Washington nhìn thấy nguy cơ Trung Quốc gây rắc rối từ lâu, nhưng phản ứng chậm chạp càng làm cho lợi thế Trung Quốc tranh vị thế với Hoa Kỳ tăng nhanh hơn.
Hal Brands, một trợ lý giáo sư tại Trường Chính sách công Sanford Đại học Duke ngày 19/2 có bài phân tích trên The National Interest đặt câu hỏi, (thế kỷ 21) có phải là thế kỷ của Trung Quốc?
Ông cho rằng không ai có thể nói Mỹ không nhìn thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thậm chí trước đó, rõ ràng Trung Quốc đã là một nước lớn trỗi dậy nhanh chóng và có thể đe dọa vị trí cũng như ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á, và có lẽ cả trên phạm vi toàn cầu.
Kể từ cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1995-1996 đã có những dấu hiệu tích lũy cho thấy, Bắc Kinh không phải chỉ củng cố vị thế, mà còn quyết tâm thay đổi diện mạo địa chính trị Đông Á.
Những lời cảnh báo
Ngay từ năm 1975, Henry Kissinger đã tiên đoán, nếu Trung Quốc tiếp tục phát triển theo cách của họ, quốc gia này có thể trở nên khá đáng sợ.
Những năm 1980, các nhà phân tích của Lầu Năm Góc đã lo ngại về khả năng xung đột giữa Trung Quốc với các đồng minh, đối tác của Hoa Kỳ và thậm chí chính nước Mỹ, là không thể loại trừ.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính quyền Tổng thống George HW Bush cho rằng Washington có thể phải kiềm chế hoặc cân bằng Bắc Kinh.
Giai đoạn 1997-1998 CIA đã công khai báo cáo nhận định, Trung Quốc quyết tâm khẳng định mình như một cường quốc Đông Á, thậm chí là cường quốc toàn cầu vào giữa thế kỷ 21.
Đến đầu những năm 2000, Andrew Marshall người đứng đầu một cơ quan tham mưu đánh giá chiến lược của Lầu Năm Góc đã lập luận, Mỹ phải chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc về ảnh hưởng, vị trí trên lục địa Á – Âu cũng như Thái BÌnh Dương.
Tất cả những cảnh báo này cùng với dự đoán của các trí thức nổi tiếng như Robert Kagan, Aaron Friedberg và John Mearsheimer từ những năm 1990 đều cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn gây rắc rối.
Ngày nay, những lời cảnh báo trên ngày càng được chứng minh, từ chủ nghĩa bành trướng hàng hải, đảo hóa, quân sự hóa bất hợp pháp ở Biển Đông đến nỗ lực “cưỡng bức và đe dọa” các nước láng giềng từ Ấn Độ đến Nhật Bản;
Từ các dự án về kinh tế địa chính trị đầy tham vọng đã hút các quốc gia lân cận lún sâu hơn vào quỹ đạo của họ cho đến sự tích tục quân sự đa quốc gia được che đậy bởi vẻ ngoài “trong sáng” nhưng “lừa đảo”;
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy Bắc Kinh tìm cách chiếm ưu thế ngoại vi, Hal Brands bình luận.
Tháng 10/2017 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng, Bắc Kinh đã bước vào một “kỷ nguyên mới” và bây giờ có thể tiến lên “sân khấu trung tâm thế giới”.
Mối đe dọa từ Trung Quốc đã diễn tiến từ viễn cảnh xa xôi đến một thực tế cấp bách, nó đang đến rất gần.
Phản ứng đủng đỉnh của Washington
Trong nhiều năm các chiến lược gia Hoa Kỳ đã biết xu thế này đang đến, nhưng Washington luôn phản ứng chậm chạp.
Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc càng trở nên thuận lợi trước phản ứng đủng đỉnh, thờ ơ của Mỹ.
Hiểu được điều này mới thấy tầm quan trọng của việc đối phó với những thách thức đó trong những năm tới.
Sau Chiến tranh Lạnh, Washington vẫn duy trì một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Đông Á với một phần lý do là để kiểm soát một Trung Quốc có khả năng gây hấn.
Kể từ đó Hoa Kỳ đã từng bước hiện đại hóa các liên minh song phương, phát triển quan hệ hợp tác sâu hơn với các đồng minh và đối tác như Singapore và Việt Nam, xây dựng và nâng cao khả năng quân sự mới và tiên tiến cho khu vực, thiết kế các khái niệm sáng tạo.
Từ “chương trình chuyển đổi” của Bush tới Trận chiến không – biển và Chiến lược Offset lần 3, chưa bao giờ mối đe dọa của Trung Quốc chưa bao giờ xa rời các nhà lập kế hoạch của Lầu Năm Góc.
Nhà nghiên cứu Hal Brands, ảnh: Trung tâm Henrry A. Kissinger nghiên cứu các vấn đề toàn cầu. |
Trên thực tế, từ giữa những năm 2000 Lầu Năm Góc đã chuyển một phần lớn lực lượng không quân – hải quân sang châu Á – Thái Bình Dương như một phần của sự “tái cân bằng yên tĩnh” dưới thời George W. Bush và một phiên bản phô trương hơn dưới thời Barack Obama.
Trong khi đó Hoa Kỳ đã tìm cách ngăn chặn Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng bằng cách điều 2 cụm tàu sân bay tấn công để ngăn chặn những hành động có thể từ Trung Quốc đối với Đài Loan vào năm 1996;
Mỹ cũng đã tăng cường hoạt động và sức mạnh ngoại giao trong khu vực trước những động thái leo thang của Bắc Kinh trên Biển Đông và những nơi khác.
Tuy nhiên, thực tế rõ ràng là những nỗ lực này của Washington đã không theo kịp các thách thức mà Bắc Kinh tạo ra. Cán cân quân sự trong khu vực đã chuyển hướng mạnh mẽ về phía Trung Quốc.