Việc sửa Hiến pháp, bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ mở đường cho cả ông Tập Cận Bình, ông Vương Kỳ Sơn duy trì quyền lực trên cương vị lãnh đạo nhà nước.
Ngày 25/2 Tân Hoa Xã công bố kiến nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc sửa đổi bổ sung một số điều trong Hiến pháp Trung Quốc.
Theo đó, trong kỳ họp Quốc hội sắp khai mạc tới đây, Hiến pháp Trung Quốc sẽ được bổ sung các nội dung về:
“Quan điểm phát triển khoa học”, “tư tưởng Tập Cận Bình về thời đại mới của chủ nghĩa xã hội đặc thù Trung Quốc”, thành lập Ủy ban Thanh tra giám sát nhà nước.
Đặc biệt nội dung sửa đổi gây chú ý nhất là Điều 13 Hiến pháp Trung Quốc được sửa đổi, bỏ quy định giới hạn “tối đa 2 nhiệm kỳ” đối với chức Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước như hiện nay.
Hội nghị Trung ương 3 khóa 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc họp tại Bắc Kinh ngày 26/2 đã thông qua phương án “đẩy mạnh cải cách cơ cấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhà nước Trung Quốc”.
Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc không giới hạn số nhiệm kỳ của Tổng bí thư. South China Morning Post ngày 26/2 dẫn lời một nhà quan sát nhận định:
Việc loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước cho thấy ông Tập Cận Bình muốn biến vai trò nghi lễ của Chủ tịch nước trở nên có quyền lực lớn hơn.
Mặc dù hầu hết các chuyên gia từ Trung Quốc tin rằng ông Tập Cận Bình sẽ tìm cách duy trì quyền lực, nhưng điều làm họ ngạc nhiên là việc sửa đổi Hiến pháp đã diễn ra sớm, ngay trong nhiệm kỳ thứ 2.
Về mặt lý thuyết, ông Tập Cận Bình không cần phải dựa vào ghế Chủ tịch nước bởi quyền lực thực sự thuộc về Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy trung ương.
Ông Đặng Duật Văn, một cựu biên tập viên của Tạp chí Học tập được South China Morning Post dẫn lời cho biết:
Trong 5 năm tới, vị trí Chủ tịch nước có thể được trao quyền lực lớn hơn, và có thể sẽ có những thay đổi lớn hơn về Hiến pháp trong tương lai.
Sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc lần này cũng sẽ tăng thực quyền cho Phó chủ tịch nước, vị trí rất có thể sẽ do ông Vương Kỳ Sơn đảm nhiệm từ kỳ họp Quốc hội tới đây.
Lúc đó ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn sẽ có cơ sở pháp lý vững chắc hơn để thực hiện quyền lực.
Ông Trương Lập Phàm, một nhà bình luận từ Bắc Kinh nói với South China Morning Post, ông Tập Cận Bình có thể sẽ vẫn giữ một vai trò quyết định ngay cả đến lúc Trung Quốc kỷ niệm 100 lập nước vào 2049, khi đã 96 tuổi