Theo lãnh đạo TISCO, trường hợp bất đồng giữa hai bên không giải quyết được thì sẽ đưa ra tòa trọng tài kinh tế để xử lý.
Xung quanh thông tin Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) dự tính một trong những phương án để giải quyết dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 là khởi kiện tổng thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC), ông Bùi Văn Khoa, Trưởng phòng Thư ký, người được ủy quyền công bố thông tin của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho biết, đây chỉ là một trong ba phương án xử lý dự án và mới được nêu ra, cho đến nay chưa có quyết định gì.
“Hiện nay chưa có gì cả, mới “gạch đầu dòng”. Công ty mới lập ra đường lối như thế, còn phải xin ý kiến Hội đồng quản trị, Tổng Công ty Thép Việt Nam… Còn hiện giờ chưa ai đồng ý để biết lựa chọn phương án nào”, ông Bùi Văn Khoa nói.
Giải thích cụ thể hơn, ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho hay, một dự án như Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 phải tiến hành từng bước một.
Theo đó, phương án thứ nhất và là ưu tiên số một là phải tiếp tục đàm phán với MCC. Bản thân MCC cũng có thiện chí, cố gắng hoàn thành dự án. Dĩ nhiên, trong quá trình thực hiện có những tranh chấp và nhiều vấn đề hai bên phải thống nhất.
Phương án thứ hai, trong trường hợp MCC cứ đưa ra những điều kiện mà TISCO không đáp ứng được, không phù hợp và gây thiệt hại cho TISCO thì chắc chắn công ty sẽ không đồng ý. Bởi dự án không thể kéo dài mãi nên hai bên sẽ thỏa thuận để thanh lý hợp đồng, MCC rút đi để TISCO tìm người khác làm.
Phương án thứ ba là phương án xấu nhất, trong trường hợp MCC cứ gây sức ép thì vụ việc sẽ được đưa ra tòa trọng tài kinh tế để xử lý.
“Thực ra nếu không đặt ra phương án này thì nó cũng sẽ xảy ra như thế. Dự án này đã kéo dài 10 năm, mình cũng có lỗi. Trong hợp đồng kinh tế, một là làm tiếp, hai là thỏa thuận chia sẻ với nhau, ba là phải thông qua tòa trọng tài kinh tế khi hai bên không thể tự giải quyết được bất đồng. Khi ấy, tòa phán xử thế nào thì mình chấp nhận, còn bây giờ chúng tôi biết đúng sai thế nào mà kiện?
Phải tìm giải pháp nào tốt nhất, an toàn nhất cho công ty trên cơ sở thực tiễn, đánh giá được khả năng của mình thế nào, đúng sai ra sao và chỉ kiện trong trường hợp khả năng của mình là chắc chắn 100%”, ông Hoàng Ngọc Diệp nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc TISCO cũng bày tỏ: phải tiếp tục cố gắng, làm dự án nhanh nhất có thể. Điều này phụ thuộc vào các đơn vị đã và đang triển khai dự án. Có điều bây giờ hai bên phải tính toán, chia sẻ với nhau để dự án nối lại trên cơ sở tôn trọng lợi ích của nhau, vì lợi ích chung nhất của dự án. Đó là cách tốt nhất.
“Là doanh nghiệp, ai cũng muốn lợi nhất cho mình do đó hai bên cần ngồi với nhau để làm sao đảm bảo được tính pháp lý của hợp đồng, lợi ích chung của hai bên.
Với dự án này, không thể nói ai đợi ai nữa mà bây giờ đã thua thiệt rồi, hai bên phải bàn với nhau giữ mức thua thiệt ít nhất, giữ lại được dự án, giữ được thương hiệu của MCC, giữ được công ăn việc làm cho lao động của công ty.
Tôi tin rằng nhà thầu đàng hoàng, tử tế thì họ cũng sẽ đồng tình với phương án này vì bao nhiêu năm qua họ đã chia sẻ với mình. Nó còn là danh dự, thương hiệu, uy tín của họ trên thị trường, không chỉ ở Việt Nam mà trên quốc tế”, ông Diệp nói.
Ông Hoàng Ngọc Diệp chia sẻ: “Khi báo cáo Chính phủ, chúng tôi luôn tâm niệm làm thế nào để có trách nhiệm với dự án, với tiền của của Nhà nước. Tiền của tư nhân hay Nhà nước thì trong đất nước này đều là của Việt Nam hết, bên cạnh đó còn hàng vạn con người, gia đình, nếu cứ trốn tránh trách nhiệm, chẳng ai làm nữa thì họ sẽ ra sao.
Giờ đã vướng rồi thì phải tìm cách giải quyết, làm thế nào thì phải công khai, minh bạch phương án, đảm bảo đừng có lợi ích gì ở trong đó, phải vì mục tiêu chung mà làm.
Còn dự án đã trục trặc 10 năm nay, chính sách thay đổi, giờ đòi làm đúng từ đầu làm sao làm được? Chúng tôi chỉ mong mọi người hiểu và chia sẻ”.