Vào những năm 1960, Liên Xô và Ấn Độ đã tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng và kỹ thuật quân sự. Hiện nay, mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự đang phát triển mạnh mẽ trên nền tảng Chương trình Hợp tác kỹ thuật quân sự giai đoạn 2011-2020.
Tàu sân bay Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ. Nguồn: AP
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2000-2014, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới. Thị phần vũ khí Nga chiếm khoảng 75% trong số tất cả các loại vũ khí của Ấn Độ. Năm 2015, Moscow đã cung cấp cho New Delhi vũ khí và thiết bị quân sự với tổng trị giá hơn 4 tỷ USD.
Năm 2016, hai bên đã ký các bản hợp đồng quốc phòng trị giá khoảng 2 tỷ USD. Theo số liệu năm 2017, tổng số danh mục các đơn đặt hàng của Ấn Độ ở Công ty Quốc doanh Nga Rosoboronexport vượt quá 4 tỷ USD.
Thiết bị quân sự dành cho Hải quân
Bản hợp đồng lớn nhất giữa Nga và Ấn Độ trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật cho tới thời điểm hiện nay là việc Nga cung cấp cho Ấn Độ tàu sân bay Vikramaditya trong năm 2013. Việc chuyển giao tàu sân bay đã được dự kiến tiến hành trước năm 2008, nhưng thời hạn này đã bị hoãn lại nhiều lần và giá trị của hợp đồng tăng lên đến 2,33 tỷ USD.
Năm 2000, Nga đã cung cấp cho Ấn Độ tàu ngầm diesel-điện S65 Sindhushastra do Nhà máy đóng tàu Admiralty ở St.Peterburg đóng. Bên cạnh đó, theo đơn đặt hàng của Không quân Ấn độ, Trung tâm sửa chữa tàu Zvezdochka ở Severodvinsk (Nga) đã nâng cấp 6 tàu ngầm do Liên Xô và Nga sản xuất, được bán cho Ấn Độ trong giai đoạn 1980-1990.
Năm 2004, Nga đã hoàn thiện hợp đồng đóng cho Ấn Độ 3 tàu khu trục nhỏ Đề án 11356 tại Nhà máy đóng tàu Yantar (Kaliningrad, Nga) với tổng trị giá 1 tỷ USD. Trong năm 2013, Nga đã hoàn thành xong việc cấp thêm cho Ấn Độ 3 tàu khu trục nữa thuộc Đề án này theo nội dung bản hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD.
Đến năm 2010, 5 máy bay chống ngầm Il-38 của Không quân Ấn Độ đã được hiện đại hóa ở Nga lên phiên bản Il-38SD theo nội dung bản hợp đồng năm 2001 trị giá 205 tỷ USD. Tất cả 5 chiếc máy bay phiên bản cải tiến Il-38SD đều phải được đại tu tại Nga theo thỏa thuận đạt được giữa hai bên trong năm 2012.
Năm 2011, phía Nga hoàn thiện bản hợp đồng đầu tiên cung cấp cho Không quân Ấn Độ 16 máy bay chiến đấu MiG-29K/KUB. Năm 2013, Moscow bắt đầu thực hiện bản hợp đồng thứ hai cung cấp 29 máy bay loại này cho New Delhi.
Theo hợp đồng được ký năm 2004 với trị giá 900 triệu USD, từ năm 2012, tàu ngầm hạt nhân Chakra hiện diện trong trang bị của Không quân Ấn Độ. Cuối tháng 7-2016, hai bên đã ký hợp đồng hiện đại hóa 10 trực thăng chống ngầm Ka-28 của Hải quân Ấn Độ với mức giá 299 triệu USD. Dự kiến, hợp đồng này sẽ được triển khai trong vòng 3 năm.
Thiết bị quân sự dành cho Lục quân
Ấn Độ là vị khách hàng nước ngoài mua xe tăng Nga nhiều nhất. Năm 2001, Nga và Ấn Độ đã ký hợp đồng trị giá hơn 800 triệu USD để cung cấp cho Quân đội Ấn Độ 124 xe tăng T-90S và 186 tổ hợp xe tăng để lắp ráp tại nhà máy ở thành phố Avadi (Ấn Độ).
Trong tháng 11-2007, Nga và Ấn Độ đã ký một hợp đồng mới trị giá 1,24 tỷ USD về việc cung cấp 124 xe tăng T-90S đã lắp ráp và 223 tổ hợp xe tăng. Những xe tăng được lắp ráp và sản xuất ở Ấn Độ được gọi là T-90S Bhishma.
Năm 2005, Nga đã ký hợp đồng cung cấp cho Ấn Độ 38 hệ thống phóng loạt tầm xa phản lực 9A52-2 Smerch trị giá 450 triệu USD. Hai năm sau, hai bên đã đạt được thỏa thuận bổ sung trị giá 200 triệu USD về việc cung cấp thêm 18 hệ thống phóng loạt tầm xa phản lực này.
