Trung Quốc đối mặt mức độ rủi ro tài chính tồi tệ hơn cả Mỹ hồi khủng hoảng toàn cầu 2008, là đánh giá của cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vỹ. Ông cũng mô tả hệ thống tài chính của Trung Quốc quá rối rắm.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Lâu Kế Vỹ – Ảnh: Simon Song
Theo ông Lâu – Chủ tịch Ban quản lý quỹ an sinh xã hội quốc gia Trung Quốc, hệ thống tài chính Trung Quốc đã bị “bóp méo nghiêm trọng”, do đó khả năng nước này tạo ra các rủi ro mang tính hệ thống là khá lớn. Ông cho biết chi phí tài chính cao bất chấp môi trường tiền tệ lỏng lẻo chính là minh chứng cụ thể cho sự méo mó này.
Cụ thể, theo ông, tỷ lệ cung ứng tiền tệ M2 trong tổng sản phẩm quốc nội đã vượt quá 200%, gấp hai lần so với Mỹ, trong khi mức lãi suất liên ngân hàng Thượng Hải trung bình là 4,09%, cao hơn nhiều mức trung bình 1,1% ở Mỹ.
Ông Lâu cũng đánh giá tỷ lệ tăng trưởng thấp trong những năm gần đây cho thấy ảnh hưởng của chính sách mở rộng quy mô cung ứng tiền tệ với phát triển kinh tế đang yếu đi. Không những vậy, số nợ khổng lồ của các địa phương cũng khiến chính phủ Bắc Kinh khó mà đưa ra các gói kích thích tài chính hoặc tiền tệ trong tương lai.
Ông Lâu Kế Vỹ năm nay 68 tuổi, là người góp phần định hình cải cách kinh tế Trung Quốc bắt đầu vào những năm 1980, giữ chức Bộ trưởng Tài chính giai đoạn 2013 – 2016. Sau khi rời khỏi vị trí hoạch định chính sách, ông thường đưa ra những nhận xét về kinh tế Trung Quốc và được xem là một nhà cải cách.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác định giải quyết rủi ro tài chính là một trong ba ưu tiên của nước này trong 3 năm tới. Để hiện thực hóa chủ trương này, Ủy ban Quản lý và Giám sát ngân hàng Trung Quốc (CBRC) ngay từ đầu năm 2018 đã tiến hành xử phạt hàng chục tổ chức tài chính với số tiền phạt thu được lên đến 2 tỉ Nhân dân tệ (315,7 triệu USD).
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng cho thắt chặt hơn nữa các quy định tài chính, đưa hoạt động ngân hàng ngầm, tài trợ các dự án bất động sản và giao dịch điện tử vào khuôn khổ giám sát vĩ mô.