Sức mạnh trí tuệ của Hoa Kỳ nằm ở những “think-tank”, chứ không phải dựa vào một vài cá nhân cụ thể. Nước Mỹ muốn vĩ đại trở lại, phải nghĩ khác, làm khác.
Đài CNBC ngày 3/4 đăng bài bình luận của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon E. Panetta về “hai lựa chọn để tránh thảm họa” tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Ông Leon E. Panetta viết:
“Kim Jong-un đã có bước đi quan trọng để củng cố vị thế của mình trong hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump bằng cách thăm Trung Quốc;
Và ông ấy đã nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch Tập Cận Bình về lập trường của mình trong đàm phán.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đang di chuyển về phía trước với cuộc họp thượng đỉnh trong cuối tháng Tư với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, để thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều trong tháng Năm.
Còn Tổng thống Donald Trump đã viế trên Twitter gần đây rằng:
“Đang có cơ hội rất tốt cho ông Kim Jong-un làm những gì tốt cho người dân của mình và cho nhân loại. Rất mong chờ cuộc họp của chúng tôi”.
Triều Tiên và Hàn Quốc rõ ràng đang tích cực chuẩn bị và thực hiện các bước cơ bản nhằm cải thiện đòn bẩy cho đàm phán sắp tới;
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ dường như không làm gì để chuẩn bị đầy đủ cho các vấn đề phức tạp sẽ phải được giải quyết trong bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào.
Thay vào đó, ông lên Twitter bày tỏ hy vọng của mình về một hội nghị thượng đỉnh thành công.
Một cuộc đàm phán nghiêm túc với Triều Tiên sẽ bao gồm việc ông Donald Trump phải thúc giục ông Kim Jong-un đóng băng chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, ngừng sản xuất nhiên liệu hạt nhân và thiết lập một quy trình kiểm tra giám sát.
Giả sử như có một quy trình xác minh được Bắc Triều Tiên tuân thủ cam kết, Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ phải xem xét các bước họ sẽ phải chuẩn bị để đáp lại:
Cắt giảm cơ cấu các lực lượng (quân sự đồn trú trên bán đảo), viện trợ kinh tế, các vấn đề liên quan đến hiệp ước hòa bình vĩnh viễn với Triều Tiên.
Khả năng đánh giá nghiêm túc từng điều này và các quy định liên quan khác trong vài tuần tới và triển khai nó với sự chấp thuận, ủng hộ của các đồng minh là điều gần như không thể.
Không có gì bí mật về chuyện vị Tổng thống này (Donald Trump) có ít kiến thức và kinh nghiệm ngoại giao, cũng như không có sự kiên nhẫn để dành thời gian cần thiết chuẩn bị đầy đủ cho một hội nghị thượng đỉnh cấp cao.
Nếu không có một chiến lược toàn diện được cân nhắc thận trọng và làm việc chặt chẽ với các đồng minh của chúng ta, vị Tổng thống này có thể bước vào hội nghị thượng đỉnh vớ niềm tin rằng:
Sức mạnh tính cách cộng với ‘bản năng tự nhiên’ của ông đủ để chiếm ưu thế.
Đó là một công thức tạo nên thảm họa!
Hơn nữa, Mỹ đang thiếu hụt các nhân sự chủ chốt trong đội ngũ hoạch định chính sách an ninh quốc gia. Một số người trong đó sẽ phải trải qua quy trình xem xét, phê chuẩn của Thượng viện.
Dưới một Nhà Trắng cứng nhắc hơn, sẽ rất khó để chuẩn bị đầy đủ cho các cuộc họp cấp cao như vậy.
Sự bất ổn và thiếu thời gian khiến cho Mỹ hầu như không thể đặt nền móng cần thiết cho một trong những hội nghị thượng đỉnh về chính sách đối ngoại quan trọng nhất trong lịch sử của chính quyền Donald Trump.
