Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngĐiểm yếu của TQ ở Biển Đông

Điểm yếu của TQ ở Biển Đông

Những cơ sở quân sự Trung Quốc xây phi pháp ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa bị cho là sẽ trở nên vô dụng trước cuộc tấn công từ Mỹ.

Trung Quốc đã xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay và cơ sở radar phi pháp trên đá Chữ Thập

Trong cuộc điều trần tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện mới đây, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đô đốc Harry Harris cảnh báo Trung Quốc vừa xây dựng nhiều cơ sở quân sự phi pháp trên 7 tiền đồn trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Ông Harris nói rõ Trung Quốc đã xây đường băng dài hơn 3 km, nhà chứa chiến đấu cơ, nhà chứa bệ phóng tên lửa chống hạm, kho đạn dược, hệ thống liên lạc và radar quân sự trên 3 thực thể bị biến thành đảo nhân tạo là Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn.

Tuy nhiên, trong bài bình luận mới đăng trên chuyên san The National Interest, học giả Robert Farley tại Đại học Kentucky (Mỹ) cho rằng những cơ sở quân sự nói trên sẽ “khó sống sót” trước một cuộc tấn công từ Mỹ.

Tên lửa không có chỗ giấu

Theo chuyên gia Farley, một số thực thể có thể bị Trung Quốc sử dụng làm căn cứ cho những hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) và tên lửa hành trình phóng trên bộ (GLCM). Những tên lửa này có thể biến Biển Đông thành nơi nguy hiểm đối với loại tàu chiến và chiến đấu cơ không có khả năng tàng hình của Mỹ. Tuy nhiên, những cơ sở tên lửa đó khó có thể trụ vững nếu bị Mỹ tấn công. Ông Farley lý giải: “Các tên lửa phóng từ đất liền có thể sống sót trước một cuộc không kích vì được giấu trên đồi, trong rừng và có sự che chắn tự nhiên khác. Trong khi đó không có sự bảo vệ tự nhiên hiệu quả trên những đảo nhân tạo và các cơ sở phòng thủ do con người tạo ra cũng không thể sống sót trước cuộc tấn công phối hợp”.

Trung Quốc cũng có thể sử dụng đường băng trên Chữ Thập, Xu Bi, Vành Khăn và Phú Lâm để triển khai chiến đấu cơ tiên tiến, máy bay tuần tra và cảnh báo sớm, qua đó thực hiện hiệu quả chiến lược chống tiếp cận và phong tỏa (A2/AD) ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông Farley cho rằng một khi bị Mỹ tấn công bằng tên lửa và bom, những đường băng khó được sửa chữa nhanh chóng vì không có sẵn vật liệu và thiết bị. Ông Farley cũng nghi ngờ những nhà chứa máy bay trên các đảo nhân đạo khó lòng trụ được lâu trước một cuộc tấn công phối hợp của Mỹ.

Radar dễ trở thành mục tiêu

Chuyên gia Farley còn nêu ra sự lợi hại của những cơ sở radar mà Bắc Kinh lắp đặt trên các đảo nhân tạo. Chúng hỗ trợ cung cấp bức tranh đầy đủ hơn về không gian tác chiến và nâng cao khả năng sát thương của mạng lưới phòng thủ Trung Quốc. Thế nhưng, những cơ sở radar này dễ trở thành mục tiêu trong các cuộc tấn công của Mỹ, như phóng tên lửa (từ tàu ngầm và máy bay tàng hình), tấn công mạng và tác chiến điện tử. “Trong cuộc xung đột, Trung Quốc có thể nhanh chóng mất khả năng tiếp cận mạng lưới radar đã thiết lập”, ông Farley bình luận. Cũng theo chuyên gia này, các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông không có tính di động, không đủ lớn để che giấu các thiết bị và vật liệu quân sự. “Mỹ có thể vẽ bản đồ chi tiết các cơ sở quân sự trên mỗi đảo ở Biển Đông và sẽ có khả năng theo dõi việc vận chuyển thiết bị quân sự tới đó. Điều này sẽ khiến các đảo dễ bị tấn công từ tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và máy bay”, ông Farley nhận định.

Tương tự, trả lời Thanh Niên, chuyên gia an ninh biển Collin Koh thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận định các đảo nhân đạo do Trng Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông có nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của tên lửa và cuộc không kích từ đối thủ vì chúng cách xa đất liền Trung Quốc. Dù vậy, ông Koh cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng trái phép để biến các đảo nhân tạo thành những tiền đồn cho lực lượng nước này mở rộng hiện diện ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới