Wednesday, November 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiÔng Tập Cận Bình "cứu TQ khỏi thảm họa" từ các vấn...

Ông Tập Cận Bình “cứu TQ khỏi thảm họa” từ các vấn đề thời Đặng Tiểu Bình như thế nào?

Sau 5 năm nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã làm thay đổi bộ mặt Trung Quốc, khắc phục những tồn tại của các kỳ lãnh đạo trước để lại, tái cấu trúc và đưa Trung Quốc sang quỹ đạo mới.

(Ảnh minh họa: Getty)

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc, tổ chức hồi tháng 10/2017 ở Bắc Kinh, các hãng truyền thông quốc tế chú ý tới chi tiết khi đọc xong báo cáo chính trị trước Đại hội ngày 18/10, khi trở lại vị trí, ông Tập Cận Bình đã nắm tay người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào trao đổi mấy câu, sau đó nói “Cảm ơn Đồng chí!”.

Đài EBC (Đài Loan) cho rằng đây là chi tiết nhỏ nhưng có nhiều ý nghĩa, bởi ông Hồ Cẩm Đào được cho là người ủng hộ ông Tập và tin rằng ông có thể đưa Trung Quốc sang “Quỹ đạo mới”.

Những tồn tại từ thế hệ trước

Nhìn lại lịch sử các thế hệ lãnh đạo ở Trung Quốc, dư luận cho rằng Mao Trạch Đông đã dẫn dắt Trung Quốc khỏi sự chèn ép, xâu xé của các cường quốc, lập nên nước CHND Trung Hoa ngày nay. Nhưng sau đó, các cuộc đấu tranh giai cấp trong thời kỳ lãnh đạo của ông, mà điển hình là 10 năm Đại cách mạng văn hóa (1966-1976), đã làm nền kinh tế nước này tổn hại nặng nề.

Khi Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh đạo, ông này tiến hành cải cách mở cửa nhưng đặt trọng tâm quá mức vào phát triển kinh tế bằng mọi giá, khuyến khích một số người giàu có lên trước để “kéo theo những người khác”.

Cuộc cải cách mở cửa của Đặng giúp Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong ba thập niên và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng để lại nhiều tiêu cực và tồn tại. Nổi bật là: Tăng trưởng nóng làm tài nguyên quốc gia kiệt quệ; Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Số người nghèo xấp xỉ 200 triệu, phân hóa giàu nghèo gia tăng; Phát triển không cân đối, không đồng đều giữa các địa phương, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế không cao, nhất là doanh nghiệp quốc doanh; Quản lý vĩ mô kém dẫn tới khủng hoảng thị trường chứng khoán, thị trường nhà đất; Tình trạng tham nhũng nổi lên.

Về đối ngoại, Đặng Tiểu Bình làm căng thẳng quan hệ với các nước láng giềng.

Hai Tổng bí thư ĐCSTQ được ông Đặng ủng hộ làm “người kế thừa” là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương lần lượt bị hạ bệ.

Sau đó, đến thời kỳ lãnh đạo của ông Giang Trạch Dân, ông tiếp tục đường lối phát triển kinh tế “nóng” do Đặng Tiểu Bình để lại. Tuy nhiên từ thập niên 1990, tình trạng tham nhũng bắt đầu trở nên nghiêm trọng, tạo ra một lượng không nhỏ quan chức thoái hóa, đe dọa uy tín của đảng và nhà nước Trung Quốc.

Tình trạng tham nhũng khi ông Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền năm 2002, cũng những vấn đề tiêu cực, đã diễn biến nghiêm trọng hơn. Trong quân đội, các Phó chủ tịch Quân ủy trung ương là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng lũng đoạn quyền lực, gây ra tình trạng mua quan bán chức suốt một thập kỷ.

Các biện pháp mạnh của ông Tập đã “cứu Trung Quốc”?

Ngày 16/1/2008, phát biểu trong Hội nghị toàn thể lần thứ 2 Ủy ban kiểm tra kỉ luật trung ương (CCDI) Khóa 17 họp tại Bắc Kinh, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào cảnh báo “Phải rung lên hồi chuông dài cảnh tỉnh toàn đảng toàn dân về tình trạng tham nhũng”, “Nạn tham nhũng nghiêm trọng hiện nay có thể làm mất đảng, mất nước”.

Giáo sư Ngô Kính Liễn, nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc đương đại, nói: “Tham nhũng gây ra bất công xã hội. Các tham quan và tình trạng lũng đoạn của các công ty tập đoàn nhà nước là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra nạn tham nhũng dẫn tới hố ngăn cách giàu nghèo.”