Mùa thu năm 2012, hai bên đã ký hợp đồng cung cấp 10.000 tên lửa điều khiển Invar dành cho xe tăng T-90S và 10.000 tên lửa điều khiển chống tăng Konkurs-M dành cho lực lượng cơ giới. Năm 2014, Moscow và New Delhi đã ký hợp đồng cung cấp thành phẩm 3VBM17 (đạn pháo xe tăng Mango) cho xe tăng T-90S.
Lô hàng đầu tiên đã được gửi đến Ấn Độ vào năm 2016, lô hàng thứ hai được chuyển đi vào năm 2017. Ngày 15-10-2016, Nga và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận liên chính phủ về việc cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumph.
Thiết bị quân sự dành cho Không quân
Tháng 11-1996, Nga và Ấn Độ đã ký hợp đồng cấp cho New Delhi 32 máy bay chiến đấu Su-30MKI và 8 Su-30K. Năm 1998, Ấn Độ lại mua thêm 10 máy bay Su-30K. Năm 2000, hai bên đã ký hợp đồng chuyển nhượng dây chuyền sản xuất 140 Su-30MKI cho xí nghiệp Ấn Độ Hindustan Aeronautics Limited (HAL) trị giá 3,5 tỷ USD.
Sau đó, hai bên đã ký một số thỏa thuận cung cấp linh kiện để lắp ráp máy bay chiến đấu ở Ấn Độ. Đến đầu năm 2017, HAL đã sản xuất 183 máy bay chiến đấu. Tháng 3-2017, hai bên đã ký hợp đồng hỗ trợ dịch vụ cho Su-30MKI của Không quân Ấn Độ trong thời gian 5 năm.
Năm 2011, Nga đã hoàn thành việc cung cấp 3 máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không A-50EI cho Ấn Độ. Tháng 2-2017, tại Triển lãm vũ trụ hàng không Aero India 2017, Ấn Độ đã đặt thêm 2 máy bay loại này.
Ngày 13-5-2015, Hội đồng Mua sắm Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Ấn Độ (DAC) đã thông qua việc mua 200 trực thăng nhẹ Ka-226T của Nga cho Không quân và Hải quân nước này.
Trong tháng 2-2016, Tập đoàn Trực thăng Nga công bố việc thực hiện các hợp đồng cung cấp cho Ấn Độ 151 trực thăng Mi-17V-5v theo nội dung hợp đồng năm 2008 và năm 2012. Tháng 4-2016, Nga đã ký hợp đồng với Ấn Độ về việc cung cấp 5 tổ hợp bảo vệ máy bay President-S.
Hiện nay, Tập đoàn chế tạo máy bay MiG của Nga đang cung cấp cho Ấn Độ các tổ hợp công nghệ để nâng cấp 62 máy bay MiG-29 của nước này, được mua từ thời Liên Xô, lên phiên bản MiG-29UPG. Hợp đồng giữa hai bên được ký vào tháng 3-2008 với tổng giá trị là khoảng 1 tỷ USD.
Tháng 11-2017, Tập đoàn Trực thăng của Nga đã ký hợp đồng xuất khẩu đầu tiên với công ty Vectra Group của Ấn Độ về việc cung cấp trực thăng đa năng Mi-171A2. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Mi-171A2 sẽ được chuyển giao cho khách hàng trong năm nay.
Theo thông tin được đưa ra trong khuôn khổ Triển lãm vũ khí quốc tế Defexpo India 2018, máy bay trực thăng Ka-226T đầu tiên có thể được chuyển tới Ấn Độ trước năm 2020. Bên cạnh đó, phía Ấn Độ cũng khẳng định sự ra đời của chiếc trực thăng đa năng hạng nhẹ Ka-226T, dự kiến lắp ráp tại liên doanh Indo-Russian Helicopters Limited.
Hợp tác sản xuất
Nga và Ấn Độ cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực hợp tác sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự. Năm 1998, hai nước đã được ký một thỏa thuận liên chính phủ về việc sản xuất tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos.
Xí nghiệp liên doanh Nga-Ấn Độ BrahMos Aerospace được giao đảm nhận công tác sản xuất loại tên lửa này. Cái tên BrahMos được hình thành bằng cách kết hợp tên của 2 con sông – Brahmaputra và Moscow.
Trong tháng 10-2016, hai bên đã ký một thỏa thuận liên chính phủ, theo đó Nga cam kết sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Ấn Độ trong việc chế tạo tàu khu trục Đề án 11356.
Theo thông báo của người đứng đầu Tập đoàn Nhà nước Rostec Sergey Chemezov, 2 tàu khu trục sẽ được chế tạo tại Nga, các tàu còn lại sẽ được đóng tại một trong những một trong những nhà máy đóng tàu của Ấn Độ cùng với sự tham gia của Nga.
Tháng 12-2010, Công ty Quốc doanh Nga Rosoboronexport và Xí nghiệp Ấn Độ HAL đã ký hợp đồng hợp tác phát triển thiết kế kỹ thuật sơ bộ cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 FGFA (Fifth Generation Fighter Aircraft). Tháng 2-2017, Nga và Ấn Độ đã ký sơ bộ dự thảo hợp đồng để tiến hành công tác thiết kế -thử nghiệm FGFA.