Nhiều ngân hàng ngoại đã thực hiện rút vốn khỏi ngân hàng Việt Nam, nhường chỗ cho nhà đầu tư khác.
Sau hơn chục năm đầu tư vào ACB, Standard Chartered chính thức không còn là cổ đông.
Ngân hàng Standard Chartered chính thức không còn là cổ đông Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sau khi hoàn tất hai giao dịch thoái vốn.
Theo đó, Standard Chartered (Anh) đã bán 89,86 triệu cổ phiếu ACB (tương ứng 8,75% vốn) và Standard Chartered (Hong Kong) bán 64,2 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng 6,25% vốn ACB. Standard Chartered hoàn tất thoái hơn 154 triệu cổ phiếu ACB sau 12 năm đầu tư. Giao dịch hoàn tất từ ngày 9/1.
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, số cổ phiếu trên được Standard Chartered bán cho các nhà đầu tư nước ngoài khác, bao gồm Estes Investments Limited, Sather Gate Investments Limited, Whistler Investments Limited và Boardwalk South Limited.
Đáng chú ý, các cổ đông nhận chuyển nhượng đều nắm giữ một lượng cổ phiếu vừa đủ ở mức dưới 5% và không thuộc diện phải công bố thông tin trở thành cổ đông lớn.
Standard Chartered lần đầu tiên đầu tư vào ACB là năm 2005 khi bỏ ra 22 triệu USD mua 8,56% cổ phần rồi gia tăng sở hữu vào năm 2008.
Việc ngân hàng ngoại này chia tay ACB đã được hai bên hé lộ từ Đại hội cổ đông của ACB vào tháng 4/2017. Cũng từ tháng 11/2017, đại diện phần vốn góp của Standard Chartered là ông Andrew Colin Vallis đã thôi làm thành viên HĐQT ACB.
Trước đó, BNP Paribas cũng vừa thoái toàn bộ 74,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 18,68% vốn của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) sau 10 năm đầu tư.
Thông tin về bên nhận chuyển nhượng hơn 74 triệu cổ phiếu của BNP Paribas chưa được công bố.
Còn Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã mua lại toàn bộ cổ phần mà HSBC nắm giữ.
Việc hàng loạt các ông lớn trong ngành tài chính thế giới muốn rút vốn khỏi ngân hàng Việt sau một thời gian hợp tác được một số ý kiến lý giải chỉ là do sự thay đổi về chiến lược kinh doanh, tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại cho rằng đây là một xu hướng đáng lo ngại.
Từng trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng – TS Nguyễn Trí Hiếu nói rằng, hiện tượng trên cho thấy thị trường tài chính Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro và không mang lại lợi nhuận kỳ vọng cho các nhà đầu tư ngoại.
“Ngược với một số chuyên gia nhận định đây là một trường hợp riêng lẻ, tôi cho rằng đây là một động thái mang tính chất xu hướng. Và việc ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là ngân hàng phương Tây dần dần rút khỏi Việt Nam là một xu hướng đáng lo ngại”, ông Hiếu nói.
“Ngành ngân hàng Việt Nam trước đây từng là một địa chỉ hấp dẫn. Cách đây hơn 20 năm khi tôi mới về Việt Nam, có một làn sóng ngân hàng nước ngoài đổ về Việt Nam hoạt động dưới hình thức các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các văn phòng đại diện, sau đó thì có các ngân hàng 100% vốn nước ngoài được mở. Nhưng khoảng hơn 5 năm trở lại đây đã có hiện tượng ngân hàng nước ngoài dần dần rút vốn đầu tư khỏi các ngân hàng trong nước, nhường lại cổ phần cho nhà đầu tư trong nước hoặc các ngân hàng châu Á từ Hàn quốc, Singapore, Nhật Bản.
Có lẽ các ngân hàng phương Tây đang dần thấy hoạt động kinh doanh ngân hàng Việt Nam có quá nhiều rủi ro và không tạo lợi nhuận trong khi có rất nhiều thị trường béo bở khác thu hút dòng vốn của họ”, vị chuyên gia nhận định.
Theo nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu, một loạt các vấn đề như tỷ lệ nợ xấu lớn, quả trị rủi ro nhiều thiếu sót trong khi quản trị doanh nghiệp còn hạn chế là những nguyên nhân chính làm giảm tính hấp dẫn của các ngân hàng Việt.
“Đối với các ngân hàng ngoại, quy trình quản trị doanh nghiệp như thế nào rất quan trọng. Họ đã quen với việc quản trị theo chuẩn mực quốc tế trong khi ngân hàng Việt lại thường điều hành theo kiểu “gia đình”, được điều hành bởi những cổ đông lớn. Tôi cho rằng, xu hướng này có lẽ sẽ còn tiếp tục trong những năm tới cho tới khi nào vấn đề xử lý nợ xấu có những điều kiện tích cực, quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp được cải thiện”, ông Hiếu nói.