Thursday, November 28, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 08/03/2018

Bản tin Biển Đông ngày 08/03/2018

Bản tin Biển Đông ngày 08/03/2018.

Học giả quốc tế đưa ra bốn lựa chọn để Mỹ kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 7/3, Manila Bulletin cho biết, trong một bài báo gần đây về “Một số suy nghĩ về Chiến lược ở Biển Đông” của hai chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng Hal Brands và Zack Cooper, các tác giả đã khẳng định rằng một loạt cách động thái hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông không đơn giản chỉ là “vấn đề các đảo đá xa xôi” mà còn là thách thức đối với nhiều lợi ích quan trọng của Mỹ ở khu vực nói riêng và Châu Á – Thái Bình Dương nói chung, bao gồm các lợi ích kinh tế, quân sự và địa chính trị. Đồng thời, Brands và Cooper cũng đưa ra 04 giải pháp mà Mỹ có thể sử dụng để kiềm chế các hành động gây hấn của nước này, đó là: đẩy lùi, kiềm chế, trừng phạt và thích ứng nhằm thực hiện các mục tiêu: khôi phục nguyên trạng ở Biển Đông, ngăn chặn việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng Biển Đông, tăng cường vai trò của Mỹ và các nước đồng minh, đối tác nhưng vẫn tránh để xảy ra xung đột với Trung Quốc. Hai chuyên gia nhấn mạnh, không có chiến lược nào trong bốn chiến lược này là hoàn hảo nhưng mỗi chiến lược lại có những điểm mạnh riêng. Ông Brands nhấn mạnh, một chiến lược kết hợp được “những điểm thuyết phục nhất của hai giải pháp Kiềm chế và Trừng phạt” là chiến lược phù hợp nhất và có thể chấp nhận được để bảo vệ được lợi ích của Mỹ.

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu băng cháy ở Biển Đông

Ngày 07/3, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, ngày 07/3, theo nguồn tin từ trang web yicai.com, với sự hỗ trợ của Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) và được sự đồng ý của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, nước này đã khánh thành một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh để tiến hành những nỗ lực nghiên cứu, sản xuất băng cháy, nguồn tài nguyên được đánh giá là “một nhân tố thay đổi cuộc chơi” trong ngành công nghiệp nhiên liệu hoá thạch được tìm thấy ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Ông Yang Shengxiong, Tổng công trình sư tại Cục Khảo sát địa chất biển Quảng Châu, Trung Quốc cho hay, hoạt động sản xuất băng cháy dự kiến sẽ bắt đầu trước năm 2030. Tuy nhiên, ông Lin Qi, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học biển, Viện Nghiên cứu Nam Hải cho biết các nhà khoa học vẫn đang đau đầu với nhiều thách thức, bao gồm khó khăn trong việc tìm ra phương thức khai thác tốt nhất, chi phí khai thác cao và những tác động tiêu cực đối với môi trường. Mặt khác, ông Lin vẫn hết sức hoan nghênh sự ra đời của phòng thí nghiệm nói trên, đặc biệt là “vai trò trong việc sử dụng nguồn nhân lực vào hoạt động nghiên cứu băng cháy”, “một nguồn năng lượng sạch và quan trọng thay thế cho nhiên liệu hoá thạch và khí gas tự nhiên”, trong bối cảnh mà ông nhấn mạnh là “do có nhiều tranh chấp, hoạt động nghiên cứu băng cháy ở Biển Đông gặp phải nhiều hạn chế”.

Học giả Malaysia đề xuất đổi tên Biển Đông để khẳng định chủ quyền của nước này

Ngày 8/3, trang The Malay Mail Online đưa tin, ngày 7/3, tại một diễn đàn về “Hán hoá” do Viện Nghiên cứu Tổng hợp và Chiến lược quốc tế (IRIS) Malaysia tổ chức, ông Abdul Muein Abadi, giảng viên về khoa học chính trị, Đại học Kebangsaan, Malaysia đã đề xuất Chính phủ Malaysia cần “học hỏi các nước láng giềng” và chủ động đổi tên vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ở Biển Đông để khẳng định chủ quyền của mình trong tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra. Về đề xuất của ông Muein, sử gia Zaharah Sulaiman, thành viên Hội đồng Điều hành Liên hiệp khảo cổ Malaysia nêu ra một gợi ý rằng trước đây Biển Đông đã từng có tên “Biển Chăm-pa” do Pháp đặt sau thời kỳ Vương quốc Chăm-pa cổ đại. Tuy nhiên, do Vương quốc Chăm-pa không còn tồn tại, bà Zaharah đề xuất đổi tên Biển Đông thành “Biển Sunda”, “một cái tên dùng để chỉ quần đảo Malay”.

Tuy nhiên, vào năm ngoái, Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Anifah Aman đã phát biểu với Quốc hội nước này rằng Trung Quốc và Malaysia không có yêu sách chồng lấn trên Biển Đông, Malaysia cũng không công nhận cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc vì yêu sách này không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Trung Quốc và Philippines sẽ cùng hợp tác để khai thác nguồn dầu khí ở Biển Đông

          Ngày 7/3, tạp chí Forbes đăng bài viết “Trung Quốc và Philippines sẽ cùng hợp tác khai thác nguồn dầu khí khổng lồ ở Biển Đông” của nhà báo Ralph Jennings. Trong bài viết, ông Jennings cho hay cả Philippines và Trung Quốc hiện nay đều có nhu cầu lớn về dầu khí nhằm phục vụ cho sự phát triển, do đó, ông nhận định rằng hai bên đang tích cực thúc đẩy quan hệ song phương thông qua hoạt động thăm dò chung dầu khí ở Biển Đông dù vẫn còn tranh chấp chủ quyền trên biển giữa hai nước. Từ giữa tháng 2, quan chức hai bên đã tính tới việc các công ty thăm dò dầu khí của họ có thể cùng hợp tác trên hai khu vực ngoài khơi bờ biển phía Tây Philippines của Philippines, một khu vực thuộc phần lãnh thổ của Philippines và khu vực khác nằm trong vùng biển tranh chấp giữa hai nước. Tuy nhiên, nội bộ Philippines vẫn lo ngại về tính hợp pháp và hoài nghi về khả năng Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh về quân sự sẽ chiếm đoạt một phần khối lượng dầu khí hai bên thăm dò được. Tuy nhiên, ông Oh Ei Sun, Giảng viên Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cảnh báo rằng nếu như không đủ nghiên cứu khoa học và công nghệ nền tảng thì việc tìm kiếm, thăm dò nguồn dầu khí có thể sẽ gây lãng phí.

RELATED ARTICLES

Tin mới