Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐàm luậnASEAN dưới thời Tổng thống Duterte: Những cơ hội bị đánh mất...

ASEAN dưới thời Tổng thống Duterte: Những cơ hội bị đánh mất trong vấn đề Biển Đông

Theo mạng Tổ chức minh bạch hàng hải quốc tế (AMTI) ngày 12/1, Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte đã kết thúc vai trò Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau sự kiện đón tiếp các nhà lãnh đạo toàn cầu tại Manila vào tháng 11/2017. Nhà lãnh đạo Philippines đã khéo léo tận dụng sự kiện này để hợp pháp hóa vị thế quốc tế của ông trong bối cảnh quốc tế đang phản đối kịch liệt hồ sơ nhân quyền của vị tổng thống này. 

Tổng thống Duterte đã chào đón một cách nồng ấm và có các cuộc trao đổi thân mật với nhiều nguyên thủ quốc gia đến từ khu vực Thái Bình Dương cũng như các nhà lãnh đạo của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU). Đại biểu tham dự có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, vốn đều đang tìm kiếm các mối quan hệ chặt chẽ hơn với nhà lãnh đạo Philippines. Đáng chú ý, Hội nghị thượng đỉnh Manila đã được coi là cơ hội để ông Duterte và ông Trump tổ chức một cuộc họp song phương chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này. Hai nhà lãnh đạo đã không những tìm cách khôi phục được phần nào mối quan hệ Mỹ-Philippines vốn đang căng thẳng, chủ yếu là do những khác biệt liên quan đến các mối quan ngại về nhân quyền, mà còn cam kết sẽ mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực cùng quan tâm, đặc biệt là chống khủng bố và chống buôn bán ma túy.

Tuy nhiên, bên thắng lợi lớn nhất trong thời gian ông Duterte giữ chức Chủ tịch ASEAN chắc chắn là Trung Quốc. Bất chấp các hoạt động cải tạo ở quy mô lớn cũng như việc tăng cường quân sự hóa của Trung Quốc đối với các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, Bắc Kinh đã không hề vấp phải bất cứ sự phản đối nào từ phía ASEAN. Có thể nói Trung Quốc đã thuyết phục được rằng tình hình “nhìn chung là ổn định”. Trong một động thái phản ánh rõ ràng sự chấp nhận của ASEAN, các quốc gia ở khu vực này đã nhất trí tập trung thương lượng về Bộ quy tắc ứng xử (COC), vốn đang ngày càng giống như một cái bẫy ngoại giao đối với những quốc gia nhỏ hơn và cũng đang có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Trong thời gian ông Duterte giữ chức Chủ tịch, Trung Quốc cũng đã tìm cách thuyết phục ASEAN ngăn cản bất kỳ sự can thiệp nào của các cường quốc bên ngoài, cụ thể là Mỹ. Trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, ASEAN đã đánh mất một cơ hội lớn để cùng nhau hành động và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nước thành viên cũng như bảo vệ an ninh hàng hải ở châu Á. 

Đúng như dự kiến, ông Duterte và ông Trump đã tìm cách xây dựng mối quan hệ hợp tác và tập trung vào việc duy trì liên minh Mỹ-Philippines mạnh mẽ trong bối cảnh môi trường địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng. Họ đã dành nhiều thời gian để bàn về cuộc khủng hoảng Triều Tiên, vấn đề mà ASEAN đã có một lập trường mạnh mẽ. Trong tuyên bố chung của mình, ASEAN đã bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng” đối với “các hành động khiêu khích và đe doạ” của Triều Tiên. Xét tới các mối quan hệ thương mại và chiến lược mạnh mẽ mang tính lịch sử giữa Bình Nhưỡng và các nước Đông Nam Á, quan điểm của ASEAN luôn có vai trò quyết định trong việc thực hiện hiệu quả các lệnh trừng phạt của quốc tế đối với chế độ Triều Tiên. Philippines đã đình chỉ mọi giao dịch thương mại và tài chính với chế độ khép kín này, trong khi các nước Đông Nam Á khác đang dần hạ cấp quan hệ song phương với Bình Nhưỡng. 

Tuy nhiên, ông Duterte vẫn khuyến khích tiếp tục sự can dự ngoại giao giữa Triều Tiên và khu vực thông qua các cơ chế của ASEAN. Do sự sụp đổ của các cuộc đàm phán 6 bên, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) hiện nay là cơ chế đa phương khu vực duy nhất mà qua đó Bình Nhưỡng trực tiếp giao tiếp với các bên liên quan chủ chốt. Ông Duterte còn kêu gọi Tổng thống Trump không nên đưa ra những lời đe dọa và làm leo thang tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Ông Duterte và ông Trump cũng tập trung vào các lĩnh vực quan tâm chung, đặc biệt là mở rộng hợp tác song phương về chống khủng bố, trong bối cảnh đang tồn tại mối đe doạ khủng bố xuyên quốc gia ở Đông Nam Á. Về phần mình, Washington cam kết tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Manila nhằm vô hiệu hóa những phần tử có liên hệ với tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng ở đảo Mindanao cũng như đẩy nhanh việc tái thiết khu vực Marawi hậu xung đột.

