Phó Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Vương Thần khẳng định, chính ông Tập Cận Bình là người đã đưa ra đề xuất sửa đổi Hiến pháp tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19.
Đại biểu nghe báo cáo trong phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc hôm 5/3 vừa qua. Ảnh: Reuters.
Hôm thứ Hai (5/3) vừa qua, phiên khai mạc Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tương đương Quốc hội, gọi tắt là Nhân đại) đã được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân với sự tham dự của gần 3.000 đại biểu.
Trong phiên khai mạc, ông Vương Thần, Phó Chủ tịch Nhân đại đã thông báo trước toàn thể đại hội rằng đề xuất sửa đổi Hiến pháp được chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất trong cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 29/9/2017.
Sau đó, ông Tập đã thành lập một nhóm chiến lược, đứng đầu là ông Trương Đức Giang, Chủ tịch Nhân Đại, để triển khai đề xuất này. Ngoài ông Trương còn có ông Lật Chiến Thư – Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông Vương Hỗ Ninh – Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách trung ương.
Ông Lật Chiến Thư và ông Vương Hỗ Ninh mới được bổ nhiệm vào vị trí Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19.
Theo báo cáo của ông Vương Thần, ngay sau khi Đại hội đảng kết thúc, Bắc Kinh đã bắt đầu tổ chức các cuộc tham vấn nội bộ để tập hợp sự đồng thuận và ủng hộ của quan chức cấp cao. Chính quyền Trung Quốc cũng tiến hành thu thập được hơn 2.600 ý kiến từ các đơn vị cấp khu vực và đảng phái khác.
Đồng thuận nhất trí
Tuy ông Vương không đề cập đến đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ được đưa ra vào thời điểm nào nhưng Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) cho rằng có thể đề xuất này đã được đưa ra ngay từ đầu do được xúc tiến khá nhanh chóng.
Hiến pháp Trung Quốc được sửa đổi lần cuối hồi năm 2004, khi học thuyết “Ba Đại diện” của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân được bổ sung. Điểm đặc biệt là quá trình tham vấn và chuẩn bị khi đó kéo dài cả một năm nhưng quá trình tham vấn trong lần thay đổi này chỉ mất vỏn vẹn 5 tháng để hoàn thành.
Một vòng thảo luận khác đã được tổ chức vào tháng 12/2017, sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 kết thúc.
“Lãnh đạo trung ương đã xin ý kiến tham vấn của các đồng chí đảng viên lão thành”, ông Vương không nêu đích danh những đảng viên lão thành này.
Theo ông này, tất cả những người được tham vấn đều “nhất trí ủng hộ” các đề xuất sửa đổi, bao gồm cả việc xóa bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ của Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Trung Quốc. Đề xuất này được cho là sẽ giúp ông Tập tiếp tục tại nhiệm sau năm 2023.
Khi được hỏi liệu việc mở ra khả năng ông Tập giữ chức Chủ tịch nước trọn đời có phải là một bước lùi hay không, ông Wang Jiaqi, đại biểu tỉnh Cát Lâm, quả quyết rằng Trung Quốc nên tuân theo mô hình chính trị của nước mình.
“Chúng ta không cần phải theo mô hình của nước ngoài. Chúng ta có lịch sử và hệ thống chính trị của riêng mình,” ông này trả lời Reuters trước phiên họp.
“Tôi thực sự ủng hộ chuyện ấy. Người dân cũng ủng hộ ông Tập. Chúng tôi ngưỡng mộ lãnh đạo của nước mình,” ông Wang nói.
Giới quan sát nhận định báo cáo của ông Vương tuy chưa được xác thực nhưng đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về quá trình hình thành và tiến hành đề xuất sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc gần đây.
Đảng Cộng sản Trung Quốc rất hiếm khi công bố quy trình ra quyết định và thay đổi chính sách. Theo một nhà nghiên cứu giấu tên, báo cáo của ông Vương trước Nhân Đại dường như là câu trả lời chính thức trước những lời đồn đoán gần đây về mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo ĐCSTQ
Nhiều nhà phân tích tin rằng các cựu lãnh đạo cấp cao như ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo và Chu Dung Cơ đã tham gia quá trình tham vấn của ĐCSTQ.
Trong khi đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận Trung Quốc thì Chủ nhật vừa qua (4/3), trong cuộc họp kín với những người ủng hộ đảng Cộng hòa, Tổng thống Donald Trump đã công khai ca ngợi đề xuất bỏ giới hạn nhiệm kỳ của Trung Quốc và cho rằng nước Mỹ cũng nên thử thực hiện ý tưởng này.