Chính sách đối ngoại của Washington ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp sẽ có gì thay đổi sau khi ông Rex Tillerson không còn giữ chức Ngoại trưởng Hoa Kỳ ? Đó là một câu hỏi đáng quan tâm trong tuần qua.
Alexander Huang, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang, Đài Loan, nói: “Ông Rex Tillerson bị coi là người ngoài cuộc, nhưng ông ấy đã nỗ lực vào cuộc theo cách riêng của mình”.
Tổng thống Trump sa thải ông Tillerson vì những bất đồng về chiến lược. Đó là những gì mà hệ thống truyền thông ở thủ đô Washington loan tin. Hoa Kỳ không phải là một bên tranh chấp chủ quyền trong khu vực rộng 3,5 triệu cây số vuông ở Biển Đông. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á tranh giành chủ quyền đều mong muốn được Washington hỗ trợ để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Thời cựu Tổng thống Barack Obama, chính phủ Hoa Kỳ đã liên tục hỗ trợ cho các quốc gia nhỏ hơn về mặt chính trị, kinh tế và quân sự. Theo các nhà phân tích, các giới chức quốc phòng Mỹ là những người phụ trách chính sách Biển Đông dưới thời Tổng thống Trump. Thời gian qua hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện hơn một chục chuyến hải hành ngang qua vùng biển tranh chấp, kể cả hành trình của tàu sân bay USS Carl Vinson đi ngang qua Biển Đông tới thăm Việt Nam hồi đầu tháng 3.
Có thể thấy rõ Tổng thống Trump đã dồn năng lực ngoại giao của ông nhiều hơn vào việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc nhằm thuyết phục Bắc Kinh trợ giúp hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Ông Trump hẳn sẽ rất hài lòng khi nghe lời bình luận dứt khoát của ông Pompeo về hồ sơ Triều Tiên: “Chúng tôi đang tiến gần hơn bất kỳ một Chính phủ Mỹ tiền nhiệm nào trong việc đạt được một thỏa thuận khiến Triều Tiên không tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa”.
Giáo sư Jay Batongbacal của trường đại học Luật và Các vấn đề Hàng hải Quốc tế của Philipines, nhận định: “Ông Tillerson không được sự ủng hộ của các cấp dưới, như trợ lý và phó trợ lý đặc trách các vấn đề Đông Nam Á. Có lẽ vì lý do đó, mức độ tập trung của ông đối với các vấn đề Đông Nam Á khá hạn chế”. Trong vài tháng qua, ông Tillerson đã thực hiện một số phúc trình. Ông đã có những nỗ lực nhất định, nhưng phải mất rất nhiều thời gian để có thể thấy được kết quả.
Sau hai cuộc gặp gỡ cấp bộ trưởng với các giới chức chính phủ ở Đông Nam Á vào năm 2017, ông Tillerson và các đối tác “đã bắt tay làm việc để cải thiện sự hợp tác về các vụ tranh chấp ở Biển Đông”. Đây là thông tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được đăng tải trên trang web hồi tháng 1, nhưng không giải thích thêm chi tiết.
Ông Tillerson từng đối diện với vấn đề Biển Đông trong cương vị Giám đốc điều hành của ExxonMobil khi tập đoàn này ký thỏa thuận với công ty dầu khí quốc doanh Việt Nam để khai thác khí đốt dưới đáy biển, bắt đầu từ năm 2023.
Người thay Tillerson là ông Mike Pompeo, đang nắm chức Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương. Ông Pompeo trước đây là một nghị sĩ và là thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ. Ông có nhiều kinh nghiệm về ngoại giao hơn người tiền nhiệm.
Giáo sư Batongbacal cho rằng ông Pompeo có “kiến thức cụ thể” và nhiều mối liên hệ trong giới tình báo chính trị. Trước khi đảm nhiệm chức vụ mới, ông còn phải được Thượng viện chuẩn thuận.
Theo giáo sư Alan Chong của Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Singapore, ông Pompeo là một nhân vật “diều hâu” về chính sách đối ngoại. Đây có lẽ là một cơ hội để Pompeo đưa chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông ra ngoài phạm vi quân sự.
Trung Quốc có lực lượng quân sự mạnh thứ ba thế giới. Nước này đã gây bất bình cho các nước khác từ năm 2010, với những hoạt động bồi đắp đất, xây dựng một số đảo nhỏ ở Biển Đông vào các mục đích quân sự và điều tàu cảnh sát biển đi ngang qua các vùng biển đang tranh chấp.
Các chuyên gia nói liệu tân ngoại trưởng Mỹ có thể tăng cường sự can dự của Mỹ vào tranh chấp Biển Đông hay không là tùy thuộc vào ông Trump. “Từ lâu, các quyết định ngoại giao cốt lõi của Hoa Kỳ đã được chuyển từ Bộ Ngoại giao, vốn thiếu nhân lực, sang Tòa Bạch Ốc”, giáo sư Oh Ei Sun giảng dạy môn Nghiên cứu Quốc tế của trường đại học Nanyang nói.
Trung Quốc là đồng minh mạnh nhất của Triều Tiên. Một lập trường cứng rắn về Biển Đông có thể khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tức giận và gây căng thẳng với ông Trump.
Tuy vậy, thời kỳ “trăng mật” Tập-Trump có thể vẫn chưa qua. Về bản chất, Tổng thống Trump vẫn là một nhà kinh doanh, cho nên Tổng thống Mỹ có thể dễ bị thuyết phục bởi một cử chỉ nào đó có tính khoa trương từ phía Bắc Kinh.