Vừa qua, 2 loại tên lửa cực mạnh tương lai Việt Nam có thể sở hữu đã “gây bão” tại Triển lãm Hải quân quốc tế IMDS-2015, tổ chức tại St.Petersburg-Nga.
Tại Hội chợ triển lãm Hải quân quốc tế IMDS-2015 diễn ra tại St. Petersburg hồi tuần trước, người xem đã được thấy hình mẫu các tên lửa chống hạm Nga do Tập đoàn “Vũ khí tên lửa chiến thuật” phát triển. Trong đó, có những loại vũ khí có thể được trang bị trong quân đội Việt Nam.
Với những tính năng nổi bật, 2 loại tên lửa chống hạm Nga là Kh-35UE và Kh-31AD được mệnh danh là “con dao găm” đối với các tàu sân bay. Tầm phóng xa và khả năng hành trình linh hoạt đã biến 2 loại tên lửa chống hạm này trở thành những vũ khí có một không hai trên thế giới.
Tên lửa chiến thuật chống hạm Kh-35UE, một phiên bản nâng cấp của Kh-35, được chế tạo vào những năm 1990 để thay thế tên lửa cũ của Liên Xô là P-15 Termit (NATO: SS-N-2 Styx), bắt đầu được biên chế trong lực lượng Hải quân Nga từ năm 2004 và đã được xuất khẩu cho một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Dòng tên lửa chiến thuật Kh-35 là “con dao găm” nguy hiểm đối với các tàu đối phương. Phiên bản cơ sở Kh-35 có tầm phóng chỉ 130km, còn biến thể Kh-35UE có tầm phóng lên đến 260km, tác chiến rất tốt trong điều kiện sóng cao tới 3m.
Tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 của Việt Nam có thể được trang bị tên lửa Kh-35UE |
Nó có thể phóng từ nhiều phương tiện phóng như tổ hợp trên hạm Uran (Kh-35 Uran-E, NATO: SS-N-25 “Switchblade”), từ các máy bay chiến đấu và trực thăng (Kh-35E, NATO gọi là AS-20 “Kayak”) và phóng từ tổ hợp tên lửa bờ đối hạm Bal-E (NATO gọi là SSC-6 “Stooge”).
Tên lửa di chuyển ở độ cao 10-15 mét trên mặt nước, tốc độ gần bằng tốc độ âm thanh 0,8Mach. Tại chặng cuối đường bay, Kh-35 giảm mạnh độ cao xuống 3-5 mét, ở phạm vi này với vận tốc di chuyển tăng mạnh, các phương tiện phòng thủ hầu như không thể kịp đánh chặn Kh-35.
Ở một khoảng cách nhất định cách mục tiêu, tên lửa bật radar tìm kiếm, khóa và theo dõi mục tiêu. Sau đó, hệ thống điều khiến quán tính chuyển tên lửa về khóa mục tiêu và thay đổi độ cao xuống rất thấp.
Sau khi đầu dò ảnh hồng ngoại nắm bắt mục tiêu, tên lửa Kh-35 sẽ lao đầu nổ trọng lượng 150 kg vào mạn tàu hoặc các cấu trúc phía trên của tàu đối phương.
Kh-35UE được giới thiệu tại IMDS-2015 giữ gìn đầy đủ những lợi thế từ sản phẩm cơ sở. Kích thước tổng thể của vũ khí không thay đổi, vì vậy Kh-35UE không đòi hỏi phương tiện phóng mới. Tuy nhiên, nó lại sử dụng động cơ kích thước thu nhỏ, cho phép tăng dung lượng nhiên liệu.
Cận cảnh tên lửa hành trình chống hạm Kh-35UE |
Điều quan trọng nhất, theo Tổng giám đốc Tập đoàn “Vũ khí tên lửa chiến thuật” Boris Obnosov, tên lửa Kh-35UE được tăng cường độ chống nhiễu, trang bị thiết bị điện tử và định vị vệ tinh tiên tiến nhất. Nhờ đó mà đầu dò có thể “nắm bắt” mục tiêu từ cực ly 50 km, xa hơn hai lần so với nguyên bản ban đầu.
Hiện nay, Hải quân Việt Nam đang sử dụng những tên lửa Kh-35E cho các phương tiện tác chiến như tàu cao tốc tên lửa cỡ nhỏ Molniya – Project 1241.8, tàu tên lửa BPS-500 và tàu hộ vệ tên lửa hạng trung Gepard 3.9. Đây là điểm thuận lợi khi các phương tiện này đều có thể sử dụng Kh-35UE.
Ngoài ra, hiện có thông tin cho biết Việt Nam đã ký hợp đồng hợp tác với Nga sản xuất tên lửa Kh-35.
Như vậy, khả năng sở hữu loại tên lửa có khả năng lắp đặt trên máy bay chiến đấu Su-30MK2, hệ thống tên lửa bờ đối hạm Bal-E và các loại tàu chiến trên là điều rất khả thi.