Theo thỏa thuận dài 20 năm ký kết với Seychelles vào cuối tháng 1/2018, Ấn Độ sẽ thi công một căn cứ hải quân ở đảo quốc này, đánh dấu cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung – Ấn đã bước vào giai đoạn mới.
Ấn Độ đang coi trọng hợp tác với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia để đối phó Trung Quốc . Ảnh: India Today.
Gần đây, Seychelles, một nước nhỏ ở Ấn Độ Dương đã kế tiếp Maldives, trở thành trung tâm chú ý mới nhất trong tranh giành vai trò ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Căn nguyên là vào cuối tháng 1/2018, Ấn Độ và Seychelles đã ký kết một thỏa thuận với thời hạn 20 năm, theo đó Ấn Độ sẽ thi công một căn cứ hải quân ở quốc đảo này.
Theo hãng tin Reuters Anh, thỏa thuận này sẽ làm tốt chuẩn bị cho Ấn độ xây dựng đường băng máy bay và bến cảng tại đảo Assumption.
Chuyên gia Ấn Độ cho rằng cùng với những “dấu chân” của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương không ngừng tăng lên, biên giới địa – chính trị của Ấn Độ cũng đang không ngừng mở rộng.
Về truyền thống, Trung Quốc và Ấn Độ là đối thủ cạnh tranh. Trong khi đó, cùng với sự trỗi dậy của kinh tế hai nước, hai nước đương nhiên cũng đang không ngừng cạnh tranh vai trò ảnh hưởng và vị thế “anh cả” (lãnh đạo) ở khu vực châu Á.
Giáo sư T.V. Paul, chuyên gia quan hệ quốc tế, Đại học McGill, Canada cho rằng cùng với vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc mở rộng, những năm gần đây, Trung Quốc từng bước coi trọng Ấn Độ Dương, làm cho nó trở thành một khu vực chiến lược tranh chấp khác giữa hai nước Trung Quốc và Ấn Độ.
Đồng thời, theo giáo sư T.V. Paul, Ấn Độ cũng không cam chịu yếu thế. Ấn Độ đang tìm cách củng cố vị thế tại khu vực Ấn Độ Dương, đồng thời cũng đang tìm cách mở rộng vai trò ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
Giáo sư T.V. Paul cho rằng Ấn Độ xây dựng căn cứ hải quân ở Seychelles sẽ giúp cho Ấn Độ chiếm vị thế chiến lược có lợi. Seychelles cách bờ biển châu Phi khoảng 2.000 km, hành động này của Ấn Độ cho thấy cạnh tranh giữa hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đã bước vào giai đoạn mới.
Khu vực Ấn Độ Dương có tầm quan trọng đối với cả Trung Quốc và Ấn Độ, bởi vì: Trước hết, Ấn Độ Dương là đầu mối giao thông quan trọng trên biển.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), năm 2016, mỗi ngày có tới 40 triệu thùng dầu được vận chuyển trên tuyến đường hàng hải ở Ấn Độ Dương, chiếm gần một nửa lượng nhu cầu dầu thô mỗi ngày trên toàn cầu.
Ngoài ra, các tuyến đường thương mại của châu Á, châu Phi, Australia, Trung Đông, châu Đại Dương và châu Âu đều phải đi qua nơi đây.
Ấn Độ có đường bờ biển dài 7.500 km, 95% thương mại và 70% kim ngạch kinh tế thương mại của Ấn Độ đều phải đi qua Ấn Độ Dương.
Năm 2013, Trung Quốc đưa ra đề xuất xây dựng “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa”, có kế hoạch xây dựng một hành lang ở Pakistan, mục đích là rút ngắn rất lớn tuyến đường hàng hải trên Ấn Độ Dương.
Giáo sư T.V. Paul cho rằng kế hoạch này sẽ có thể giúp cho Bắc Kinh trực tiếp kết nối khu vực vịnh Péc-xích với Trung Đông, tiếp theo gia tăng tầm ảnh hưởng tại châu Phi, Nam Á và Trung Á.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã ký thỏa thuận thuê cảng Hambantota của Sri Lanka với thời hạn 99 năm, cảng này cách eo biển Malacca chỉ 20 km. Cảng Hambantota là khu hứng chịu thảm họa từ vụ sóng thần xảy ra vào năm 2004. Ban đầu Sri Lanka từng giao dự án cảng Hambantota cho Ấn Độ, nhưng đã bị Ấn Độ từ chối với lý do “không khả thi”.
Nhưng với tầm nhìn chiến lược, người Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội, đã đầu tư rất lớn để xây dựng cảng biển này, điều này đã gây lo ngại cho người Ấn Độ.
Vì vậy, Ấn Độ đã tích cực thúc đẩy quan hệ với các “đồng minh”, chẳng hạn hợp tác với các nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản để đối phó tham vọng Trung Quốc.
Mặt khác, Ấn Độ gia tăng đề phòng trên “sân sau” của mình. Chính trong bối cảnh này, Ấn Độ và Seychelles đã ký kết thỏa thuận xây dựng căn cứ hải quân. Rất rõ ràng, Ấn Độ làm như vậy là để ngăn chặn quyền kiểm soát ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Trung Quốc và Seychelles thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1976. Từ năm 1977, Trung Quốc bắt đầu cung cấp các loại chương trình viện trợ cho Seychelles, bao gồm viện trợ xây dựng tòa nhà tư pháp, tòa nhà quốc hội, thi công bể bơi, bệnh viện, trường học và nhà trẻ.
Tháng 5/2013, Trung Quốc và Seychelles đã ký kết thỏa thuận miễn visa cho nhau. Năm 2016, du khách Trung Quốc đi du lịch ở Seychelles lên tới 14.549 lượt người, Trung Quốc đã trở thành nguồn khách du lịch lớn thứ 6 của Seychelles.
Năm 2016, đường bay thẳng giữa Bắc Kinh và thủ đô Victoria của Seychelles chính thức khai thông.
Seychelles và Maldives, hai nước nhỏ vốn ít gây chú ý ở Ấn Độ Dương này đang trở thành một địa bàn mới tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Ấn Độ.