Saturday, September 21, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 26/03/2018

Bản tin Biển Đông ngày 26/03/2018

Bản tin Biển Đông ngày 26/03/2018.

Tàu chiến Mỹ đến gần một đảo tranh chấp trên Biển Đông

Ngày 25/3, tạp chí The Straits Times đưa tin, theo các quan chức giấu tên của Mỹ cho hay, ngày 24/3, tàu khu trục Mustin của Hải quân Mỹ đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông và đến gần Đá Vành Khăn, một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa, trong phạm vi 12 hải lý của cấu trúc này. The Straits Times nhận định đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm răn đe những “nỗ lực” của Trung Quốc cản trở quyền tự do hàng hải của các quốc gia trên tuyến hàng hải trọng yếu trong khu vực. Trung uý Nicole Schwegman, Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Mỹ khẳng định “hoạt động này là hoạt động tự do hàng hải thường xuyên của Mỹ như đã thực hiện từ trước và sẽ tiếp tục sau này”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngay lập tức đã có phản đối gay gắt, cho hay hai tàu của Hải quân Trung Quốc đã được điều đến để “nhận diện và cảnh báo” tàu Mỹ rời khỏi khu vực; đồng thời lớn tiếng cáo buộc hành động của Mỹ đã “đe doạ nghiêm trọng đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, đe đoạ hoà bình và ổn định khu vực, là những hành động gây hấn nghiêm trọng về chính trị và quân sự, dẫn đến những đánh giá sai lầm hay thậm chí là tai nạn”. Bộ này còn ngang nhiên đưa ra lời cảnh cáo đối với Mỹ: “hành động khiêu khích này của Mỹ sẽ thúc đẩy quân đội Trung Quốc tăng cường hơn nữa việc xây dựng tiềm lực quốc phòng trên tất cả các mặt”

Không quân Trung Quốc lại tiếp tục mở các cuộc diễn tập để chuẩn bị cho chiến tranh ở Biển Đông

Ngày 25/3, Reuters đưa tin, ngày 24/3, Không quân Trung Quốc cho biết đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông và khu vực Tây Thái Bình Dương sau khi đi qua chuỗi các đảo phía Nam và eo biểu Miyako của Nhật Bản và khẳng định “đây là những hoạt động chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh”. Reuters nhận định, Trung Quốc đang được xem là đang tích cực “nuôi” tham vọng hiện đại hoá quân sự, với việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đặt trọng tâm lớn vào hai lực lượng Không quân và Hải Quân, thông qua một loạt các chương trình sản xuất phi cơ chiến đấu và bổ sung các tàu sân bay, những hoạt động gây ra không ít lo ngại và căng thẳng cho các nước khu vực và cả Mỹ. Không quân Trung Quốc cho biết các máy bay H-6K, các chiến đấu cơ Su-30 và Su-35 đã được điều động để tiến hành các cuộc tuần tra chiến đấu trên Biển Đông và diễn tập ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Không quân nước này lại không công bố về vị trí diễn ra các cuộc tập trận này.

Hải quân Philippines chuẩn bị đưa máy bay đi tuần tra khu vực biên giới trên biển

Ngày 25/3, tạp chí Manila Times đưa tin, theo Hạm đội Philippines cho biết, máy bay Beechcraft King Air TC-90 của Hải quân Philippines đã được điều động để sẵn sàng tham gia vào hoạt động tuần tra khu vực biên giới trên biển của nước này cũng như “các khu vực biển rộng lớn khác”. Cụ thể, theo Trung uý Sahirul Taib, Người Phát ngôn Hạm đội Philippines, buổi lễ điều động đã diễn ra tuần trước tại trụ sở Nhóm Không quân – Hải quân Philippines tại Sangley Point, thành phố Cavite, Philippines. Chuẩn Đô đốc Philippines Danilo Rodelas, Tư lệnh Hạm đội Philippines cũng có mặt tại sự kiện này, khẳng định việc điều động chiếc TC-90 sẽ góp phần tăng cường năng lực của Hải quân nước này trong việc tuần tra và bảo vệ các vùng biển quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines lo ngại rằng Biển Đông vẫn là “một thách thức về an ninh”

Tạp chí The Straits Times đưa tin, ngày 26/3, sau khi tiếp nhận ba tàu trinh sát biển của Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông vẫn là “một thách thức an ninh” dù quan hệ song phương đã được cải thiện. Cụ thể, ông cho biết Philippines vẫn cần phải nỗ lực hơn trong việc đẩy mạnh các trang thiết bị quân sự nhằm đối phó với các thách thức an ninh trên biển vẫn đang âm ỉ. Mặt khác, ông Lorenzna cho biết Philippines cũng lo ngại với nạn cướp biển và các nhóm vũ trang ở Biển Sulu cũng như vấn đề tội phạm xuyên quốc gia và đánh bắt cá trái phép ở các ngư trường lớn tên các vùng lãnh hải của Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới