Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLàm thế nào để ngăn chặn chiến tranh thương mại Mỹ –...

Làm thế nào để ngăn chặn chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang cận kề?

Hiện chưa xảy ra chiến tranh thương mại, nhưng Trung Quốc và Mỹ đang trong một cuộc ‘khẩu chiến’ leo thang nhanh chóng, gây nguy hiểm cho cả hai bên, theo ông Harry J. Kazianis, giám đốc các nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia (CNI), đăng trên Fox News hôm 7/4.

Lời đe dọa mới của Tổng thống Trump hôm 5/4, cân nhắc việc áp đặt thêm thuế quan trị giá 100 tỷ USD lên các sản phẩm Trung Quốc, giúp ông Trump có được đòn bẩy để đàm phán giải quyết hoà bình, ngăn ngừa chiến tranh kinh tế và có lợi cho Mỹ. Nhưng để đạt được điều này sẽ không hề dễ dàng.

Theo ông Kazianis, đây có thể gọi là thách thức hay ‘Nghệ thuật Đàm phán’ nói theo ngôn từ của Tổng thống Trump.

Lời đe dọa mới của Tổng thống Trump được đưa ra, chưa kể lời đe dọa hôm 3/4 áp đặt thuế quan trị giá 50 tỷ USD lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bên cạnh thuế quan mà ông Trump công bố vào tháng trước đối với các sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc, dẫn đến tổng giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ hàng năm màTổng thống Trump đe dọa áp thuế, đã lên tới 153 tỷ USD.

Ông Kazianis cho rằng không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đáp trả ‘vòng thuế quan ban đầu’ mà Tổng thống Trump khởi xướng, với những lời đe dọa áp thuế riêng của Trung Quốc, trị giá 53 tỷ USD, lên hàng hóa nông sản và các sản phẩm của Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc hàng năm.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi áp thuế gắn với vòng thuế quan mới mà Tổng thống Trump đề xuất, bởi vì tổng giá trị hàng hóa từ Mỹ mà Trung Quốc nhập khẩu trong năm 2017 chỉ đạt có 130,4 tỷ USD trong khi Mỹ đã nhập khẩu 505,6 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc.

Đáp lại lời đe dọa mới nhất của Tổng thống Trump, Bộ thương mại Trung Quốc tuyên bố hôm 6/4: “Nếu Mỹ không quan tâm đến sự phản đối của Trung Quốc và cộng đồng quốc tế, cứ đeo đuổi chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, phía Trung Quốc sẽ hành động tương tự và chiến đấu bằng mọi giá“.

Theo ông Kazianis, ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận, ngăn cản hầu hết các mức thuế mới có hiệu lực, thì hai bên đã vượt qua một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ Mỹ -Trung. Cả hai bên bây giờ đều nhận ra bản chất của cuộc đấu tranh địa chính trị đang diễn ra. Không có gì đáng ngạc nhiên khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, 2 nước có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, đang bước vào một bầu không khí nóng, gần như Chiến tranh lạnh.

Như ông Kazianis lưu ý trong một bài viết thể hiện quan điểm cá nhân trên tờ Fox News vào tuần trước, rõ ràng Trung Quốc không phải là bạn của Mỹ. Hai quốc gia này có thương mại, cũng như các mục tiêu ngoại giao, kinh tế và địa chính trị rất khác biệt, tự nhiên sẽ tạo ra căng thẳng trong nhiều thập kỷ tới. Như Tổng thống Trump đã chỉ ra hôm 5/4 rằng việc mỗi quốc gia đều đang tìm cách vượt lên dẫn đầu trong bất kỳ thỏa thuận nào mà hai bên đàm phán, là điều có thể hiểu được.

Ông Kazianis cho rằng điều cần thiết bây giờ là tiến hành những cuộc đàm phán khó khăn và nghiêm túc giữa Trung Quốc và Mỹ, để đạt được một thỏa hiệp, hợp lý và công bằng, tạo cho mỗi quốc gia một số điều mà họ muốn. Nhưng điều này cần thực hiện thông qua các biện pháp ngoại giao chứ không phải là những lời bình luận trên mạng Twister hay những lời ứng khẩu. Sẽ là một sai lầm chiến lược đối với Mỹ và Trung Quốc khi tham gia vào cuộc khẩu chiến ‘ăn miếng trả miếng’ trên truyền thông, vì đơn giản đó là hành động đổ thêm dầu vào lửa cho cuộc tranh chấp thương mại của họ.

Điều này đặc biệt đúng bởi vì có một số dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể đã sẵn sàng ‘nhắm mắt làm ngơ’, vì những lý do chiến lược, ông Kazianis nhận xét.

Tối hôm 5/4, ông Kazianis đã nói chuyện với một số học giả, các nhà nghiên cứu và kinh tế học hàng đầu Trung Quốc, tất cả đều có quan hệ gần gũi với chính phủ Trung Quốc, đều có sự hiểu biết sâu sắc về tư tưởng của Bắc Kinh trước những căng thẳng thương mại leo thang với Washington. Tất cả họ đều lập lại một quan điểm tương tự. Đó là có khả năng đạt được một thỏa thuận với Mỹ, mặc dù Bắc Kinh nhận xét rằng có thể không sẽ có đàm phán vì những lý do rất rõ ràng.

Trong số các chuyên gia Trung Quốc đã nói chuyện thẳng thắn với ông Kazianis, với điều kiện không tiết lộ họ tên, một nhà kinh tế học cấp cao Trung Quốc có quan hệ gần gũi với chính quyền Bắc Kinh cho rằng: “Trung Quốc đã không sẵn sàng trước áp lực to lớn của Tổng thống Trump lên Trung Quốc về cái gọi là sự mất cân bằng thương mại. Tuy nhiên, có thể đạt được một thỏa thuận bởi vì hai bên đều bị tổn hại nhiều, đặc biệt là Trung Quốc khi mà chúng tôi chưa sẵn sàng cho chiến tranh kinh tế với một cường quốc lớn như Mỹ”.

Nhà kinh tế học tiếp tục: “Những gì khiến tôi và nhiều quan chức chính phủ lo sợ, là lối nói khoa chương đang ‘nóng lên’ rất nhanh, khiến cả hai bên không có nhiều cơ hội để giải quyết vấn đề. Cả hai bên đều mắc phải sai lầm lớn, bởi vì việc cố gắng ghi điểm nhanh trước các đối tượng chính trị trong nước, là một sai lầm lớn. Bây giờ là thời điểm để có được cả hai bên trong một căn phòng, khóa cửa lại, và làm việc hướng tới một thỏa thuận công bằng với tất cả mọi người”.

Đồng ý với ý kiến trên, một học giả khác cũng có quan hệ gần gũi với chính phủ Bắc Kinh, nhận định: “Các quan chức Trung Quốc chắc chắn sẽ đưa ra một số nhượng bộ rõ rệt để chắc chắn rằng chúng tôi tránh được một trận chiến thương mại với Washington. Hiện tại, chúng tôi chưa hoàn toàn sẵn sàng đối đầu với Mỹ. Chúng tôi phải tiếp tục tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự của mình. Sự đối đầu này không phải là mối quan tâm của chúng tôi, và ít nhất là trong thời điểm này cần phải trì hoãn, cho đến khi chúng tôi ở trong một vị thế mạnh hơn”.

Học giả này đã giải thích rằng thậm chí mối quan tâm của Trung Quốc là ‘gác lại’ vấn đề này bởi vì Bắc Kinh có nhiều vấn đề lớn hơn mà họ phải đối mặt trong những năm tới.

“Trung Quốc phải nghĩ đúng về tất cả các cuộc thảo luận thương mại này. Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo sự ‘trỗi dậy’ của mình không bị dừng lại. Chúng tôi có những mục tiêu chiến lược lớn hơn. Chiến thắng một cuộc giao tranh thương mại với Mỹ có thể phải trả giá cao nhất, biến Mỹ thành một kẻ thù mà chúng tôi không thể hy vọng đánh bại, ít nhất là chưa. Chúng tôi phải trì hoãn ngày đó trong chừng mực mà chúng tôi có thể”, vị học giả Trung Quốc này nhận định.

Về phía Mỹ, một quan chức Nhà Trắng, người đã nói chuyện với ông Kazianis hôm 6/4 với điều kiện giấu tên, cũng bày tỏ hy vọng Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc.

Vị quan chức Nhà Trắng cho biết: “Tổng thống Trump đã luôn nói rằng ông sẵn sàng đàm phán với Bắc Kinh. Điều đó không có gì mới. Nhưng chúng ta đã là những ‘người khờ dại’ trước Trung Quốc. Chúng ta muốn thương mại công bằng, có lợi cho đôi bên. Tôi nghĩ chúng ta có thể đến đó [để đàm phán]”..

Tuy nhiên, quan chức này bày tỏ sự thận trọng, nêu rõ ràng rằng: “quả bóng đang ở trong sân của Trung Quốc”.
Theo suy đoán của ông Kazianis, một thỏa thuận có thể xảy ra, trong đó cả hai bên sẽ có một số nhượng bộ, đặc biệt là Trung Quốc, liên quan đến sở hữu trí tuệ và cho phép các sản phẩm của Mỹ tiếp cận thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc, trong những năm tới.

Nhưng đồng thời, theo ông Kazianis, Mỹ nên thận trọng. Chính quyền của ông Trump đã đầu tư vốn chính trị quý báu để đảm bảo rằng Trung Quốc không những hiểu được ý định của Mỹ, mà còn hiểu rằng chính quyền Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của mình, ngay cả khi điều đó đòi hỏi Mỹ phải tấn công kinh tế.

Mỹ phải đảm bảo rằng bất kỳ thoả thuận nào đều bảo vệ người lao động Mỹ, nền tảng công nghệ Mỹ và các ưu tiên quốc gia có tính sống còn. Đàm phán như vậy có thể mất một thời gian và gây ra một số nỗi đau kinh tế, nhưng sẽ bảo vệ những lợi ích kinh tế lâu dài của Mỹ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Kazianis, có một thách thức lớn hơn đang xuất hiện lờ mờ trên ‘bầu trời’. Đó là Trung Quốc đang thay đổi quan điểm chiến lược. Bắc Kinh đang điều chỉnh cách nhìn của họ trên toàn cầu, coi Mỹ là một mối đe dọa chiến lược thực sự, đặt ra một mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với Mỹ. Chỉ trong tuần trước, các quan chức quốc phòng Trung Quốc đã đưa ra những lời ủng hộ cho Nga, xây dựng các quan hệ ngày càng giống như một liên minh thật sự.

Washington phải chuẩn bị cho một chặng đường dài, sẵn sàng đối mặt với sức mạnh của Trung Quốc trong những tháng năm tới, ông Kazianis nhận định.

Một nhà kinh tế học Trung Quốc đã nói thẳng thừng: “Washington và Bắc Kinh sẽ đụng độ. Đó chỉ là vấn đề khi nào và như thế nào”.

RELATED ARTICLES

Tin mới