Saturday, November 30, 2024
Trang chủNhìn ra thế giới"Lịch sử" nào tác động tiêu cực đến quan hệ Việt -...

“Lịch sử” nào tác động tiêu cực đến quan hệ Việt – Trung?

Nhận thức của các học giả Trung Quốc về lịch sử sẽ ảnh hưởng đến dư luận nước này, cũng như việc hoạch định bang giao, hòa bình hữu nghị hay ngược lại.

Quang cảnh lễ kỷ niệm 229 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, ảnh: Quốc Khánh / TTXVN.

Thời báo Hoàn Cầu, học giả Trung Quốc và cái nhìn sai lệch về lịch sử

“Việt Nam thường xuyên làm giả lịch sử. Cách đây không lâu, Việt Nam vừa tổ chức kỷ niệm 299 năm ngày (Hoàng đế Quang Trung) “đại phá quân Thanh xâm lược”, Thủ tướng cũng tham dự.

Chị Đao có tìm hiểu qua giới học thuật được biết, sự kiện đó diễn ra vào thời hoàng đế Càn Long, tại Việt Nam xảy ra chính biến, một cuộc khởi nghĩa nông dân do quân Tây Sơn thực hiện đã lật đổ triều Lê.

Quốc vương triều Lê (Lê Chiêu Thống) phải chạy sang Trung Quốc cầu cứu hoàng đế Càn Long lấy lại công bằng (vương quyền) cho ông ta.

Ai ngờ khi quân Thanh vào Việt Nam lại gặp phải phục kích bất ngờ, đại bại, sử gọi là “Chiến tranh Thanh – Việt”.

Nghe nói phía Việt Nam (Lê Chiêu Thống) khẩn khoản xin chúng ta chinh phạt, bây giờ lại bị tuyên truyền thành nhà Thanh xâm lược Việt Nam.

Thêm một ví dụ nữa. Cuối năm ngoái (2017), cuốn sách “Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc tập 3 – nhà Minh, nhà Thanh” dịch từ tác phẩm cùng tên của Giáo sư Cát Kiếm Hùng, Đại học Phúc Đán, Trung Quốc bị Việt Nam thu hồi, tiêu hủy.

Lý do là trong sách khi viết về thời nhà Thanh đã nói rằng quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) là cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc, đó là hành vi bóp méo sự thực lịch sử.

Phản ứng của ông Cát Kiếm Hùng với việc này là, nếu phía Việt Nam nhấn mạnh họ có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, thì có thể mở kho tư liệu lịch sử của mình, thu hồi và tiêu hủy (sách của Cát Kiếm Hùng) chỉ cho thấy Việt Nam thiếu tự tin.

Hiện tại, lịch sử Việt Nam đầy ắp nội dung cái gọi là “Trung Quốc xâm lược Việt Nam”. Điều này hiển nhiên có tác động tiêu cực đến quan hệ Trung – Việt.

Trong cuốn “Bóng đêm và gió: Một cái nhìn về Việt Nam hiện đại” (Shadows and Wind: A View of Modern Vietnam) xuất bản năm 1999, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xung đột và đàm phán Shattuck, Robert Templer viết:

“Việt Nam lo ngại bị Trung Quốc khống chế, tâm lý lo ngại này vượt qua mọi sự chia rẽ về ý thức hệ, tạo thành sự nhạy cảm và mối quan tâm, ý thức đề phòng của người Việt Nam.”

Một quan chức ngoại giao Việt Nam nói với một học giả Mỹ rằng:

“Trong lịch sử Trung Quốc từng xâm lược Việt Nam tổng cộng 17 lần, trong khi Mỹ chỉ xâm lược Mexico có một lần duy nhất.

Ngài xem người Mexico đã nhạy cảm như thế nào với sự xâm nhập của Mỹ? Chúng tôi từ nhỏ đến lớn, tất cả sách giáo khoa được học đều là các sự tích về các vị anh hùng dân tộc chống Trung Quốc xâm lược.”

