư của Trung Quốc. Ủy ban phát triển Campuchia vừa công bố số liệu mới nhất, tính đến tháng 8/2017, đầu tư của Trung Quốc tại Campuchia đã lên đến 16,2 tỷ USD.
Trong đó, khoản đầu tư cho dự án xây dựng “Đặc khu kinh tế cảng Sihanoukville” ước khoảng 310 triệu USD, thu hút 110 dự án công nghiệp đến từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, tạo ra trên 160.000 cơ hội việc làm.
Campuchia thúc đẩy xây dựng các đặc khu kinh tế và chắc chắn cần rất nhiều vốn đầu tư |
Cùng với tiền vốn của Trung Quốc đổ vào, khắp mọi nơi trên đất nước Campuchia đều có dấu ấn của Trung Quốc.
Công ty Trung Quốc đầu tư khách sạn và nhà hát tại Siem Reap, hàng năm du khách Trung Quốc chiếm 25% trong tổng lượng du khách đến tham quan khu khảo cổ Angkor (Siem Reap).
Tại Thủ đô Phnom Penh của Campuchia, các khu nhà ở cao cấp mọc lên san sát, các doanh nghiệp bất động sản của Campuchia dường như hàng tuần đều đón tiếp các nhà đầu tư Trung Quốc. Khu đất vàng trung tâm Phnom Penh đang xây dựng “Quảng trường Trung Quốc” (Sino Plaza), bao gồm khách sạn cao cấp, khu văn phòng, trung tâm thương mại và rạp chiếu phim đa năng.
Theo giới phân tích, Campuchia đang ngày càng bị phụ thuộc vào Trung Quốc, thậm chí có ý kiến gọi là đang bị “Trung Quốc hóa”.
Trong khi đó, liên quan tới việc Trung Quốc sẽ tài trợ trang thiết bị giúp NEC tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội năm 2018, không ít ý kiến bày tỏ quan ngại rằng hoạt động tài trợ của Trung Quốc làm hủy hoại tính hợp lệ cuộc bầu cử ở Campuchia.