Chuyến thăm bất ngờ của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, ảnh: NK News. |
Thực tế là Tổng thống Mỹ có hai lựa chọn để tránh thảm họa:
1) Giả định rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ chủ yếu hướng đến thỏa thuận về một khuôn khổ rộng lớn hơn với các vấn đề được xem xét trong các cuộc đàm phán tương lai;
Quyết định địa điểm, thời gian cho một nhóm đàm phán các thỏa thuận để bắt đầu thảo luận chi tiết, cụ thể hơn một thỏa thuận (cuối cùng) có thể đạt được.
Hoặc 2), hoãn bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào cho đến khi các nhà đàm phán (Hoa Kỳ) được chỉ định, xác định được rằng:
Thực tế có một nhóm các yếu tố và điều kiện có thể đạt được đồng thuận sẽ dẫn đến việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Không có gì nghi ngờ về việc, hoàn cảnh hiện nay đang tạo ra cơ hội quan trọng để đàm phán một thỏa thuận tiềm năng với Triều Tiên.
Tổng thống thực sự xứng đáng nhận được ghi nhận vì đã tạo ra tình huống này, do sự gia tăng các biện pháp trừng phạt và mối quan hệ của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhưng để thành công, việc này sẽ mất thời gian với sự chuẩn bị nghiêm túc, lập kế hoạch cẩn thận và tham vấn rộng rãi các đồng minh của chúng tôi.
Việc lên Twitter thông báo sẽ không giải quyết được điều đó.”
Cá nhân người viết nhận thấy, những bình luận của ngài Leon E. Panetta, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc CIA dưới thời Tổng thống Obama và cựu Tham mưu trưởng Tổng thống Bill Clinton, là rất ôn hòa, trách nhiệm với Tổ quốc của mình.
Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, Tổng thống Donald Trump là một “nhân vật đặc biệt của lịch sử” gánh vác sứ mệnh “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, thì suy nghĩ, quyết sách và hành động của ông ấy cũng sẽ rất khác với các vị tiền nhiệm.
Nước Mỹ dưới thời Donald Trump rất linh hoạt về chính sách hướng tới mục tiêu làm Mỹ vĩ đại trở lại.
Là một nhà đàm phán chuyên nghiệp, sẽ không thể có chuyện ngài Donald Trump chì “ngồi chờ” ông Kim Jong-un mà không chuẩn bị gì.
Có điều, sự chuẩn bị của Mỹ dưới thời Donald Trump rất có thể khác với các vị tiền nhiệm, như những gì ngài Leon E. Panetta đã chỉ ra trong bài.
Người ta không nhìn thấy con người cụ thể thực hiện các động thái cụ thể.
Nhưng theo chúng tôi, sức mạnh trí tuệ của Hoa Kỳ nằm trong các “think-tank”, đó là những nhóm chuyên gia cố vấn, những cái “hồ trí tuệ” độc lập, chứ nước Mỹ không phụ thuộc vào một vài cá nhân.
Và vấn đề người Mỹ đối mặt, đang phải tính toán giải pháp chính là nguy cơ bị Trung Quốc qua mặt và thay thế, chứ không phải Triều Tiên.
Do đó, có thể bề ngoài Nhà Trắng tỏ ra án binh bất động, nhân sự cấp cao chủ chốt hoạch định an ninh quốc gia thay đổi xoành xoạch, nhưng bên trong Mỹ vẫn có đủ công cụ và đòn bẩy thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình.
Còn trong quan hệ với đồng minh, nếu như các chính quyền tiền nhiệm đều chủ động “tham vấn” các vấn đề quan trọng, thì ngài Donald Trump lại buộc các đồng minh phải chủ động đến “tham vấn” Mỹ.
Chuyến đi Washington của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào trung tuần tháng này là một ví dụ điển hình.
Lúc mới lên cầm quyền, ông Donald Trump cũng khiến 3 nhà lãnh đạo hàng đầu châu Á là Tập Cận Bình, Shinzo Abe, Moon Jae-in hay một số đồng minh chủ chốt ở châu Âu, phải đến “diện kiến”.
Đó là một nét mới trong chính trị quốc tế hiện nay, trong đó ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un đều là những nhân vật tầm cỡ, xứng đáng được nghiên cứu kỹ lưỡng.