Ân ân oán oán giữa Việt Nam với Trung Quốc trong lịch sử, không thể dăm câu ba điều mà nói cho rõ, nhưng chỉ vài lời cũng có thể cho chúng ta có cái nhìn rộng lượng hơn về sự lo lắng của người Việt đối với Trung Quốc.

Những năm qua, sự trỗi dậy của Trung Quốc có đã làm gia tăng cảm xúc mâu thuẫn nhau trong rất nhiều người Việt Nam.

Hiện tại GDP của Trung Quốc gấp 50 lần Việt Nam, dân số lớn hơn 13 lần. GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 2.385 USD, còn chưa bằng một nửa GDP bình quân của Quảng Tây.”

Cái nhìn hẹp hòi, nhận thức thiên kiến về lịch sử chẳng có lợi ích gì cho hòa bình, hữu nghị

Nhận định của tác giả Bổ Nhất Đao sau khi tham khảo một số học giả Trung Quốc, rằng “Việt Nam thường xuyên làm giả lịch sử” quả thực hồ đồ và xúc phạm người Việt.

Ở đây chúng tôi chỉ xin phân tích “bằng chứng” cho lập luận hồ đồ ấy, là trường hợp vua Lê Chiêu Thống cầu cứu Càn Long đưa quân vào lãnh thổ để tranh lại những gì triều Lê đã đánh mất.

Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục Chính biên, quyển thứ 47 chép lại sự kiện ấy, Nhà Thanh bèn nhân dịp Lê Chiêu Thống cầu viện định thôn tính luôn An Nam:

“Thái hậu đưa nguyên tử (con trai Chiêu Thống) đến yết kiến ở trong sân, gào khóc xin cứu viện. 

Bọn Tôn Sĩ Nghị tâu với vua Thanh rằng, tự hoàng nhà Lê đương phải bôn ba, đối với đại nghĩa, ta nên cứu viện.

Vả lại, An Nam là đất cũ của Trung Quốc, sau khi khôi phục nhà Lê, ta nhân đó, đặt lính thú để đóng giữ. 

Thế là vừa làm cho nhà Lê được tồn tại, vừa chiếm lấy được An Nam, thật là làm một chuyến mà được hai lợi.”

Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, dân tộc Hán cũng đã từng 2 lần bị các dân tộc, quốc gia họ miệt thị là “Man, Di, Nhung, Địch” đô hộ. 

Để nhà Kim lấn lướt rồi Mông Cổ tiêu diệt nhà Tống lập ra nhà Nguyên không chỉ bởi sự bại hoại của Tống triều, mà còn vai trò của những kẻ được gọi là Hán gian, cõng rắn cắn gà nhà như Tần Cối.

“Cái nhục Tĩnh Khang” đã trở thành đề tài xuyên suốt cho Kim Dung sáng tác hàng loạt tiểu thuyết kiếm hiệp về giấc mộng “khôi phục Trung Nguyên, trùng hưng Hán thất” về lần đô hộ thứ nhất này.

Nếu Ngô Tam Quế không mở cửa ải Sơn Hải cho quân Mãn Thanh tràn vào Trung Nguyên, thì người Hán đã không rơi vào lần đô hộ thứ hai, mất 268 năm phải để tóc đuôi sam, thay đổi trang phục hình tướng cho giống người Mãn.

Chúng tôi không biết các bậc thức giả Trung Nguyên nghĩ gì khi dân tộc mình bị dân tộc khác đô hộ và cai trị, về những kẻ đã rước voi về giày mả tổ.

Nhưng với dân tộc Việt Nam, từ ngàn đời nay vẫn nhận thức rất rõ ràng và công bằng với lịch sử: triều đại hay chính thể có thể có nhiều, nhưng quốc gia và dân tộc chỉ có một.

Bởi thế dân tộc Việt Nam vẫn luôn đề cao và biết ơn quyết định của Thái hậu Dương Vân Nga trao hoàng bào cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn để lãnh đạo cả nước đại phá quân Tống xâm lược.

Còn trong sự kiện Lê Chiêu Thống cầu cứu Mãn Thanh, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cố tỏ ra ngây thơ hay không hiểu cha ông mình vốn giỏi “mượn đường diệt Quắc”, “binh bất yếm trá”?