Hai đồng minh này cũng thảo luận về việc mở rộng hợp tác chống ma túy, với Cơ quan phòng chống ma túy (DEA) của Mỹ giúp xây dựng năng lực cho các đối tác Philippines nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu ma túy bất hợp pháp ở quy mô lớn vào nước này, đặc biệt là từ Trung Quốc Đại lục. Nhìn chung, cuộc gặp thân mật của ông Trump với ông Duterte đã ngăn chặn được tình trạng tiếp tục xuống cấp trong mối quan hệ liên minh Philippines-Mỹ, vốn từng bị ảnh hưởng nặng nề do những bất đồng của Chính quyền Barack Obama trước cuộc trấn áp tàn bạo của Tổng thống Philippine đối với nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp. Tuy nhiên, ông Trump đã không thể thay đổi được toan tính của ông Duterte đối với Trung Quốc. Tổng thống Duterte đã làm rõ ngay sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 10/11/2017 rằng ông coi vấn đề Biển Đông “tốt hơn là không nên bị tác động” bởi những bên không có yêu sách chủ quyền ở đó, mà cụ thể là Mỹ và các đồng minh quan trọng khác trong khu vực như Nhật Bản và Australia. Điều cũng khiến các quốc gia trong khu vực khá thất vọng là ông Trump cũng không làm rõ được chính sách của Mỹ ở Biển Đông. Trong một động thái được cho là khá hài hước, nhà lãnh đạo Mỹ đã đề nghị đích thân ông ta làm trung gian hòa giải cho các tranh chấp, như thể ông ta coi các vấn đề phức tạp về chủ quyền quốc gia và an ninh quốc tế như là đàm phán về bất động sản. Đáp lại, các nước ASEAN đã lịch sự tuyên bố sẽ xem xét đề xuất của ông Trump. Điều này cho thấy tuyên bố của Tổng thống Mỹ biểu thị một sự thiếu hụt rõ ràng về chính sách quốc gia đối với một trong những thách thức địa chính trị nan giải nhất trong thời đại này. Ông Trump cũng khiến khu vực này phần nào trở nên xa lánh do vẫn khăng khăng nhấn mạnh vào chương trình nghị sự thương mại “Nước Mỹ trước tiên” theo kiểu chủ nghĩa bảo hộ mới của ông. 

Trung Quốc đã khéo léo tận dụng tình trạng sụt giảm về vai trò lãnh đạo của Mỹ để ve vãn và thuyết phục các nước láng giềng Đông Nam Á. Hậu quả là Washington đã không đưa ra được sáng kiến thương mại nào để thương lượng, trong khi Bắc Kinh thì lại thúc đẩy một loạt sáng kiến thương mại và đầu tư đa phương đầy hấp dẫn. Dựa vào ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của mình, Trung Quốc đã gây áp lực để ASEAN, dưới thời ông Duterte, kiềm chế trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Một trong những “thành tích” được phô trương là cả Trung Quốc và ASEAN đã ca ngợi việc thử nghiệm thành công cái gọi là “Đường dây nóng nhằm quản lý các trường hợp khẩn cấp trên biển ở Biển Đông” giữa bộ ngoại giao các nước cũng như việc hoàn tất Dự thảo khung về Bộ quy tắc ứng xử ASEAN-Trung Quốc (COC). Cuộc họp Nhóm công tác chung về thực hiện DOC dự kiến sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào đầu năm 2018 để biến dự thảo khung này thành văn kiện cuối cùng. Với vai trò là điều phối viên mới về quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Manila sẽ giám sát quá trình đàm phán. 

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là không hề có lịch trình rõ ràng cho việc đàm phán về một COC “thực chất và hiệu quả”. Cũng không hề có dấu hiệu cho thấy COC cuối cùng sẽ trở thành một văn kiện mang tính ràng buộc về pháp lý nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng: Những hành động cưỡng ép cũng như các yêu sách lãnh thổ và lãnh hải mang tính bành trướng của Trung Quốc đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Philippines thậm chí còn không đề cập đến thắng lợi mang tính lịch sử của họ trong vụ kiện tại Tòa Trọng tài liên quan đến vấn đề Biển Đông, vốn được coi là cơ sở pháp lý tham khảo hàng đầu để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Có vẻ như các cuộc đàm phán về COC không chỉ là vỏ bọc ngoại giao thuận lợi cho các hành động đơn phương của Trung Quốc trên thực địa, mà còn là một bước đi khác nhằm hướng tới việc “vứt bỏ” phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện của Philippines vào thùng rác lịch sử ngoại giao. Nếu khu vực này thảo luận càng nhiều về COC, họ sẽ càng ít thảo luận về phán quyết của Tòa trọng tài.

Dưới thời ông Duterte giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, khối này đã đánh mất một cơ hội quan trọng để “lên án hoặc trừng phạt” Trung Quốc. Đáng quan ngại hơn là điều này đã làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết một trong những điểm nóng nan giải và dễ bùng nổ nhất trong thế kỷ 21. Trong khi đó, việc lãnh đạo không nhất quán và sự mơ hồ về chính sách của Chính quyền Trump đã không hề giúp ích cho vấn đề này

RELATED ARTICLES

Tin mới