Tờ Nhật Báo Kiểm Sát – cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc ngày 23/10/2007 cho biết trong 5 năm từ 2003 tới 2007, Trung Quốc đã ban hành hơn 160 luật, sắc lệnh cấp nhà nước chống tham nhũng. Riêng các Bộ, ban ngành ban hành hơn 40 văn kiện, các tỉnh và địa phương ban hành tới hơn 1000 quy định các loại về chống tham nhũng. Nhưng một sự thực là “có luật không theo, cấm mà vẫn làm”, càng chống tham nhũng càng tăng, càng nghiêm trọng hơn, tham nhũng ngày càng leo lên cấp cao, xâm nhập vào hàng ngũ sĩ quan quân đội, công an và trí thức với số tiền ngày càng lớn. Tham nhũng nghiêm trọng nhất tồn tại trong các ngành thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, xây dựng…

Giáo sư Học viện hành chính quốc gia Trung Quốc Uông Ngọc Khải cho rằng Trung Quốc có 3 “ổ dịch tham nhũng”. Một là, Nhóm lợi ích của giới quyền quý mà đại biểu là tầng lớp quan chức lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cấp cao. Hai là, Nhóm lợi ích của tầng lớp lũng đoạn mà đại biểu là các chủ doanh nghiệp quốc doanh lũng đoạn nhà nước. Ba là, Nhóm lợi ích của tầng lớp tài nguyên môi trường mà đại biểu chủ yếu là chủ doanh nghiệp kinh doanh nhà đất và tài nguyên môi trường. Những nhóm này đã vô hiệu hóa những chính sách đúng của chính phủ.

Ngày 20/2/2014 trong hội nghị nội bộ, ông Tập thừa nhận tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã phải trả giá bằng môi trường sinh thái, đồng thời phải dựa vào “đông đảo quan chức sa ngã” để quản lý đất nước.

Ngày thứ hai của Đại hội 19 (tức 20/10/2017), ông Lưu Sĩ Dư – Chủ tịch, Bí thư đảng ủy Ủy ban quản lý giám sát chứng khoán Trung Quốc (CSRC), Ủy viên Ủy ban chính sách tiền tệ Trung Quốc – nêu đích danh 6 người Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng , Tôn Chính Tài “âm mưu chiếm quyền lãnh đạo trong đảng và giành quyền lực của nhà nước”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tháng 11/2017 trích lời cựu Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn: “Tình trạng làm suy yếu đảng mới chỉ có chuyển biến căn bản, nhưng vẫn còn phức tạp lâu dài, chưa thể thay đổi trong thời gian ngắn. Bất kỳ lúc nào cũng không thể lơi lỏng các biện pháp trừng trị nếu không thì tình hình sẽ lại đảo ngược.”

Cùng với các quyết sách quan trọng khác, cuộc đấu tranh chống tham nhũng thời gian tới của Trung Quốc sẽ tập trung vào thanh lý những “kẻ hai mặt”, “những kẻ cầm súng nấp sau cánh cửa” tìm cách tranh giành quyền lực.

Giám đốc Trung tâm các vấn đề Trung Quốc thuộc Viện Brookings (Mỹ), ông Lý Thành – một người Mỹ gốc Hoa – vào tháng 9/2017 đánh giá, những quyết sách và cải cách trên các lĩnh vực, nhất là cuộc đấu tranh chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình 5 năm qua cho dù gặp phải thách thức to lớn và mới giành được thắng lợi quyết định bước đầu, nhưng ông đã thực sự “cứu Trung Quốc khỏi thảm họa”.

Bài “Chủ tịch Tập Cận Bình đang cấu trúc lại Trung Quốc” đăng trên trang Đa Chiều ngày 19/10/2017, đánh giá: “Trong 30 năm qua, các thế hệ lãnh đạo trước đây đã để lại quá nhiều vấn nạn mà ông Tập Cận Bình cần phải thanh lý”.

Theo tờ này, công cuộc giải quyết các tồn tại do những chính sách cũ để lại đòi hỏi thời gian từ 20 – 30 năm, thậm chí còn lâu hơn nữa.

“Giấc mộng Trung Quốc” do ông Tập khởi xướng vào đầu nhiệm kỳ cũng đang trở thành mục tiêu chung của người dân Trung Quốc là đưa nước này trở thành một cường quốc kinh tế-xã hội-quân sự-văn hóa.

Quá trình thực hiện “giấc mộng” của ông Tập vẫn vấp phải nhiều thế lực chống đối và ngăn cản, nhưng Trung Quốc thực sự đang trải qua cuộc biến đổi chưa từng có từ trước tới nay.

Trong bối cảnh như vậy, tên tuổi Tập Cận Bình được ghi vào Điều lệ ĐCSTQ, vào Hiến pháp, và ngang hàng với Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình là điều tất yếu.

RELATED ARTICLES

Tin mới