Thursday, November 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNgoại trưởng Vương Nghị vẫn liên nhiệm dù đến tuổi về hưu:...

Ngoại trưởng Vương Nghị vẫn liên nhiệm dù đến tuổi về hưu: Ngoại giao TQ đang gặp lỗ hổng

Không chỉ liên nhiệm vị trí Ngoại trưởng, ông Vương Nghị còn được thăng chức cao hơn trong nhiệm kỳ mới: Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc.

Ngoại trưởng kiêm Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Kyodo

gày 19/3 vừa qua, các đại biểu tham dự phiên họp toàn thể lần thứ bảy trong khuôn khổ kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã biểu quyết thông qua việc bổ nhiệm ông Vương Nghị vào vị trí Ngoại trưởng kiêm Ủy viên Quốc vụ viện nhiệm kỳ mới.

Tuy nhiên, giới quan sát lại dấy lên thắc mắc rằng, theo quy định về chế độ nghỉ hưu hiện hành của đảng Cộng sản Trung Quốc, tuổi về hưu của các quan chức cấp bộ là 65 tuổi, trong khi đó, ông Vương Nghị sinh năm 1953, hiện 65 tuổi – đúng độ tuổi về hưu – nhưng vẫn tiếp tục tại nhiệm và thậm chí được bổ nhiệm vị trí cao hơn nhiệm kỳ trước.

Tờ Đa chiều (Mỹ) đã đưa ra những lý do sau để lý giải cho sự phá lệ này.

Thứ nhất, việc Vương Nghị liên nhiệm có thể đảm bảo cho tính ổn định và liên tục của các chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Trong cuộc cải cách Quốc vụ viện lần này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không chịu nhiều ảnh hưởng. Nhân sự của bộ này, trừ việc ông Vương Nghị kiêm nhiệm Ủy viên Quốc vụ viện thì chức danh Ngoại trưởng không thay đổi.

Hơn nữa, từ việc Hiến pháp Trung Quốc xóa bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước và ông Vương Kỳ Sơn đắc cử Phó Chủ tịch nước cho thấy, ông Vương Nghị sẽ bắt tay với Vương Kỳ Sơn tạo nên cặp bài trùng, trợ giúp ông Tập Cận Bình trong chính sách ngoại giao.

“Bộ Ngoại giao Trung Quốc được coi là cơ quan trực tiếp thực hiện các chính sách ngoại giao của Bắc Kinh, thân phận Ngoại trưởng của Vương Nghị không có biến động cũng nhằm để duy trì tính ổn định trong chính sách ngoại giao và củng cố các thành tựu ngoại giao của nước này”, Đa chiều bình luận.

Thứ hai, chính là phong cách ngoại giao mang đặc trưng riêng của Vương Nghị. Ví dụ, về tướng học, khuôn mặt của người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc đương nhiệm được đánh giá là thuộc loại hình “hổ tướng” – gắn với sự nghiêm nghị, có phần dữ dằn.

Bằng chứng trong cuộc họp báo tại Canada năm 2016, Vương Nghị đã giận giữ mắng té tát phóng viên của nước chủ nhà Amanda Connolly khi nhà báo này đặt câu hỏi về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Vương đã gọi Connolly là “kiêu ngạo và định kiến”. Phản ứng thái quá của ông này khi đó đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận thế giới.

Tuy nhiên, Đa chiều lại cho rằng, đây vẫn có thể được coi là “điểm cộng” của Vương Nghị, khi ông này thể hiện được đúng các quan điểm ngoại giao mà Bắc Kinh duy trì trong thời gian vừa qua.

Tờ này nhận định, việc Vương Nghị liên nhiệm chứng tỏ sự ghi nhận của Trung Nam Hải đối với khả năng của ông nhưng mặt khác dường như đang phản ánh lỗ hổng thiếu vắng nhân tài kế nhiệm trong hệ thống ngoại giao của Trung Quốc.

Đối với các nhà ngoại giao, trình độ ngoại ngữ chỉ là nền tảng cơ bản, họ đòi hỏi phải có sự hiểu biết về chiến lược quốc tế cũng như chính trị và kinh tế quốc tế.

Những năm gần đây, giới ngoại giao Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề: Các cán bộ ngoại giao phần lớn đều xuất thân từ chuyên ngành ngoại ngữ. Nói chung, Ngoại trưởng Trung Quốc đều đi lên từ vị trí Trợ lý Ngoại trưởng, Thứ trưởng Ngoại giao. Trong khi các Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc hiện nay như Lý Bảo Đông, Trịnh Trạch Quang, Khổng Huyền Hữu đều tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ.

Đa chiều bình luận: “Hệ thống ngoại giao Trung Quốc hiện vẫn chưa thoát khỏi khó khăn này nên đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp Vương Nghị liên nhiệm”.

RELATED ARTICLES

Tin mới