Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngThách thức từ hệ thống Ra-đa của Trung Quốc ở Trường Sa

Thách thức từ hệ thống Ra-đa của Trung Quốc ở Trường Sa

Các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy Trung Quốc đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, gồm mạng lưới ra-đa để kiểm soát Biển Đông.

 

 Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc có thể đã triển khai radar tần số cao ở đá Châu Viên, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS

Ra-đa Trung Quốc trên Trường Sa

Để tăng cường yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông, Trung Quốc ráo riết mở rộng các cấu trúc tự nhiên nằm dưới mực nước biển khi thủy triều lên ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo kiên cố. Bên cạnh tác hại nghiêm trọng về môi trường và hệ sinh thái biển ở Trường Sa và vùng biển lân cận, cộng đồng quốc tế lo ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở đây.

Từ năm 2013-2015, Trung Quốc đã ồ ạt cải tạo được 11,7 km2 trên các cấu trúc này, gấp 17 lần diện tích cải tạo của bốn nước có yêu sách ở Trường Sa cộng lại trong 40 năm, và đến cuối năm 2016 Trung Quốc cải tạo tới 12,9 km2. Hiện tại, Trung Quốc đã dừng việc hút cát bồi đắp các cấu trúc, song công tác xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo vẫn được tiến hành. Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố không quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa, song thực tế cho thấy Trung Quốc vẫn lặng lẽ xây dựng và bố trí các cơ ở quân sự trên các cấu trúc này, gồm các hạng mục tiêu biểu như các đường băng dài 3 km, các cầu cảng, bến tàu cho tàu quân sự ra vào, ụ súng, bệ phóng tên lửa, v.v. trong đó, rất khó phát hiện ra các trạm ra-đa Trung Quốc bố trí trên các đảo nhân tạo này.

Theo tờ báo Daily Inquirer của Philippines, Trung Quốc có thể đã xây dựng khoảng 40 cơ sở ra-đa các loại trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, như các nhà vòm, ăng-ten tần số cao để tăng cường khả năng chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, thông tin tình báo, giám sát, xác định mục tiêu và trinh sát (C4ISTAR).

Chữ Thập có 7 mái vòm chứa ra-đa trên đỉnh các tháp quan sát, 1 khu vòm ra-đa rộng và nhiều kích cỡ khác nhau trên mặt đất, 1 cơ sở ra-đa tần số cao.

Vành Khăn có 7 mái vòm trên đỉnh các tháp quan sát (trong đó 1 vòm cỡ lớn nhưng thấp, 2 vòm cỡ nhỏ, và 1 vòm cỡ lớn và cao), 1 vòm trên mặt đất.

Xu Bi nhiều nhất với 12 mái vòm trên đỉnh các tháp quan sát và 2 ra-đa có thể trực tiếp nhìn thấy.

Ga Ven và Tư Nghĩa mỗi nơi có 2 mái vòm và 1 tháp quan sát. Gạc Ma có 2 mái vòm trên đỉnh các tháp quan sát và 2 vòm độc lập dưới mặt đất.

Đáng chú ý, Châu Viên phô bày lượng ăng-ten rộng nhất có thể nhìn thấy so với các đảo nhân tạo khác, tuy chỉ có 2 mái vòm, 1 ăng-ten tần số cao, 1 tháp quan sát lớn và 1 tháp quan sát nhỏ đều có mái vòm.

Mục tiêu

Về tổng thể, các trạm ra-đa này giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh trên biển, nâng cao nănglực điều khiển, chỉ huy, kiểm soát từ xa, thông tin liên lạc, kết nối và liên thông các hệ thống vũ khí của Trung Quốc từ đất liền, trên không, trên biển, tàu ngầm và trên đảo nhân tạo.

Cụ thể, các ra-đa của Trung Quốc ở Trường Sa giúp tăng cường khả năng kết nối giữa các cơ sở trên đảo nhân tạo với Quân khu miền Nam và Trung tâm tác chiến của Quân ủy Trung ương Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.Các ra-đa này cũng kết nối với hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự, kiểm soát và chỉ huy các tàu chiến, tàu hải cảnh và dân quân biển; tăng cường sức mạnh răn đe cho năng lực hạt nhân của Trung Quốc khi kết nối với các hạm đội tàu ngầm hạt nhân lớp Jin của Trung Quốc.Đồng thời, các ra-đa tăng cường khả năng cảnh báo sớm và định vị tàu ngầm của các nước khác đi qua Biển Đông thông qua mạng ăn ten tần số cao trên các đảo nhân tạo Chữ Thập, Châu Viên.

Đặc biệt, các ra-đa này có thể kết nối với Quân chủng tên lửa chiến lược của Trung Quốc, nâng cao khả năng dẫn đường cho các tên lửa đạn đạo chống hạm tầm trung như Đông Phong 21 (DF-21D) tầm bắn hơn 1.500 km (được cho là sát thủ hàng không mẫu hạm) và Đông Phong 26 (DF-26) tầm bắn 3.000-4.000 km (có khả năng mang đầu đạn hạt nhân), theo đó tạo ra khu vực nhận dạng phòng không trên thực tế bao phủ toàn bộ Biển Đông.

Mặc dù Trung Quốc luôn rêu rao là không quân sự hóa Biển Đông, song vẫn tiếp tục xây dựng, lắp đặt các hạng mục, thiết bị phục vụ mục đích quân sự trong tương lai, gồm hệ thống ra-đa trên các đảo nhân tạo nước này xây dựng phi pháp ở Trường Sa. Tiến trình quân sự hóa còn tiếp tục và rất đáng lo ngại cho khu vực, đặc biệt trong bối cảnh tình hình Biển Đông tạm thời yên ắng. Nếu không nước nào dám mạnh mẽ lên tiếng, Trung Quốc càng tạo lợi thế kiểm soát trên thực địa, khiến cho tình hình Biển Đông càng khó lường và bất định.

RELATED ARTICLES

Tin mới