Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngQuốc tế và Việt Nam nói về cải tạo đảo Biển Đông

Quốc tế và Việt Nam nói về cải tạo đảo Biển Đông

Các học giả sẽ phân tích toàn diện về ảnh hưởng của việc xây dưng, tôn tạo bất hợp pháp trên Biển Đông đối với hòa bình, an ninh, kinh tế…

Vấn đề cải tạo đảo trên Biển Đông sẽ tiếp tục được giới chuyên gia mổ xẻ dưới nhiều góc độ khác nhau

Vấn đề này sẽ được đề cập chi tiết tại hội thảo quốc tế “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực” do Hội Luật gia Việt Nam và Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 25/7 tại TP Hồ Chí Minh.

GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP  Hồ Chí Minh cho biết: hội thảo là diễn đàn khoa học để các chuyên gia trong và ngoài nước phân tích, bình luận một cách toàn diện về ảnh hưởng của việc xây dưng, tôn tạo bất hợp pháp trên Biển Đông đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, hàng hải, hàng không của khu vực và thế giới.

Theo đó có hơn 20 chuyên gia, học giả về luật quốc tế, luật biển quốc tế có uy tín khoa học lớn đến từ các nước Liên bang Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Việt Nam… tham dự và trình bày tham luận.

TS Mai Hồng Quỳ tiết lộ, các tham luận được gửi đến hội thảo tập trung vào hai chủ đề chính gồm khía cạnh pháp lý liên quan đến đảo và công trình, thiết bị nhân tạo theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; tác động của việc xây dựng đảo, công trình, thiết bị nhân tạo đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực.

Nhìn nhận về hành động của Trung Quốc, ban tổ chức hội thảo cho rằng về phương diện luật pháp quốc tế, hành vi bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông là hoàn toàn sai trái với quy định về xây dựng đảo và công trình, thiết bị nhân tạo của UNCLOS năm 1982; trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam và ASEAN với Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông – DOC;

Việc làm này cũng xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đe dọa hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, tự do hàng không, nghiên cứu khoa học và môi trường biển của các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Vấn đề này từng thu hút sự quan tâm của nhiều học giả quốc tế trên các diễn đàn gần đây.

Mới đây Bill Hayton, phóng viên BBC và cũng là tác giả cuốn sách “Biển Đông- Cuộc chiến quyền lực tại châu Á” đã cho rằng tình hình Biển Đông đang gióng lên hồi chuông báo động trên toàn thế giới, khiến Liên minh châu Âu phải lên tiếng về sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp.

Khối G7 lần đầu tiên ra tuyên bố về Biển Đông, bày tỏ quan ngại về hoạt động cải tạo đảo quy mô lớn của Trung Quốc và kịch liệt phản đối việc thúc đẩy chủ quyền bằng đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

 Với Malaysia trong tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2015, ASEAN đã mạnh mẽ chỉ trích hành động xây dựng đảo của Trung Quốc.

“Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN thông qua Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông, trong đó các bên nhất trí không thay đổi hiện trạng tại khu vực này nhưng Trung Quốc đã làm gì? Trung Quốc đã thay đổi hiện trạng. Liệu chúng ta có tin được Trung Quốc không? Đây là một câu hỏi lớn?”, ông Hayton nhấn mạnh.

Cố vấn cao cấp về châu Á của CSIS, Bonnie Glaser thì chỉ rõ ý đồ của Trung Quốc: “Cho dù sử dụng với mục đích dân sự thì việc xây dựng đảo nhân tạo cũng như cơ sở vật chất tại đó cũng chỉ phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc.

Mục đích của họ là củng cố và thúc đẩy chủ quyền và kiểm soát hành chính tại đây. Nếu tàu cá của các nước đòi hỏi chủ quyền khác sử dụng những cơ sở trên các thực thể địa lý này thì vô hình chung sẽ góp phần thúc đẩy yêu sách chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc”.

Bà Glaser cũng cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng những thực thể vừa cải tạo để đẩy các bên đòi hỏi chủ quyền khác ra khỏi những tiền đồn mà họ đang chiếm giữ tại Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới