Wednesday, November 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChính sách hạt nhân của Mỹ liệu có dẫn tới chạy đua...

Chính sách hạt nhân của Mỹ liệu có dẫn tới chạy đua vũ khí hạt nhân?

Chính sách hạt nhân mới vừa được Mỹ công bố ngày 3/2 đã vấp phải những phản ứng trái chiều.

Trong bối cảnh hồ sơ hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên chưa được giải quyết hay những tranh cãi về bản chất chương trình hạt nhân Iran vẫn chưa ngã ngũ, giới phân tích lo ngại, những công bố mới của Mỹ có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, gây ảnh hưởng tới nỗ lực toàn cầu cấm phổ biến loại vũ khí nguy hiểm này.

Chính phủ Nga hôm qua đã lên án bản chất “hiếu chiến” và “chống Nga” trong chính sách hạt nhân mới của Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ có những biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: Nga thất vọng sâu sắc với nội dung trong “Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018” được bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 2/2.

“Bản chất hiếu chiến và chống Nga” trong tài liệu này là rất rõ ràng. Tuy nhiên, mặt khác, Bộ Ngoại Nga khẳng định, dù trong bất kỳ trường hợp nào, nước này đều sẵn sàng hợp tác với Mỹ nhằm thúc đẩy một mối quan hệ ổn định, cũng như duy trì sự ổn định chiến lược.

Trong khi đó, Nhật Bản – một đồng minh của Mỹ cũng đang lo ngại trước tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, lại đánh giá cao “Báo cáo Đánh giá tình hình hạt nhân 2018” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, chính sách mới đã thể hiện rõ quyết tâm của Mỹ nhằm đảm bảo tính hiệu quả của năng lực phòng thủ, cũng như hỗ trợ các đồng minh phòng thủ, trong đó có Nhật Bản.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Ngoại giao Nhật Bản cũng nhấn mạnh, nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy việc giải trừ vũ khí hạt nhân một cách thực tiễn và rõ ràng cùng với Mỹ, quốc gia giữ vai trò dẫn đầu trong việc xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

“Báo cáo đánh giá hình hình hạt nhân 2018” đã vạch ra những thạm vọng của Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, hướng đến mở rộng và phát triển năng lực hạt nhân. Tài liệu nhận định nước Mỹ đang đối mặt với một môi trường đe dọa hạt nhân lớn chưa từng có, trong bối cảnh các đối thủ tiềm tàng của Mỹ đạt được những tiến bộ trong việc phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân cũng như các hệ thống phóng đầu đạn hạt nhân.

Chiến lược hạt nhân mới của Mỹ sẽ nhằm vào Nga và Trung Quốc? VOV.VN – Báo cáo tình hình hạt nhân mới của Mỹ được cho là sẽ nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.

Nhấn mạnh mối quan ngại của chính quyền Mỹ đối với Triều Tiên, Iran, Trung Quốc và Nga, bản báo cáo dù tái khẳng định cam kết đối với các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân, song vẫn kêu gọi hiện đại hóa, đa dạng hóa vũ khí hạt nhân nhằm tăng khả năng răn đe.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Patrickh M. Shanahan nói: “Đánh giá này phù hợp với các chính sách hạt nhân của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Lạnh, khẳng định mục tiêu cơ bản của chính sách hạt nhân Mỹ là ngăn chặn và tiếp tục cam kết rõ ràng đối với việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí”.

“Tuy nhiên môi trường an ninh đầy thử thách đòi hỏi chúng ta phải tăng cường chính sách ngăn chặn. Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 này đã đáp ứng được nhu cầu an ninh hiện nay thông qua một chiến lược ngăn chặn hạt nhân phù hợp và sự linh hoạt để ngăn chặn một cách hiệu quả”, ông Shanahan cho biết thêm.

Tài liệu đề xuất phát triển các loại vũ khí hạt nhân theo hướng nhỏ gọn hơn với sức nổ dưới 20 kiloton. Báo cáo lập luận rằng, Mỹ sẽ không bao giờ sử dụng các loại bom hạt nhân có sức công phá lớn mà hướng đến phát triển các loại vũ khí hạt nhân nhỏ gọn như một lựa chọn để đối phó với các tình huống khẩn cấp, bao gồm các cuộc tấn công phi hạt nhân.

Sau khi một phần nội dung của tài liệu được báo chí Mỹ tiết lộ, không chỉ Nga, mà giới chuyên gia cũng đã bày tỏ lo ngại kế hoạch trang bị những vũ khí hạt nhân mới cho nước Mỹ có thể làm gia tăng nguy cơ một cuộc đua vũ khí hạt nhân.

Trước những chỉ trích này, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 3/2 khẳng định, Mỹ không hề có ý định là nước tấn công đầu tiên. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cho rằng, đây là một sự răn đe mạnh mẽ hơn nữa trước các cuộc tấn công chiến lược nhằm vào Mỹ, cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, quân đội Mỹ công bố một bản đánh giá về tình hình hạt nhân cũng như các mối đe dọa hạt nhân trong tương lai. Tài liệu này cũng đánh dấu việc chính quyền Tổng thống Donald Trump từ bỏ một số nội dung trong tầm nhìn về tương lai hạt nhân của Mỹ dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, người từng kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân trong một phát biểu nổi tiếng hồi năm 2009. Trước đó, trong thông điệp liên bang, Tổng thống Donald Trump cũng đã đề xuất hiện đại hóa và tái xây dựng kho vũ khí hạt nhân nhằm gia tăng sức mạnh răn đe trước mọi hành động gây hấn.

Tuy nhiên, lời biện bạch này của chính quyền Tổng thống Donald Trump xem ra không mấy thuyết phục. Bởi việc phát triển cũng như sử dụng vũ khí hạt nhân hạng nhẹ như Mỹ nói, hay còn được gọi là bom “chiến thuật”, vẫn có sức công phá lớn với mức độ hủy diệt tương đương hai quả bom từng được thả xuống Hiroshima và Nagasaki hồi cuối Chiến tranh thế giới thứ 2. Và vì thế, những nước đối đầu trực tiếp với Mỹ như Triều Tiên hay Iran chắc chắn cũng sẽ không ngồi yên.

RELATED ARTICLES

Tin mới