Giới quan sát nhận định, việc Ngoại trưởng Rex Tillerson bất ngờ bị sa thải đồng nghĩa với việc quan hệ Mỹ – Trung sẽ bước vào giai đoạn khó khăn hơn và Bắc Kinh cũng sẽ gặp khó trong việc liên lạc với Washington.
Ông Rex Tillerson (bên trái) đã bị Tổng thống Donald Trump sa thải khỏi cương vị Ngoại trưởng Mỹ.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), nguyên nhân là do người được chỉ định kế nhiệm ông Tillerson là cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) Mike Pompeo từng đưa ra nhận định hồi tháng Một rằng, Trung Quốc là “mối đe dọa lớn đối với Mỹ”, giống như Nga bởi sự xâm nhập của người Trung Quốc trong các bệnh viện và trường học.
Việc bổ nhiệm ông Pompeo thay thế ông Tillerson cũng làm dấy lên nghi vấn chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể thi hành chính sách cứng rắn hơn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới Trung Quốc. Trong khi đó, mối quan hệ giữa hai nước vốn không hề êm thấm do những tranh cãi xung quanh vấn đề an ninh và thương mại.
Cũng theo giới phân tích, sự ra đi đột ngột của ông Tillerson sẽ còn kéo theo việc Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster có thể bị sa thải trong thời gian tới.
Chính sự rời đi của hàng loạt quan chức cấp cao Mỹ sẽ khiến giới ngoại giao Trung Quốc trở tay không kịp. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ không thể biết trước được ai sẽ là người cần liên lạc khi muốn kết nối với Mỹ cũng như lên kế hoạch ứng phó trước những phản ứng bất thường từ phía Washington.
Ông Zhang Zhexin, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải nhận định, việc Mỹ chỉ định ông Pompeo làm Ngoại trưởng đã chứng minh chính quyền của ông Trump muốn có một quan chức có lập trường kiên định để thi hành các chính sách ngoại giao thay vì một người theo chủ nghĩa ôn hòa như cựu Ngoại trưởng Tillerson.
“Đây rõ ràng là tin đáng buồn cho mối quan hệ Mỹ – Trung. Một khi ông Pompeo chính thức đảm nhận vai trò Ngoại trưởng, vấn đề tranh chấp thương mại Mỹ – Trung sẽ còn tồi tệ hơn. Thậm chí, căng thẳng giữa hai nước còn kéo sang cả lĩnh vực an ninh và ngoại giao. Ông Pompeo vốn là một người mang quan điểm bảo thủ và có thể đẩy quan hệ Mỹ – Trung thêm phần căng thẳng hơn so với cả ông Trump. Điều này có thể dẫn tới xung đột mở rộng giữa Mỹ – Trung”, ông Zhyang nói.
Ông Tillerson được xem là một quan chức ôn hòa so với nhiều quan chức khác trong chính quyền của Tổng thống Trump. Cựu Chủ tịch tập đoàn ExxonMobil từng thiết lập mối quan hệ làm ăn với nhiều quan chức cấp cao trong ngành dầu mỏ quốc gia Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh xem đây là ưu thế để giao tiếp với chính phủ Mỹ.
Trước đây, cựu Chủ tịch tập đoàn hóa chất và dầu khí Trung Quốc (Sinopec), ông Fu Chengyu, người từng có thời gian gặp gỡ ông Tillerson giai đoạn năm 2011 – 2015 đã nhận định rằng, cựu Ngoại trưởng Mỹ là “người luôn cố gắng thấu hiểu người khác và cố gắng giữ ôn hòa, đàm phán để giải quyết vấn đề”.
Trong năm đầu tiên ông Trump nắm quyền điều hành nước Mỹ, Bắc Kinh cũng đã liên lạc với nhiều quan chức Nhà Trắng bao gồm con rể của ông Trump là Jared Kushner, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Tuy nhiên, nỗ lực này dường như không có mấy tác dụng giúp đưa quan hệ Mỹ – Trung theo hướng Bắc Kinh mong muốn.
Hồi tháng trước, Trung Quốc cũng đã cử nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì cùng Cố vấn kinh tế cấp cao của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình là Lưu Hạc tới Washington để giải quyết những căng thẳng liên quan tới vấn đề thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, hai bên đã không đạt được đột phá nào. Điều này khiến Trung Quốc băn khoăn liệu vấn đề có thể được giải quyết khi Bắc Kinh đối thoại với quan chức nào của Mỹ.
Giáo sư Tang Xiaosong tại Đại học Ngoại ngữ Quảng Đông cho rằng, sự ra đi của ông Tillerson sẽ loại bỏ hoàn toàn cản trở lớn nhất trong “chính sách đối ngoại thiếu kiểm soát” của chính quyền Tổng thống Trump.
“Chính sách của chính quyền Tổng thống Trump sẽ trở nên ngày càng dễ thay đổi và vận hành theo ý thích của ông Trump”, ông Tang chia sẻ.
Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Boston là ông Robert Ross cũng nhấn mạnh sự quan ngại trước cái gọi là “chính sách đối ngoại có định hướng và bền vững” của Mỹ sau khi ông Tillerson bị sa thải. Nói cách khác, việc ông Pompeo gia nhập đội ngũ quan chức ngoại giao Mỹ sẽ khiến ông Trump quay trở lại với tư tưởng thời còn tranh cử Tổng thống Mỹ là “không ưa gì Trung Quốc”.
Tuy nhiên, ông Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Renmin kiêm Cố vấn cho Quốc vụ viện Trung Quốc lại cho rằng, việc Mỹ thay đổi Ngoại trưởng không làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai nước.
Bởi theo ông Shi, cựu Ngoại trưởng Tillerson chưa bao giờ đóng vai trò quyết định trong chính sách đối ngoại của Mỹ với Trung Quốc. Ông Tillerson chỉ là một trong 2 người có thể thực sự điều hướng quan hệ song phương giữa ông Trump và ông Tập.
“Điều này có nghĩa là càng cần nhiều quan chức Trung Quốc như ông Dương Khiết Trì sẽ phải làm quen với ông Pompeo. Song mối quan hệ song phương giữa hai nước sẽ không hề thay đổi”, ông Shi nói.