Sống bên cạnh một quốc gia mà hết triều đại này đến triều đại khác đều tìm cách thôn tính, xâm lấn mà không biết nêu cao tinh thần cảnh giác, bài học giữ nước, liệu Việt Nam có còn đến hôm nay?

Đúng là “ân ân oán oán giữa Việt Nam với Trung Quốc trong lịch sử, không thể dăm câu ba điều mà nói cho rõ”.

Nhưng ân oán ấy hoàn toàn có thể hóa giải nếu như chính những học giả, tham mưu của bộ máy lãnh đạo Trung Quốc biết tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, dân tộc khác.

Chừng nào họ thấm trong suy nghĩ và hành động về lợi dạy của Khổng Tử, “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” trong quan hệ bang giao với láng giềng, hành xử tôn trọng luật pháp quốc tế, thì không những ân oán ấy được hóa giải, mà khu vực và thế giới cũng được thái bình.

Người Việt không “nhạy cảm” với GDP, kích thước địa lý hay quy mô dân số Trung Quốc, mà luôn nhạy cảm với cái “gen bành trướng” ăn sâu, lẩn khuất trong một số người giữ trọng trách lãnh đạo, hay có ảnh hưởng của nước láng giềng.

Cũng nhân việc Thời báo Hoàn Cầu, tác giả Bổ Nhất Đao và một số nhà nghiên cứu Trung Quốc viện dẫn trường hợp vua Lê Chiêu Thống cầu viện Mãn Thanh, chúng tôi thiết nghĩ người Việt chúng ta cũng nên ghi nhớ nằm lòng lời dạy của 2 bậc tiền hiền.

Ngài Trần Hưng Đạo dạy: “Khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước.”

Cụ Nguyễn Trãi ưu tư: Họa phúc có mầm, đâu một buổi; lật thuyền mới biết sức dân như nước.

Lập luận của Giáo sư Cát Kiếm Hùng về việc cơ quan chức năng Việt Nam thu hồi, tiêu hủy xuất bản phẩm vi phạm luật pháp Việt Nam quả thực không đáng bàn.

Nhưng khi một số nhà nghiên cứu Trung Quốc thường xuyên theo dõi quan hệ Việt – Trung mà có những nhận thức sai lệch về lịch sử như vậy, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa hai nước.

Vì vậy trong phạm vi bài viết này, chúng tôi cũng có mấy lời trao đổi lại trên tinh thần khách quan, khoa học để chia sẻ với quý vị học giả và truyền thông Trung Quốc. 

Việc các nhà lãnh đạo Việt Nam tri ân các vị anh hùng dân tộc có công đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên bờ cõi cũng giống như Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc năm nào cũng dự mít tinh tưởng niệm vụ thảm sát Nam Kinh vậy.

Có điều, chúng tôi luôn ghi nhớ lịch sử nhưng không phải để nuôi dưỡng hận thù;

Chúng tôi không cần phải đào sâu khoét kĩ những cái đại loại như “thế kỷ bị sỉ nhục”, cứ phải ra rả chiếu những bộ phim chiến tranh trên truyền hình mỗi ngày để giáo dục lòng yêu nước.

Nhưng không vì thế mà người Việt quên đi đêm trường ngàn năm Bắc thuộc.

Những tiếng nói của quý vị sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức trong dư luận xã hội Trung Quốc và cũng có thể tác động đến chính sách.

Quý vị nhìn nhận quan hệ Việt – Trung bằng con mắt khách quan, khoa học, cầu thị và thiện chí hòa bình, hữu nghị thì tác động rất tích cực, và ngược lại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận.

Bài học vong quốc cả hai dân tộc đều đã từng trải qua, và mong sao trong tương lai đừng để lặp lại, bởi đã chiến tranh là núi xương, sông máu, dù ngàn năm qua đi thì gò Đống Đa mãi mãi còn đó, sông Bạch Đằng vẫn còn đây.

RELATED ARTICLES

Tin mới