Australia muốn Anh tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu Brexit thành công.
Trang Independent hôm 19/2 cho biết trong một chuyến thăm Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop nói: “Chúng tôi dĩ nhiên là hoan nghênh việc một nền kinh tế như Anh muốn tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)”.
Bên cạnh đó, bà Bishop cho biết Úc còn có thể ký một hiệp ước thương mại song phương với Anh với điều kiện chính phủ phải tiếp tục kế hoạch rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Ngoại trưởng Úc nói bà hy vọng Úc có thể thỏa thuận hiệp ước thương mại riêng với Anh nhưng cảnh báo rằng điều này có thể bị hủy bỏ nếu Anh tiếp tục nằm trong EU.
Nếu việc đàm phán diễn ra thành công thì Anh là nước đầu tiên tham gia TPP mà không có biên giới với Thái Bình Dương hay biển Đông.
Ông Greg Hands, Bộ trưởng Thương mại Anh, cho biết khoảng cách địa lý không phải là rào cản gia nhập TPP bởi lẽ đây là các mối quan hệ đối tác trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực.
Ngay trong Chính phủ Anh cũng có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này. Đảng Lao động cho rằng Chính phủ nên tập trung vào những hiệp định thương mại trong tương lai của Anh với EU, thay vì TPP. Ông Tim Farron, một cựu lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do, nói: “Chính phủ muốn chúng ta rời bỏ một thị trường rất gần để tham gia một thị trường khác, bé nhỏ hơn ở tận phía bên kia của thế giới”.
Thực tế, tham gia Hiệp định TPP sẽ thuận lợi hơn so với việc đàm phán với từng nước thành viên trong TPP, nhưng Bộ thương mại của Anh vẫn có thể sẽ theo đuổi các hiệp định song phương.
Sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP, 11 nước còn lại tiến tới xây dựng một TPP mới gọi là Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), dự kiến ký kết thoả thuận vào tháng 3 tới.
Bộ trưởng thương mại, du lịch và đầu tư Úc Steven Ciobo cho biết Úc sẵn sàng cho TPP đi vào hiệu lực ngay cả khi không có Mỹ.
Ông Ciobo cho rằng: “Quan điểm của Úc về TPP-11 là rất tích cực, và các nước khác cũng có cùng quan điểm. Nước Nhật cũng đang để ngỏ cửa cho TPP-11.”
TPP-11 sẽ là “tiêu chuẩn chung cho 11 nước” và đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo ông Ciobo. Ông nhấn mạnh rằng một thỏa thuận như thế sẽ làm giảm các rào cản, thúc đẩy thương mại và đầu tư, dẫn đến tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm. Và đây cũng là một bước đi nhằm thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Ciobo khẳng định, Úc muốn tìm một thỏa thuận “tham vọng và chất lượng”.